CEO JPMorgan Chase: Kinh tế Mỹ đang đối mặt nhiều rủi ro lớn
Tổng giám đốc (CEO) Jamie Dimon của JPMorgan Chase cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với những rủi ro chưa từng có tiền lệ, có thể dẫn tới những biến động lớn...
Trong lá thư thường niên gửi cổ đông đề ngày 4/4, người đứng đầu ngân hàng lớn nhất của Mỹ xét về giá trị tài sản đưa ra quan điểm lạc quan về sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện tại. Ông nhấn mạnh rằng người tiêu dùng và các công ty của Mỹ đang rủng rỉnh tiền, tiền lương của người lao động tiếp tục tăng, và nền kinh tế vẫn giữ nhịp tăng trưởng nhanh sau đợt suy giảm vì Covid-19. Niềm tin người tiêu dùng Mỹ gần đây có giảm, nhưng ông cho rằng tiêu chí đánh giá quan trọng hơn chính là việc tiêu dùng vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Dù vậy, ông Dimon cảnh báo rằng chiến tranh ở Ukraine có thể đẩy lạm phát tăng cao hơn nữa, dẫn tới làm chậm sự phục hồi kinh tế sau đại dịch và thay đổi các liên minh trên toàn cầu trong những thập kỷ tới đây.
“Tình hình hiện nay hoàn toàn khác so với những gì chúng ta đã trải qua trong quá khứ. Ảnh hưởng của các yếu tố hiện nay có thể làm gia tăng nhanh chóng rủi ro trong thời gian tới”, ông Dimon nhận định. “Có khả năng và cũng là hy vọng rằng những vấn đề này sẽ tìm ra được giải pháp êm thấm, chúng ta vẫn cần phải chuẩn bị cho những tình huống tiêu cực có thể xảy ra”.
Nhiều thay đổi đã xảy ra kể từ khi ông Dimon gửi đi lá thư cổ đông thường niên 2021. Tháng 4 năm ngoái, khi nền kinh tế thế giới mới bắt đầu phục hồi sau cú gục ngã vì đại dịch, vị CEO đã nhận thấy cơ hội cho “thời kỳ vàng” kinh tế, với tăng trưởng nhanh và bền vững trong khi lạm phát và lãi suất tăng chậm. Giờ đây, tăng trưởng kinh tế vẫn diễn ra, nhưng lạm phát đã vượt xa kỳ vọng.
“Hoá ra, phương thuốc đã quá nhiều và kéo dài quá lâu”, ông Dimon viết trong lá thư mới nhất, khi nói về các biện pháp kích thích kinh tế thời đại dịch nhằm giúp kích cầu tiêu dùng và giữ lãi suất ở mức thấp.
Ông Dimon cảnh báo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)có thể tăng lãi suất “cao hơn nhiều so với những gì thị trường kỳ vọng”.
Fed bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 3 vừa qua và phát tín hiệu sẽ có thêm nhiều đợt nâng trong năm nay. Thậm chí, ngân hàng trung ương này để ngỏ khả năng tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tiếp theo, thay vì nâng 0,25 điểm phần trăm như thường thấy.
“Quá trình này sẽ gây nhiều hoảng hốt mà mức độ biến động lớn trên thị trường”, ông Dimon nói thêm.
Theo ông Dimon, cuộc chiến tranh Nga-Ukraine và các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ gây giảm tốc nền kinh tế toàn cầu. Giá hàng hoá cơ bản và nông sản đã biến động mạnh vì cuộc chiến này. Nếu Nga bị trừng phạt thêm, ảnh hưởng của các biện pháp đó đối với kinh tế toàn cầu sẽ gia tăng mạnh mẽ và khó lường, nhà ngân hàng kỳ cựu nhận định.
“Cùng với sự khó lường của cuộc chiến tranh và bất định trong chuỗi cung ứng hàng hoá cơ bản toàn cầu, tình hình có thể bùng nổ” thành một trạng thái rất xấu - ông Dimon nhận định.
Ông cũng tiết lộ rằng JPMorgan Chase có thể mất 1 tỷ USD trong hoạt động kinh doanh ở Nga.
Một lần nữa, ông Dimon đưa ra lời kêu gọi về một “Kế hoạch Marshall” mới – tương tự như sáng kiến cùng tên của Mỹ nhằm giúp châu Âu tái thiết sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ông nhấn mạnh rằng đầu tư năng lượng là vô cùng cần thiết để giúp thế giới thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu thô và khí đốt từ Nga. Ông kêu gọi Mỹ tăng cường cấp phép cho các dự án dầu khí và đẩy mạnh xuất khẩu khí hoá lỏng (LNG) sang châu Âu.
Ông Dimon nói thêm rằng việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu năng lượng không đồng nghĩa với việc phải cắt giảm đầu tư vào năng lượng xanh cũng như các nỗ lực khác nhằm giảm khí thải carbon.
“Chúng ta cần đảm bảo đầy đủ nguồn cung năng lượng cho vài năm tới. Việc này có thể được thực hiện trong khi chúng ta cắt giảm khí thải CO2”, ông viết.