14:01 15/03/2023

CEO ngoại bỏ trốn, tranh cãi bồi thường 180 tỷ đồng cho ngân hàng

Đỗ Mến

Ngân hàng đề nghị buộc Công ty Kenmark phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ toàn bộ số tiền còn nợ, song Viện kiểm sát đề nghị các cựu cán bộ ngân hàng phải liên đới bồi thường....

Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Trong các ngày 14-15/3, TAND TP Hà Nội xét xử vụ án thất thoát gần 180 tỷ đồng liên quan đến dự án Kenmark.

Các bị cáo gồm: Đỗ Quốc Hùng (nguyên Giám đốc ngân hàng chi nhánh Thành Đô); Lưu Thị Bích Thủy (nguyên Phó giám đốc), Phạm Anh Tài (nguyên Trưởng phòng tín dụng); Nguyễn Văn Hà (nguyên Phó phòng tín dụng); Lại Minh Ngọc (nguyên Trưởng phòng thẩm định);

Lê Vũ Thanh (nguyên Giám đốc ngân hàng Chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh) và Đỗ Xuân Khoan (nguyên Phó phòng tín dụng chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh) hầu tòa với tội  danh Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

CẦN THẬN TRỌNG KHI TRIỂN KHAI DỰ ÁN

Theo cáo trạng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Kenmark là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài do Công ty trách nhiệm hữu hạn Cheermaster (trụ sở tại Samoa) thành lập tại tỉnh Hải Dương để thực hiện Dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Việt Hòa – Kenmark tỉnh Hải Dương với tổng vốn đầu tư 1.594 tỷ đồng.

Người đại diện pháp luật là ông Hwang Jonathan Cheng Yu (quốc tịch Mỹ) là Tổng Giám đốc.

Để có tiền thực hiện dự án, tháng 2/2008, Công ty Kenmark đã ký hợp đồng tín dụng vay hơn 67 triệu USD của 3 ngân hàng đồng tài trợ.

Viện Kiểm sát xác định, từ tháng 2/2008 - 5/2010, các ngân hàng đã giải ngân cho Công ty Kenmark hơn 52 triệu USD và hơn 57 tỷ đồng. Đến tháng 6/2010, Công ty Kenmark có thông báo về việc tạm dừng hoạt động. Người đại diện pháp luật của công ty này đã xuất cảnh khỏi Việt Nam và “xù nợ”.

Các ngân hàng thu nợ và bán đấu giá tài sản đảm bảo, đối trừ số tiền cho Công ty Kenmark vay tính đến ngày khởi tố vụ án (tháng 9/2020).

Đến nay, số tiền Công ty Kenmark còn dư nợ không thu hồi được tại 3 chi nhánh một ngân hàng là hơn 7,8 triệu USD, tương đương hơn 180 tỷ đồng.

Bị cáo Đỗ Quốc Hùng thừa nhận khi thẩm định hồ sơ vay vốn đã có sơ suất, chưa đánh giá hết mức độ rủi ro, năng lực kinh nghiệm còn hạn chế. Từ đó, dẫn đến khoản vay không thể thu hồi, gây thiệt hại cho ngân hàng.

Bị cáo Lưu Bích Thủy, cựu Phó giám đốc chi nhánh cho rằng đây là lần đầu tiên thẩm định cho vay đối với khách hàng 100% vốn nước ngoài, chưa lường hết rủi ro và chưa có biện pháp hạn chế rủi ro.

Đại diện Viện kiểm sát trình bày bản luận tội.
Đại diện Viện kiểm sát trình bày bản luận tội.

Viện kiểm sát nhận định, từ ngày 4/12- 11/12/2007, Tổ thẩm định Dự án Việt Hòa - Kenmark gồm các bị cáo đã thẩm định hồ sơ đề nghị vay vốn đối với Công ty Kenmark.

Các bị cáo đã đánh giá không đúng mức về các yếu tố rủi ro, đề xuất cho Công ty Kenmark vay vốn, trong khi hồ sơ của công ty này không đầy đủ theo quy định, dẫn đến việc giải quyết cho vay hơn 52 triệu USD và hơn 57 tỷ đồng trái quy định, không đúng yêu cầu về hình thức giải ngân 2 bước theo chỉ đạo của ngân hàng.

Hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực cho vay của các tổ chức tín dụng.

Theo Viện kiểm sát, để khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, Nhà nước đã tạo điều kiện cũng như tạo hành lang pháp lý giúp cho các doanh nghiệp hoạt động. 

Tuy nhiên, không phải vì thế mà các tổ chức tín dụng khi được Nhà nước trao quyền lại không thận trọng trong triển khai khi thực hiện; không đánh giá đúng các yếu tố rủi ro; không đánh giá đúng năng lực tài chính; thực hiện không đúng trong việc thẩm định cho vay đối với các dự án nói chung và dự án Kenmark nói riêng dẫn đến thiệt hại cho Ngân hàng là số tiền dư nợ không thu hồi được tại 3 Chi nhánh là hơn 178 tỷ đồng.

Từ đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt các bị cáo từ 30-36 tháng tù treo - 9 năm tù.

TRANH CÃI VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, ngân hàng đề nghị,  đối với phần dư nợ lãi liên quan đến khoản vay, ngân hàng sẽ xem xét miễn giảm theo quy định nếu Công ty Kenmark trả hết phần nợ gốc còn lại.

Ngân hàng đề nghị buộc Công ty Kenmark phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ toàn bộ số tiền còn nợ, vì hiện nay Công ty Kenmark đang còn hoạt động và có người đại diện pháp luật theo ủy quyền tại Việt Nam.

Viện kiểm sát cho rằng, trong vụ án này, Công ty Kenmark là chủ thể ký kết hợp đồng tín dụng vay vốn, là chủ thể sử dụng vốn vay, vì vậy Công ty Kenmark có nghĩa vụ trả số tiền dư nợ gốc còn nợ.

Các bị cáo Hùng, Thủy, Tài, Hà, Ngọc, Thanh, Khoan đều có lỗi trong việc xảy ra hậu quả nên các bị cáo phải liên đới cùng Công ty Kenmark chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho ngân hảng.

Ngoài ra, xét thấy ông Bùi Văn Bốn, nguyên Giám đốc chi nhánh Bắc Kạn - dù các cơ quan tố tụng đã phân hóa không xử lý hình sự, nhưng là người có nghĩa vụ liên quan có trách nhiệm trong việc giải ngân khoản vay, vì vậy đại diện Viện kiểm sát cũng đề nghị ông Bốn cùng các bị cáo liên đới bồi thường, khắc phục hậu quả cho Ngân hàng.

Một số luật sư cho rằng ngân hàng xác định các bị cáo không tư lợi, vụ lợi, thực hiện theo lợi ích của ngân hàng. Vì vậy, đề nghị tòa án không buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường.

Đại diện Công ty Kenmark có ý kiến, vay thì phải trả nợ, nhưng công ty muốn đòi lại quyền lợi vì đầu tư đa quốc gia không lỗ được.

Luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết đề nghị xem xét các nguyên nhân khách quan dẫn đến việc thiệt hại chưa được thu hồi.

Theo luật sư, hiện nay chủ đầu tư mới mua lại dự án đã chứng minh chủ trương đầu tư và phát triển dự án là hoàn toàn đúng đắn. Họ đã tính đến sự phát triển của xã hội và đúng với xu thế phát triển ngành công nghiệp của nước ta. Sự thất bại của Kenmark là một phần do khủng hoảng kinh tế chung toàn cầu.