08:22 14/02/2021

CEO Viettel Lê Đăng Dũng: "Mọi quyết định của Viettel bây giờ đều dựa trên dữ liệu"

Mạnh Chung

"Nói vui, hiện tôi vừa muốn tiếp tục là Viettel, vừa muốn là Alibaba. Làm được như thế thì Viettel sẽ bùng nổ"

Quyền chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng - Ảnh: M.Chung.
Quyền chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng - Ảnh: M.Chung.

Trong câu chuyện với VnEconomy một ngày cuối năm về năm kinh doanh 2020 đầy biến động bởi dịch Covid-19, về đầu tư quốc tế, kế hoạch phát triển 5G, đến việc thay đổi thương hiệu và chiến lược sắp tới, nhiều lần Quyền chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) Lê Đăng Dũng nhấn mạnh: "mọi quyết định của Viettel bây giờ đều dựa trên dữ liệu, không phải là tư duy duy ý chí của bất cứ ai".

Ông Dũng nói: Năm 2020 – năm với rất nhiều xáo trộn và khó khăn bởi dịch Covid-19 nhưng Viettel vẫn đạt tổng doanh thu hơn 264,1 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 4,4% so với 2019, đạt 102,4% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế đạt 39,8 nghìn tỷ, tăng 4,1%, đạt 103,9% kế hoạch năm. Có thể xem "cúc huých Covid-19" đã giúp Viettel giữ được đà tăng trưởng như vậy, và được xem là năm khá thành công.

CÚ HUÝCH MANG TÊN COVID-19

Sao ông lại gọi Covid-19 là cú huých giúp Viettel giữ được đà tăng trưởng trong năm 2020? Cụ thể là như thế nào?

Từ năm 2018 Viettel nhận thấy cần phải thay đổi bởi viễn thông truyền thống đang giảm sút, thế giới đã chuyển sang một hướng đi mới là dịch vụ số và rất nhiều công ty không phải viễn thông nhưng lại rất thành công, như Alibaba, Facebook, Amazon… họ dựa vào nền tảng viễn thông, khách hàng viễn thông, nhưng lại cung cấp dịch vụ của họ.

Câu hỏi của Viettel khi đó là mình có hạ tầng viễn thông, khách hàng viễn thông, tại sao lại không làm được chuyển đổi số. Cho nên Viettel đã chuẩn bị trước, và làm mấy việc.

CEO Viettel Lê Đăng Dũng: "Mọi quyết định của Viettel bây giờ đều dựa trên dữ liệu" - Ảnh 1.

"Có thể xem "cúc huých Covid-19" đã giúp Viettel giữ được đà tăng trưởng trong năm 2020".

Thứ nhất, để làm được chuyển đổi số thì phải củng cố mạng lưới, như 4G phải phổ cập, sắp tới 5G, cáp quang phải đến tất cả mọi nơi. Chuyển đổi số phải là tốc độ. Viettel đã chuẩn bị hạ tầng đấy.

Thứ hai là tất cả những công nghệ của chuyển đổi số thì phải triển khai ngay, như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data, IoT,… tất cả những công nghệ đó Viettel triển khai từ đầu 2018. Đến 2020 khi xảy ra đại dịch Covid, dù gây ra rất nhiều xáo trộn, bất lợi… nhưng ai cũng nói Covid tạo ra cú huých cho chuyển đổi số. Nếu không có Covid này, việc mọi người mua bán online, lên mạng học tập… chắc sẽ còn từ từ. 

Với sự chuẩn bị như vậy, khi cú huých Covid đến Viettel đã có cơ hội để triển khai. Mình đã đi trước, mà cái gì đi trước như quá trình chuyển đổi số hay cách mạng 4.0 thì thường ở mỗi nước chỉ có một hai anh dẫn đầu. Alibaba, Tencent ở Trung Quốc là ví dụ.

Tất nhiên ngoài sự chuẩn bị về hạ tầng và công nghệ trên còn là sự cộng hưởng của nhiều nguồn lực khác mà Viettel đang có lợi thế.

Cụ thể là gì thưa ông?

Chúng tôi đã tuyên bố tiên phong xây dựng xã hội số, đi trước vì mình tin tưởng Viettel có đủ các nguồn lực, cả về mạng lưới. Làm gì thì làm, tất cả cuộc chuyển đổi, 4.0 đều dựa trên viễn thông, mạng lưới của Viettel tôi nghĩ là nhất Việt Nam. 

Rồi nguồn lực về công nghệ. Viettel hiện không chỉ cung cấp dịch vụ mà còn nghiên cứu sản xuất, tức mình có dải sản phẩm, mà dải sản phẩm của mình ngoài việc làm chủ điều quan trọng nhất là an toàn, an ninh mạng lưới và thông tin do mình làm chủ chứ không lệ thuộc vào nước ngoài.

Nguồn lực tiếp theo là con người. Viettel đã chuẩn bị sẵn, hàng nghìn cán bộ chuyển đổi từ viễn thông truyền thống sang làm công nghệ thông tin, và cũng đã tuyển nhiều nhân sự cho lĩnh vực này.

Tiếp đến là nguồn lực tài chính. Cũng như tuyên bố trước kia của Viettel là đầu tư trước kinh doanh sau, giờ cũng vậy, Viettel đều phải triển khai hạ tầng, nền tảng, dịch vụ trước, khách hàng trả tiền sau hoặc thuê dịch vụ. Như vậy mình phải có nguồn lực tài chính để triển khai trước, đầu tư trước. 

Một điểm quan trọng nữa, Viettel là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, nên mọi nền tảng đều đưa tiêu chí an toàn nên hàng đầu, mọi người tin tưởng và có thể giao việc cho Viettel, từ Chính phủ đến các địa phương, bộ ngành, doanh nghiệp… Đặc biệt khi làm về công nghệ thông tin vấn đề an ninh thông tin và an toàn mạng lưới được đặt lên trước, đầu tiên. Như vấn đề an ninh mạng, theo tôi Viettel giờ là nhất Việt Nam trong đó có những nhân sự nổi tiếng tầm cỡ thế giới về lĩnh vực này làm việc ở đây. 

Thế Viettel của năm 2021 thì sao?

Tôi nghĩ khó khăn nói chung ít nhất phải đến tháng 6/2021, vì nhìn vào tình hình Covid (trên toàn cầu) chưa có dấu hiệu bị ngăn chặn khi chưa làm chủ được vacxin, thậm chí chủng còn nguy hiểm hơn… Toàn cầu mà khó khăn thì dù trong nước không có Covid thì cũng không thể hoạt động kinh doanh tốt được. 

Dù vậy doanh thu và lợi nhuận năm nay của Viettel vẫn phải tăng trưởng, vẫn phải hơn so với năm 2020.

"VỪA MUỐN TIẾP TỤC LÀ VIETTEL, VỪA MUỐN LÀ ALIBABA"

Đầu tư mạnh vào chuyển đổi số, dịch vụ số, vậy cơ cấu doanh thu viễn thông hiện nay của Viettel đang chiếm bao nhiêu %?

Viễn thông vẫn chiếm 60%, trong đó một nửa là viễn thông truyền thống (gọi, SMS), một nửa là data, tuy nhiên con số 60% này vẫn đang tiếp tục giảm. Lưu lượng data thời gian vừa rồi phát triển rất nhanh nhưng vì giá rất rẻ nên tổng tiền tạo ra (từ data) vẫn chỉ tương đương với thoại và SMS.

Đối với doanh thu từ chuyển đổi số thì vẫn cần phải có thời gian. Thứ nhất phải chờ người dân, xã hội số và phải số đồng bộ (tài chính số, giải trí số, thương mại…). Thứ hai, khi áp dụng cái mới phải có thể chế, hành lang pháp lý, tuy nhiên chúng ta vẫn hơi chậm so với sự phát triển, phải chờ cho đồng bộ rất nhiều. 

Như Mobilie Money Chính phủ cho thử nghiệm nhưng hai năm đã được đâu.

Nói chung khi Covid đến cũng có những khó khăn, bởi thu nhập của người dân, doanh nghiệp giảm nên tiêu dùng của viễn thông cũng giảm theo (như năm 2020 là 10% - viễn thông truyền thông). Tuy vậy, tiêu dùng số như mua hàng, giải trí số, khám chữa bệnh, học tập… thì vẫn phải dùng. Viettel đã vượt qua được và được xem là thành công.

CEO Viettel Lê Đăng Dũng: "Mọi quyết định của Viettel bây giờ đều dựa trên dữ liệu" - Ảnh 2.

"Nói vui, tôi vừa muốn tiếp tục là Viettel, vừa muốn là Alibaba".

Thế hai mảng công nghệ thông tin và viễn thông thì mảng nào có tốc độ tăng trưởng tốt hơn?

Công nghệ thông tin đang tốt dần lên, lĩnh vực nghiên cứu sản xuất cũng tốt. Tuy nhiên, như tôi đã phân tích, lĩnh vực công nghệ thông tin, dịch vụ số sẽ rất phát triển nếu có một xã hội số phát triển đồng bộ.

Tôi vẫn hi vọng đến 2025 xã hội mình trở thành xã hội số, khi đó Viettel sẽ có cơ hội phát triển với quy mô lớn hơn nhiều so với hiện tại. Nếu đến cuối năm nay sẽ không còn ai dùng tiền mặt – khi cuộc sống trên không gian mạng hết rồi – thì dịch vụ số sẽ phát triển rất nhanh, và khi đó doanh thu từ công nghệ thông tin cũng sẽ tăng rất nhanh.

Nói vui, hiện tôi vừa muốn tiếp tục là Viettel, vừa muốn là Alibaba. Làm được như thế thì Viettel sẽ bùng nổ.

Nhưng Alibaba là doanh nghiệp tư nhân, còn Viettel là doanh nghiệp Nhà nước thì làm sao làm được?

Trước mình làm viễn thông mình vẫn vươn lên số 1 đấy thôi. Quan trọng là mình đi trước. Thông thường thì cuối cùng cũng chỉ có một, hai "ông" dẫn đầu, và Viettel bắt buộc phải như vậy.

Thế còn kế hoạch phát triển 5G của Viettel thì sao? Cảm giác như Viettel đang rất mong chờ và đặt kì vọng cho công nghệ 5G này?

Tôi nghĩ còn phải phụ thuộc vào đấu thầu tần số. Theo kế hoạch, tháng 6 này phải đấu thầu xong tần số cho 5G, tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến đấu thầu tần số. 

Viettel sẽ chỉ tập trung phát triển 5G tại các thành phố, những nơi có nhu cầu, các khu công nghiệp, chứ không phải ngay một lúc mở ra cả nước như 4G. Nhìn chung giá thiết bị 5G sẽ giảm rất nhanh và khoảng đến năm 2022 hình ảnh 5G sẽ rất rõ nét ở Việt Nam.

ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI KHÔNG THEO CÁCH LÀM CŨ

Một trong những "trụ" quan trọng của Viettel là thị trường nước ngoài, nhất là khi năm 2020 dòng tiền chuyển về nước từ các thị trường nước ngoài của Viettel cao nhất từ trước tới nay, đạt 333 triệu USD. Nhưng cũng phải 5-6 năm rồi, kể từ khi có được giấy phép tại thị trường Myanmar, Viettel chưa có thêm một giấy phép viễn thông nào ở thị trường nước ngoài nữa. Vì sao vậy thưa ông?

Trước đây, có những năm, các doanh nghiệp viễn thông trên thế giới nói chung đi đầu tư nước ngoài rất được ủng hộ và phát triển rầm rộ. Nhưng viễn thông thế giới bây giờ nước nào cũng sụt giảm. Trước đi đầu tư chỉ cần lấy được giấy phép viễn thông là có lợi nhuận cao, nhưng giờ lĩnh vực này chỉ còn tăng trưởng 1-2%. 

Ngay những nhà mạng lớn nhất nhì trên thế giới gần như cũng không tăng trưởng (viễn thông truyền thống). Họ giờ cũng hạn chế mở rộng ra nước ngoài theo kiểu dựng trạm rồi kinh doanh dịch vụ.

Nói chung chiến lược đầu tư nước ngoài cũng phải dựa vào xu thế. Một trong những thứ quan trọng nhất với doanh nghiệp là thích ứng nhanh. 

Còn thực tế lấy phép mới bây giờ khó lắm. Giấy phép viễn thông mà còn (giấy phép mới) giờ chắc chỉ có Triều Tiên và Cu Ba. Chỉ có những thị trường đóng thì mới còn, chứ những nước mở thì đã bão hòa rồi.

Nói vậy có nghĩa là Viettel sẽ không mở rộng đầu tư ở thị trường nước ngoài nữa?

Có chứ. Chúng tôi vẫn đang đi tìm các cơ hội đầu tư, tất nhiên theo cách có thể mua lại vài chục % cổ phần của nhà mạng khác và tham gia vào điều hành, hoặc bán những mạng viễn thông (có thể bán một phần hoặc thậm chí bán toàn bộ) nếu có cơ hội và được giá tốt, sau đó đi đầu tư (mua cổ phần) ở các thị trường khác có tiềm năng hơn. Chúng tôi đang hướng về thị trường châu Á.

Tất nhiên sẽ không làm theo kiểu xây dựng từ đầu, vì như thế, bây giờ không ăn thua.

Vậy với thị trường mới nhất là Myanmar, các ông đang kinh doanh ra sao?

Myanmar đang là thị trường tốt nhất, tăng trưởng hơn nhiều so với kì vọng của Viettel. Bởi chúng tôi tính toán để vươn lên vị trí số 1 cũng phải mất khoảng 7 năm, nhưng hiện sau 2 năm kinh doanh Mytel đã bằng thị phần với doanh nghiệp đứng đầu rồi (12 triệu thuê bao) và tin chắc với tốc độ phát triển như hiện tại thì thời gian ngắn tới Mytel (thương hiệu mạng di động của Viettel tại Myanmar) sẽ vươn lên vị trí số 1.

CEO Viettel Lê Đăng Dũng: "Mọi quyết định của Viettel bây giờ đều dựa trên dữ liệu" - Ảnh 3.

"Myanmar đang là thị trường tốt nhất, tăng trưởng hơn nhiều so với kì vọng của Viettel".

Một trong những chiến lược rất đúng của Viettel tại Myanmar là chúng tôi không làm 3G và triển khai ngay 4G (ở thành thị) và 2G (ở nông thôn). Myanmar có đặc điểm, họ mở cửa thị trường muộn và đi sau nhưng người dân dùng smartphone và sử dụng các dịch vụ số, dùng các ứng dụng trên smartphone rất cao. 

Nên Viettel làm 4G ở Myanmar là rất thành công.

Một điểm tôi cũng muốn nhấn mạnh là trong hơn 4 năm hoạt động, Mytel đã hoàn thành lời hứa với chính phủ Myanmar. Trước khi Mytel gia nhập thị trường, mật độ thâm nhập 4G ở Myanmar là 19%. Giờ đây, 84% dân số Myanmar, nghĩa là đến 46,3 triệu người, có thể xem video, chơi game, và tương tác với bạn bè sử dụng mạng 4G của Mytel.

Mytel đã đảm bảo tất cả mọi người, bao gồm cả những người dân sống tại những vùng nông thôn, miền núi khó khăn, có thể được hưởng thụ các lợi ích của mạng Internet, đơn cử mạng lưới của Mytel phủ sóng viễn thông cho 7,6 triệu người ở bang Wa, mạng data của Mytel còn có mặt tại 111 làng biên giới Myanmar. Tổng cộng, mạng lưới của Mytel có vùng phủ đạt 94% dân số Myanmar.

MỌI QUYẾT ĐỊNH CỦA VIETTEL HIỆN ĐỀU DỰA TRÊN DỮ LIỆU

Mới đây Viettel có làm mới nhận diện thương hiệu, trong đó đổi logo và slogan. Ông đã giải thích rất chi tiết về việc thay đổi này. Nhưng nếu được giả sử về rủi ro (nếu có) của việc thay đổi này, thì là như thế nào thưa ông?

Theo tôi chẳng có rủi ro gì. Bởi thực tế vẫn là cái mình làm, còn logo, slogan chỉ là hình ảnh. Chiến lược của mình rõ ràng, mục tiêu rõ ràng, rồi chuyển đổi số… và quan trọng nhất là kết quả sản xuất, kinh doanh. Logo chỉ có mỗi ý nghĩa là Viettel thay đổi, có những cam kết hơn với khách hàng và sẽ làm tốt hơn trước đây. 

Thay đổi là như thế, chứ không phải thay đổi toàn bộ tư duy, thay đổi toàn bộ chiến lược, không có chuyện đó. 

Chỉ có mỗi rủi ro người ta hi vọng mình làm như thế mà không được như thế thì đó là rủi ro. Không làm được thì mới rủi ro, mới là "chém".

Khi Viettel kinh doanh dịch vụ viễn thông di động, lợi thế có tính quyết định của doanh nghiệp là hạ tầng mạng lưới (lợi thế được xem có tính cơ học). Vậy khi bước vào một chặng đường mới – nhà cung cấp dịch vụ số - thì lợi thế của Viettel là gì?

Ai cũng hiểu với doanh nghiệp bây giờ dữ liệu, big data là tài sản lớn nhất. Dữ liệu về khách hàng, dữ liệu về công nghệ, dữ liệu môi trường, y tế… Còn tất cả mạng lưới (3G, 4G hay 5G…) chỉ là vật lý, chỉ là một phần ý nghĩa thôi. 

Và xử lý dữ liệu như thế nào mới là tài sản lớn nhất. Tất cả quyết định của Viettel hiện nay là dựa trên dữ liệu và phân tích dữ liệu, không phải là tư duy duy ý chí  hay cảm nhận của mỗi người nữa.

CEO Viettel Lê Đăng Dũng: "Mọi quyết định của Viettel bây giờ đều dựa trên dữ liệu" - Ảnh 4.

"Tất cả quyết định của Viettel hiện nay là dựa trên dữ liệu và phân tích dữ liệu, không phải là tư duy duy ý chí hay cảm nhận của mỗi người nữa".

Ví dụ như muốn "tấn công" vào lĩnh vực, thị trường nào đó thì "chạy" dữ liệu xem dữ liệu nói thế nào, có nên tập trung vào đó không, thị trường có tiềm năng hay không… Tất nhiên làm được phải có nguồn dữ liệu, thứ hai phải có AI (trí tuệ nhân tạo) phân tích. Đấy là tài sản lớn nhất của tập đoàn, và chúng tôi nghĩ đó là lợi thế lớn nhất.

Quá trình kinh doanh đã giúp Viettel có dữ liệu nhiều lắm. Rồi mạng lưới lớn, hay bưu chính cũng là một dữ liệu, logistics như thế nào, khách hàng muốn chuyển hàng đi đâu, thích được nhận hàng sau 15 phút hay 1 giờ, tất cả đều là dữ liệu.