10:40 18/05/2007

“Chắc chắn sẽ có cải tổ Ngân hàng Nhà nước”

Theo IMF, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện ở vào bậc thấp nhất trong bốn mức độ độc lập của các ngân hàng trung ương trên thế giới

"Các ngân hàng quốc doanh sẽ tiến tới tự chủ kinh doanh trước pháp luật như các ngân hàng có hình thức sở hữu khác."
"Các ngân hàng quốc doanh sẽ tiến tới tự chủ kinh doanh trước pháp luật như các ngân hàng có hình thức sở hữu khác."
Theo sự nghiên cứu và tham vấn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện ở vào bậc thấp nhất trong bốn mức độ độc lập của các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Việc cải tổ Ngân hàng Nhà nước để nâng tính độc lập cho tổ chức này sắp tới sẽ được thực hiện như thế nào? Cuộc trao đổi dưới đây với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Đức Thúy trả lời phần nào câu hỏi này.

Ông có đồng ý với đánh giá của IMF về mức độ độc lập của Ngân hàng Nhà nước hiện nay?

Chắc chắn là chúng ta sẽ có những chính sách và cơ chế mới để nâng tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng trung ương độc lập luôn là chuẩn mực quan trọng để xây dựng hệ thống ngân hàng theo thông lệ quốc tế.

Độc lập theo nghĩa có quyền tự chủ trong việc thực thi các biện pháp cần thiết để giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm cho các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh trong khuôn khổ luật pháp. Qua đó, tạo ra môi trường thuận lợi cho tăng trưởng bền vững.

Đương nhiên, chúng ta vẫn phải luôn cân nhắc để xử lý mục tiêu ổn định đồng tiền với việc thúc đẩy tăng trưởng, nhưng bao giờ cũng ưu tiên số một cho sự ổn định vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền và lạm phát.

Lộ trình thực hiện việc này như thế nào?

Chúng ta phải sớm ban hành hai bộ luật mới: Luật các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước thay cho hai luật hiện hành. Bên cạnh đó cũng cần có thêm Luật Thanh tra giám sát để tạo khuôn khổ pháp lý cao hơn cho hoạt động ngân hàng.

Mục tiêu phấn đấu là từ nay đến năm 2010 các bộ luật đó sẽ đi vào cuộc sống trên cơ sở tổ chức lại bộ máy Ngân hàng Nhà nước cũng như điều chỉnh vai trò và chức năng các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước địa phương nhằm bảo đảm phát huy vai trò độc lập của ngân hàng trung ương trong việc thực thi chính sách tiền tệ.

Dự kiến là các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước địa phương sẽ có thay đổi. Trước mắt sẽ giảm bớt chức năng của các chi nhánh nhỏ và tăng cường cho chi nhánh quan trọng hơn, tách hoạt động thanh tra trực thuộc chi nhánh độc lập từ trên xuống dưới, và không loại trừ việc hình thành chi nhánh khu vực trong tương lai.

Sự cải tổ của Ngân hàng Nhà nước có tác động đến năm ngân hàng quốc doanh, hiện chiếm khoảng 70% thị phần ngân hàng?

Các ngân hàng quốc doanh sẽ tiến tới tự chủ kinh doanh trước pháp luật như các ngân hàng có hình thức sở hữu khác. Với việc cổ phần hóa, họ cũng trở thành một loại hình đa sở hữu và Nhà nước chỉ quản lý phần vốn của mình ở đó với vai trò một trong những chủ sở hữu và có thể Ngân hàng Nhà nước không phải là người đại điện cho phần vốn đó, mà phải là một tổ chức khác.

Điều đó có giúp chấm dứt việc cho vay chỉ định không?

Thậm chí nếu không cổ phần hóa thì việc cho vay chỉ định vẫn cần phải chấm dứt và có thể chấm dứt được, vì đã có Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách đảm nhận chức năng này. Nếu có đổi mới, chỉ là việc cần giảm bớt hơn nữa một số can thiệp hành chính không cần thiết vào các ngân hàng thương mại quốc doanh.

Còn về nguyên tắc, các ngân hàng thương mại nhà nước đã được đối xử và hành xử như một ngân hàng thương mại thuộc các loại hình sở hữu khác.

Thưa ông, cũng liên quan đến quá trình cải tổ Ngân hàng Nhà nước, ông nghĩ thế nào về những ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước không nên quản lý quỹ dự trữ ngoại hối?

Tôi không nghĩ có sự tranh cãi gì lớn tuy lẻ tẻ vẫn có những ý kiến phản đối. Nhưng không có một ngân hàng trung ương nào điều hành chính sách tiền tệ lại không quản lý quỹ dự trữ ngoại hối bởi đó không phải quản lý tài chính mà là quản lý dự trữ để giữ giá trị đồng tiền. Vì vậy quỹ này phải do ngân hàng trung ương điều tiết, mà điều tiết không có nghĩa là muốn chi vào việc gì cũng được.

Nhưng một phần ngoại tệ rất lớn thu từ dầu thô hiện lại do Bộ Tài chính quản lý?

Bộ Tài chính thu bằng tiền đồng hay đô la Mỹ là hình thức họ thu còn khi họ chi bằng việc bán tiền ấy ra ngoài hoặc bán cho Ngân hàng Nhà nước để tăng dự trữ ngoại hối là hai quá trình khác nhau, chứ không có chuyện thu từ dầu thô được đưa thẳng vào quỹ dự trữ ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước muốn có dự trữ ngoại hối cũng phải mua.