09:00 01/08/2022

Chặn “đục nước béo… cò đất”, Hải Phòng thanh lọc thị trường

Trương Quốc Cường

Trong hơn hai năm “gồng mình” chống chọi với đại dịch Covid - 19, Hải Phòng vẫn có mức tăng trưởng kinh tế, phát triển hạ tầng giao thông, đô thị xếp trong top đầu Việt Nam. Tuy nhiên, bất động sản Hải Phòng cũng bộc lộ những hệ lụy rất tiêu cực, cần sự kiểm soát chặt của các cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương...

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Hiện tại, so với mặt bằng chung của các thành phố khác như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, thị trường bất động sản Hải Phòng vẫn là một địa chỉ khá mới mẻ, còn nhiều tiềm năng khai thác, theo đánh giá của giới đầu cơ, đầu tư kinh doanh bất động sản.

Mặt bằng giá bất động sản ở Hải Phòng cũng còn khá dễ chịu, tạo hiệu ứng hấp dẫn đối với tất cả các hình thức đầu tư bất động sản, gồm cả giới “ cò mồi”  bất động sản, núp danh môi giới. 

MÔI GIỚI, CÒ ĐẤT THAO TÚNG BẤT ĐỘNG SẢN 

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia cũng như công bố khảo sát chính thức của nhiều trang tin, trang báo chính thống uy tín, có đến 80% giao dịch bất động sản trên thị trường Hải Phòng trong giai đoạn 2020 đến hết quý 1/2022 chỉ là đầu tư lướt sóng, kích động thị trường, tạo “bong bóng” giá ảo, giới dầu cơ tìm lãi cấp tốc, thu hồi vốn nhanh và rút gọn trước khi giá trị thực được phơi bày. Hệ lụy để lại là cả  một “cơ số” những nạn nhân vay ngân hàng kinh doanh ôm đất và “hấp hối”.

Chia sẻ với truyền thông gần đây, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hải Phòng, Nguyễn Quang Văn cho biết, trong quý 1/2022, thị trường bất động sản Hải Phòng tăng trưởng rất nóng từ 20% đến 30%, đặc biệt là phân khúc đất nền ven đô. “Qua tổng hợp của các sàn giao dịch, tỷ lệ giao dịch của các nhà đầu tư chiếm tỷ trọng lớn hơn so với giao dịch bất động sản để sử dụng, để ở. So với các đô thị ở địa phương khác, Hải Phòng cũng đang là thị trường rất hấp dẫn. Tuy nhiên, có một số khu vực đang thể hiện sự phát triển quá nóng. Ngay giữa năm 2022 mà đã có giá bất động sản của năm 2024, 2025. Đó là điều các nhà đầu tư cần phải hết sức cẩn trọng”, ông Văn nhấn mạnh.

Trên thực tế, “cơn lên đồng “ kinh doanh bất động sản cũng khiến không ít sàn giao dịch bất động sản lớn của Hải Phòng lao đao. 
Trên thực tế, “cơn lên đồng “ kinh doanh bất động sản cũng khiến không ít sàn giao dịch bất động sản lớn của Hải Phòng lao đao. 

Sự bùng nổ của mạng xã hội cũng là một công cụ tiếp tay nguy hiểm, khiến các chiêu trò thổi giá trên thị trường bất động sản Hải Phòng trong suốt thời gian qua càng trở nên sôi động. Một giao dịch bất động sản có thể được chia sẻ cùng lúc trên nhiều hội nhóm, nhiều trang cá nhân với những chào mời đầy hấp dẫn vì giá tăng từng ngày, tạo hiệu ứng như một cơn “lên đồng” tập thể, khiến ai cũng nghĩ rằng mình có thể sẽ giàu lên nếu tham gia môi giới, kinh doanh bất động sản.

Trên thực tế, “cơn lên đồng “ kinh doanh bất động sản cũng khiến không ít sàn giao dịch bất động sản lớn của Hải Phòng lao đao, theo chia sẻ của một chuyên gia trong lĩnh vực này: “Giá đất, cùng những chào mời giá tăng nóng hầm hập từng giờ, từng ngày trên mạng đã gây hoang mang ngay cả với các sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp, sợ  mất cơ hội kinh doanh. Không ít nhân viên giao dịch, chuyên gia môi giới bất động sản lâu năm cũng bị cuốn theo cơn sốt ảo.

Số người may mắn“lướt sóng” cùng nhịp  với “cò mồi” bất động sản  có thể có lãi. Điều này khiến họ trở thành “chim mồi” khiến nhiều người khác tin tưởng hùa theo. Nhưng đa số còn lại sẽ bị chậm chân, kinh doanh chênh vênh, nguy hiểm. Không ít người đã vỡ nợ khi vay mượn để kinh doanh bất động sản theo cơn sốt ảo đó… 

CẦN CÁC ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH KỊP THỜI, GIÁM SÁT KINH DOANH 

Trước thực trạng trên, ngày 28/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16 quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Ngay sau đó, thị trường bất động sản Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung đã bắt đầu bước vào xu thế chuyển động một cách chậm rãi. Nghị định số 16  có điểm nhấn đáng chú ý là  tăng mạnh chế tài xử phạt đối với các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Theo đó, tại điểm a khoản 1 Điều 59, quy định mức phạt tiền từ 40 đến 60 triệu đồng đối với các cá nhân có các hành vi như sau: Kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định, tẩy xóa sửa chữa chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, làm sai lệch nội dung chứng chỉ, cho mượn cho thuê, hoặc thuê mượn chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới bất động sản. Mức phạt cố định tại Nghị định 139 năm 2017 chỉ từ 10 đến 15 triệu đồng nếu tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực hồ sơ thông tin về bất động sản mà mình môi giới. Còn theo quy định tại khoản 3 Điều 59 Nghị định 16 thì sẽ bị phạt tiền từ 200 đến 250 triệu đồng đối với tổ chức và từ 100 đến 120 triệu đồng đối với cá nhân.

Dự thảo thông tư bổ sung một số điều Thông tư số 39/2016 của Ngân hàng Nhà nước cũng nhận được sự quan tâm lớn khi đặt ra quy định chặt chẽ hơn về quy trình điều kiện hồ sơ, thủ tục, phương án sử dụng vốn vay và kế hoạch trả nợ đối với các khoản vay mua nhà. Đặc biệt là các khoản vay lớn, hay cho vay thanh toán tiền đặt cọc dự án hình thành trong tương lai chưa đủ điều kiện…

Huyện An Dương Hải Phòng sắp lên quận, đất nền bỗng được săn đón. Ảnh: St.
Huyện An Dương Hải Phòng sắp lên quận, đất nền bỗng được săn đón. Ảnh: St.

Sự điều chỉnh về mặt pháp lý trong kinh doanh bất động sản đã nhận được những phản hồi tích cực từ phần lớn các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực ngành nghề kinh doanh bất động sản nói riêng và hoạt động của thị trường bất động sản nói chung trên địa bàn Hải Phòng. Tuy nhiên, cũng theo ông Văn, nguồn vốn tín dụng giống như “oxy” đối với doanh nghiệp, nếu dòng tiền bị thắt chặt thì doanh nghiệp cũng rất khó triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư. Vì thế, chính sách thặt chặt tài chính đối với kinh doanh bất động sản cũng cần phải cẩn trọng, bởi bất động sản chi phối rất nhiều ngành nghề khác, thắt chặt tài chính bất động sản sẽ khiến nhiều ngành dịch vụ khác cũng bị khó khăn. Do đó, nên có cách thức khoanh vùng, nghiên cứu siết tín dụng hợp lý. Vì thực tế, hiện tượng sốt hay “bong bóng” nhà đất cũng chỉ ở từng vùng, nếu dự án bất động sản nào cần thiết để giải quyết vấn đề an sinh xã hội thì cũng vẫn cần phải được hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, để  cho ra các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu dân sinh. Việc siết chặt tín dụng trong kinh doanh bất động sản cần bám sát vào thực tiễn tính chất của các phương án kinh doanh cũng như tính thanh khoản của các dòng vốn.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư bất động sản nghiêm túc, bài bản, chuyên nghiệp trên địa bàn Hải Phòng đều tiếp nhận sự điều chỉnh về mặt chính sách cùng những quy định mới của Nghị định 16 một cách khá lạc quan.

Ý kiến  cơ bản của nhiều doanh nghiệp bất động sản tại Hải Phòng đều cho rằng về lâu dài, từ Nghị định 16 sẽ hình thành được thị trường bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh. Thị trường bất động sản sẽ được thanh lọc, kinh doanh bất động sản sẽ được vận hành một cách chuyên nghiệp và minh bạch.

Thị trường bất động sản Hải Phòng được dự báo  nhiều triển vọng trong thời gian tới, cùng với các chính sách tín dụng thận trọng, việc củng cố thể chế và hành lang pháp lý liên quan, sẽ là sự hỗ trợ quan trọng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đúng pháp luật, tạo nên sự thị trường bất động sản Hải Phòng phát triển lành mạnh hiệu quả và bền vững.