06:00 16/06/2021

Chăn nuôi bò sữa Việt Nam vươn tầm thế giới

Chương Phượng

Nhiều doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi bò sữa với số lượng rất lớn, như: TH Milk hiện có 63.000 con bò, Vinamilk (bao gồm cả cơ sở Mộc Châu) có 60.000 con, Nutifood có 7.000 con, Cô gái Hà Lan có 35.000 con...

Tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có 331.368 con bò sữa, tăng 4,29% so với năm 2019.
Tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có 331.368 con bò sữa, tăng 4,29% so với năm 2019.

Ngành chăn nuôi bò sữa của nước ta tiến rất nhanh trong những năm qua và đang dần tiệm cận với các nước chăn nuôi bò sữa phát triển trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi bò sữa với số lượng rất lớn, như: TH Milk hiện có 63.000 con bò, Vinamilk (bao gồm cả cơ sở Mộc Châu) có 60.000 con, Nutifood có 7.000 con, Cô gái Hà Lan có 35.000 con.

NĂNG SUẤT SỮA TIỆM CẬN NHỮNG NƯỚC ĐỨNG ĐẦU

Theo Cục Chăn nuôi, vào thời điểm 31/12/2020, cả nước có 331.368 con bò sữa, tăng 4,29% so với năm 2019. Sản lượng sữa bò tươi liên tục tăng nhanh: năm 2018 đạt 936 nghìn tấn; năm 2019 đạt 962,12 nghìn tấn; năm 2020 đạt 1.049 nghìn tấn (tăng 6,4% so với năm 2019).

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, sản lượng sữa cả nước trong quý 1 năm 2021 đạt 270,1 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đến thời điểm này ở nước ta, nơi có đàn bò sữa lớn nhất vẫn là khu vực Đông Nam Bộ: 106,283 ngàn con chiếm 32,07% nhưng có xu hướng giảm do giảm đàn ở Tp.HCM vì đô thị hóa.

Hiện khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chiếm 26,23%; Đồng bằng sông Hồng là 11,50%; Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 11,38%; trung du và miền núi phía Bắc chiếm 9,36%; thấp nhất là Tây Nguyên chiếm 9,47% đàn bò cả nước.

 
10 tỉnh có số lượng bò sữa cao nhất là Tp.HCM (87.420 con), Nghệ An (69.062 con), Sơn La (26.156 con), Lâm Đồng (24.410 con), Long An (19.142 con). Vĩnh Phúc (15.548 con), Hà Nội (15.443 con), Tây Ninh (13.591 con), Thanh Hóa (11.765 con) và Sóc Trăng 8.746 con.

Quy mô chăn nuôi bò sữa nông hộ hiện dao động từ 7-10 con/hộ, xu hướng chăn nuôi bò sữa với quy mô trên 15-20 con/hộ đang tăng dần. Trong toàn ngành nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa cũng là lĩnh vực mà khối doanh nghiệp đạt được vai trò dẫn dắt lớn nhất, nhờ đó, tỷ lệ liên kết chuỗi trong chăn nuôi bò sữa chiếm gần 100%, cao nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp lớn đi tiên phong để đầu tư công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiếp thu nhanh các tiến bộ kỹ thuật của thế giới cả giống và công nghệ trong chăn nuôi bò sữa (nhập khẩu những giống bò sữa cao sản nhất thế giới, áp dụng công nghệ hiện đại để quản lý và sản xuất sữa) như: Vinamilk, TH milk, Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, với những trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô lớn.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, năng suất sữa trung bình của đàn bò vắt sữa trong cả nước năm 2020 đạt trên 5.100 kg/con/năm là khá cao so với các nước có chăn nuôi bò sữa có điều kiện tương đương. Đặc biệt, tại một số trang trại áp dụng công nghệ cao của các doanh nghiệp lớn, đạt năng suất thuộc vào loại hàng đầu thế giới.

Điển hình như, năng suất sữa bình quân tại Công ty Vinamilk được báo cáo đạt 26,1 kg/con/ngày (tương ứng khoảng 7.960 kg/chu kỳ tiết sữa). Tại TH milk công bố đạt năng suất sữa bình quân 28,35 kg/con/ngày (tương ứng 8.647 kg/chu kỳ tiết sữa.

XUẤT KHẨU SỮA NHIỀU TRIỂN VỌNG

Năm 2020, ngành sữa đạt tổng doanh thu 113.715 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2019. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sữa của Việt Nam đạt 302,7 triệu USD, tăng 10,5% so với năm 2019.

Đây cũng là năm lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam vượt mốc 300 triệu USD. Trong năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Iraq tăng trưởng mạnh tới 79,2%. Trong 4 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 34 triệu USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Ở chiều nhập khẩu, năm 2020, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng sữa và sản phẩm sữa đạt 1.048 triệu USD, tăng 0,1% so với năm 2019. Trong đó, New Zealand tiếp tục dẫn đầu là thị trường cung cấp sữa lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 27% tổng kim ngạch đạt 285,7 triệu USD, giảm nhẹ 2,7% so với năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa 4 tháng đầu năm 2021 đạt 395,4 triệu USD, tăng 6,3%.

 
Hiện tại, các sản phẩm sữa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại nhiều quốc gia ở khu vực Trung Đông và ASEAN. Đặc biệt, từ năm 2019, một số doanh nghiệp của Việt Nam được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm sữa sang Trung Quốc.

Ông Phạm Văn Duy, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sữa lớn thứ hai thế giới (chỉ sau thị trường Mỹ) với tổng giá trị khoảng 60 tỷ USD (theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc).

Nguồn cung sữa nội địa của Trung Quốc hiện chỉ sản xuất đủ đáp ứng 75% nhu cầu, nên mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu gần 40 triệu tấn sữa (quy đổi ra sữa tươi), bao gồm 750 nghìn tấn sữa tươi và khoảng 650 nghìn tấn sữa bột. Tháng 6/2020, khối các quốc gia trong Liên minh kinh tế EAEU đã cấp phép cho Vinamilk được phép xuất khẩu các sản phẩm sữa vào lãnh thổ trong khối EAEU.

ĐỨNG TRƯỚC CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, thị trường rộng lớn và môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, là những điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường sữa tại Việt Nam. Nhu cầu tiêu dùng sữa của người dân trong nước ngày càng tăng cao.

Thời kỳ trước đổi mới, phần lớn người dân nông thôn không tiêu dùng sữa, đến năm 2010, trung bình mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 15 lít sữa/năm.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, mức tiêu thụ sữa và sản phẩm từ sữa trung bình của người Việt Nam hiện là 27kg sữa quy đổi/người/năm. Mức tiêu thụ sữa của Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực như: Indonesia; Philippines.

Tuy nhiên, hiện tiêu dùng sữa bình quân đầu người ở Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình quân của khu vực châu Á là 35kg/người/năm, thấp hơn rất nhiều mức tiêu thụ sữa trung bình của thế giới.

Hiện sản lượng sữa trong nước vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nên hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng sữa và sản phẩm sữa khá cao để phục vụ tiêu dùng trong nước.

Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tạo ra những cơ hội cho ngành chăn nuôi bò sữa tiếp cận công nghệ giống mới, sản phẩm mới, phương thức tổ chức sản xuất và quản lý tiên tiến.

Bên cạnh những thuận lợi, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, ngành chăn nuôi bò sữa còn gặp phải nhiều khó khăn và thách thức. Các thách thức chính là đòi hỏi kỹ thuật, đầu tư cao, chất lượng sữa. Trong khi, chăn nuôi bò sữa của nông dân với quy mô nhỏ lẻ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao, ảnh hưởng không nhỏ tới việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi và công tác kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI BÒ SỮA

Theo Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045, đề ra định hướng đến năm 2030, đàn bò sữa đạt quy mô từ 650.000 đến 700.000 con, trong đó khoảng 60% đàn bò sữa được nuôi trong các trang trại quy mô lớn. 

 
Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt từ 1,7 đến 1,8 triệu tấn sữa; đến năm 2030 đạt 2,6 triệu tấn sữa.

Bộ NN&PTNT đã có hàng loạt chính sách nhằm thúc đẩy chăn nuôi bò sữa. Về chính sách đất đai, sẽ cho phép chuyển đổi một phần diện tích trồng trọt kém hiệu quả, dành quỹ đất để phát triển chăn nuôi bò sữa, thâm canh trồng cỏ.

Về tín dụng, Nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi suất để các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để đầu tư con giống, trang trại, đổi mới công nghệ phát triển chăn nuôi bò sữa.

Ông Nguyễn Văn Trọng cho biết giải pháp về giống trong chăn nuôi bò sữa, sẽ chọn lọc trong sản xuất các giống bò sữa cao sản và nhập nội bổ sung một số giống bò có khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái trong nước để tạo đàn cái nền phục vụ cho lai tạo giống bò sữa. Tiếp tục lai tạo bò sữa cao sản với đàn bò sữa trong nước kết hợp với nhân thuần giống bò sữa HF.

Tăng cường áp dụng công nghệ sản xuất, nhân giống bò bằng thụ tinh nhân tạo tinh bò ngoại chất lượng cao, tinh bò sữa phân ly giới tính. Sử dụng các công nghệ sinh sản tiên tiến như cấy truyền phôi, tạo phôi phân ly giới tính... ở một số trung tâm, doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa.

Sẽ xây dựng bộ tiêu chí chất lượng nhập giống dựa trên các chỉ số tính trạng tổng hợp có áp dụng công nghệ 4.0 như TPI, EBV... để đưa nhanh các tiến bộ công nghệ về giống vào nước ta. Tới đây sẽ hoàn thiện dữ liệu quốc gia về giống vật nuôi vào áp dụng trên quy mô toàn quốc bằng công nghệ thông tin và các công nghệ 4.0 tương thích khác.