11:14 24/12/2021

“Chấp” tất cả các biến chủng Covid, nhiều doanh nghiệp công bố lợi nhuận kỷ lục năm 2021

An Nhiên

Thông tin hỗ trợ sớm về lợi nhuận 2021 sẽ là “liều thuốc” trợ lực cho thị trường trong bối cảnh biến động sốc thất thường. Các yếu tố cơ bản trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết vẫn đang ủng hộ...

Đồ hoạ: K.Linh.
Đồ hoạ: K.Linh.

Đến thời điểm hiện tại, theo tìm hiểu của VnEconomy, đã có khá nhiều doanh nghiệp bắt đầu tiết lộ về bức tranh kinh doanh của năm Tân Sửu sắp qua.

Cụ thể, tại hội nghị Người lao động năm 2021, ông Hoàng Văn Quang – Tổng giám đốc PV Gas (HoSE: GAS) cho biết, năm 2021 PV GAS triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh với những thuận lợi và khó khăn đan xen. Thuận lợi là giá dầu, giá cổ phiếu tăng, tuy nhiên yếu tố khó khăn đến nhiều hơn. Dịch bệnh Covid-19 trong nước bùng phát lần thứ 4 từ cuối tháng 4/2021, diễn biến phức tạp và kéo dài, nhất là tại các tỉnh thành phía Nam đã gây tác động tiêu cực đến đời sống, kinh tế, xã hội trong nước, ảnh hưởng lớn đến hoạt động và đầu tư tại PV GAS, đặc biệt trong quý 3 kéo dài sang quý 4/2021.

Trong đó, huy động khí của khách hàng EVN giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (bằng 76%), bằng 68% kế hoạch của Petrovietnam; Nhu cầu khí, LPG của các hộ công nghiệp, thị trường trong nước có thời điểm giảm 35-40% đối với LPG và 25-30% đối với KTA, CNG so với khi dịch Covid-19 chưa bùng phát lần thứ 4, nhiều khách hàng dừng/giảm sản xuất/hoạt động cầm chừng...

Trong năm 2021, PV GAS đã cung cấp 7.093,7 tỷ m3 khí khô; sản xuất và cung cấp trên 61,2 nghìn tấn condensate; 1.975,8 triệu tấn LPG (đạt 123% kế hoạch và về đích trước kế hoạch 02 tháng); tiếp tục duy trì cung cấp khí ổn định để sản xuất gần 15% sản lượng điện, 70% đạm, đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước.

Các chỉ tiêu tài chính hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 13-66% theo đó doanh thu gần 80 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 10.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.380 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước (gần 6 nghìn tỷ đồng), Top đầu đơn vị có các chỉ số tài chính khả quan trong Tập đoàn (chỉ số ROE đạt 16,8%, ROA đạt 11,4%), Top đầu những đơn vị có vốn hóa lớn trên thị trường, có tỷ lệ chia cổ tức duy trì hàng năm bằng tiền mặt cao (25%/vốn điều lệ).

Tương tự, Tại PVOIL (OIL), ước thực hiện cả năm 2021, doanh thu hợp nhất của Tổng công ty đạt 55.000 tỷ đồng, hoàn thành 98,7% kế hoạch năm và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2020; doanh thu Công ty Mẹ ước đạt 32.522 tỷ đồng, hoàn thành 120,5% kế hoạch năm và tăng 55,2% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 884 tỷ đồng, hoàn thành 221% kế hoạch năm; trong đó, Công ty Mẹ ước đạt 754 tỷ đồng, hoàn thành 251% kế hoạch năm; Công ty Con ước đạt 160 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch năm. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục của PV Oil.

Bảo hiểm Petrolimex (Pjico, HoSE: PGI) công bố tổng doanh thu hoạt động kinh doanh năm 2021 ước đạt 3.833 tỷ đồng, riêng doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 3.231 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 350 tỷ đồng, vượt 73% kế hoạch năm và gấp 1,6 lần so với năm 2020. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của trong hơn 26 năm hoạt động của Pjico.

Đơn vị cho biết hoạt động bán bảo hiểm qua các kênh trực tiếp của cả thị trường bảo hiểm nói chung và Pjico nói riêng đều gặp khó. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã thích ứng linh hoạt và kịp thời đưa ra các giải pháp đồng bộ cho cả nghiệp vụ bán lẻ và bán buôn, đẩy mạnh việc bán bảo hiểm qua các trang thương mại điện tử.

Ở lĩnh vực dệt may, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) cho biết, trong năm 2021, hoạt động của các đơn vị trong Tập đoàn vẫn được duy trì hiệu quả, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành Sợi có mức tăng trưởng “ngoạn mục” cả về doanh thu và lợi nhuận. Nhờ đó, toàn Tập đoàn đã đạt được những kết quả kết quả sản xuất kinh doanh rất ấn tượng với: Doanh thu và thu nhập hợp nhất ước đạt 16.436 tỷ đồng, bằng 110,7% cùng kỳ năm trước; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.200 tỷ đồng, bằng 202% so với cùng kỳ, đạt 170% kế hoạch. Cao hơn năm 2019 trước đại dịch gần 70%; Hoàn thành mục tiêu phục hồi như trước đại dịch với nhiều chỉ tiêu cao hơn.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex cho biết ngành sợi tăng trưởng ngoạn mục và đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh chung. Cụ thể, doanh thu ngành sợi chiếm khoảng 50% doanh thu toàn hệt thống và lợi nhuận cũng đạt trên 50%, cải thiện rất mạnh so với cơ cấu trước kia là ngành may 80% và ngành sợi 20%.

Công ty CP Vinatex Phú Hưng và Công ty CP Sợi Phú Bài vẫn đưa 2 nhà máy Sợi đi vào hoạt động. Với Công ty CP Vinatex Phú Hưng là Nhà máy Sợi 2 với quy mô 2,28 vạn cọc được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đi vào hoạt động từ tháng 10/2021. Còn đối với Sợi Phú Bài là Nhà máy Sợi 3 với quy mô 3,2 vạn cọc sợi, đi vào hoạt động từ tháng 6/2021. Đây là Nhà máy có quy mô 2 tầng đầu tiên, hiện đại bậc nhất thế giới trong hệ thống các đơn vị trực thuộc Vinatex.

Theo Tổng giám đốc Vinatex, Nhà máy Sợi 3 của Công ty CP Sợi Phú Bài đã minh chứng cho việc, nếu xây dựng nhà máy 1 tầng thì với diện tích sẵn có trong khuôn viên của công ty chỉ có thể làm nhà máy 1,5 vạn, nhưng khi nâng lên nhà máy 2 tầng thì có thể tăng công suất lên 3 vạn cọc. Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy đã chứng minh được quyết định đầu tư trên là đúng đắn, vừa giúp nâng công suất, lại có thể định vị lại được cho các mô hình nhà máy mới tiếp theo trong hệ thống Vinatex. Đồng thời, việc đưa pin năng lượng mặt trời trên mái nhà cũng giúp Vinatex hướng đến xanh hóa và sử dụng năng lượng bền vững hơn trong tương lai.

Mục tiêu năm 2022 của Vinatex là tiếp tục duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là cạnh tranh theo chuỗi cung ứng trọn gói trong Tập đoàn. Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng chung trên 8%, chú trọng chất lượng tăng trưởng thể hiện qua tỷ lệ giá trị gia tăng và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu.

Trong lĩnh vực bất động sản, ông Hoàng Văn Tăng – Tổng Giám Đốc Tập đoàn DIC (DIG) cho biết, sau khi rà soát các điều kiện pháp lý, điều kiện hạch toán doanh thu, lợi nhuận, HĐQT và Ban Điều hành tự tin đến thời điểm này chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng 1.200 tỷ đồng, đạt 83,1% kế hoạch đề ra. Đây là thành tựu đáng khích lệ trong bối cảnh toàn bộ nền kinh tế đất nước ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong thời gian còn lại của năm 2021, Ban Điều hành tiếp tục rà soát các sản phẩm đủ điều kiện bàn giao cho khách hàng, quyết tâm triển khai bàn giao nhiều nhất để tăng doanh thu, lợi nhuận trong năm 2021.

Còn Công ty Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (Becamex IJC, HoSE: IJC) ước doanh thu năm 2021 đạt 2.727 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 621 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 68% so với năm trước. So với kế hoạch năm, doanh nghiệp thực hiện vượt 35% doanh thu và 148% lợi nhuận sau thuế. Riêng quý IV, doanh thu Becamex IJC ước tăng 28% đạt 388 tỷ đồng nhưng lợi nhuận giảm 12%.

Được hưởng lợi từ đà tăng của giá cước container đường biển, Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) thông báo doanh thu năm 2021 ước đạt 1.900 tỷ đồng, vượt 14% kế hoạch năm và tăng 60%; lãi sau thuế 389 tỷ đồng, vượt 146% kế hoạch và tăng 160% so với năm 2020. Doanh nghiệp lập kỷ lục lợi nhuận trong năm 2021.

Thị trường chứng khoán lập nhiều kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong năm 2021 cũng giúp cho nhiều công ty chứng khoán dự báo lợi nhuận vượt trội năm 2021. Trong đó, lãnh đạo Chứng khoán BIDV (BSI) dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2021 khoảng 430 tỷ đồng, vượt 139% kế hoạch năm và gấp 2,7 lần năm trước. 9 tháng, doanh nghiệp chứng khoán lãi trước thuế 345 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Như vậy, riêng quý IV lợi nhuận ước đạt 85 tỷ đồng, tăng 78% so với quý IV/2020.