Chất lượng tài sản VPBank được cải thiện nhanh hơn dự đoán
Kết thúc 7 tháng đầu năm, VPBank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5.300 tỷ đồng, tương đương 56% kế hoạch cả năm
Lượng trái phiếu từ VAMC và tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể, năng lực thu hồi nợ tăng cao, tốc độ tăng chi phí dự phòng chậm lại, trong khi tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tiếp tục được cải thiện, là những điểm sáng cho thấy chất lượng tài sản của VPBank đang được cải thiện nhanh.
Kết thúc 7 tháng đầu năm, VPBank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5.300 tỷ đồng, tương đương 56% kế hoạch cả năm. Chỉ riêng tháng 7, lợi nhuận VPBank thu về là 1.000 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, con số lợi nhuận không phản ánh hết kết quả mà nhà băng này đạt được trong nửa đầu năm.
"Có một thực tế chúng tôi thích là chất lượng tài sản của VPBank đã được cải thiện vững chắc nhanh hơn chúng tôi dự đoán, đặc biệt trong trường hợp của FE Credit," Công ty Chứng khoán SSI nhận định trong một bản phân tích mới đây về VPBank.
Thông tin từ VPBank cho biết, trong 7 tháng đầu năm xuống dưới 3% và nợ xấu riêng lẻ còn 2,34%. Đồng thời, VPBank cũng giảm số dư trái phiếu VAMC từ 3.100 tỷ đồng cuối năm 2018 xuống còn 1.200 tỷ đồng cuối tháng 7/2019.
Theo đại diện của ngân hàng, tín hiệu tích cực từ nợ xấu có được do ngân hàng đã có những điều chỉnh trong hoạt động cho vay tín chấp và cho vay có tài sản đảm bảo. Kết quả là, chỉ duy nhất phân khúc cho vay hộ kinh doanh có sự gia tăng nợ xấu trong quý 2. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh trong phân khúc này cũng đã được điều chỉnh theo hướng tập trung hóa hoạt động kiểm soát, hỗ trợ vận hành, thu hẹp mạng lưới bán hàng tại các địa bàn xa khó quản lý, giảm nhân sự từ 2.000 xuống 1.000 người.
"Chương trình tái cấu trúc hệ thống khiến nợ xấu nhóm này tăng vào cuối quý 2, nhưng đến tháng 7 khi mô hình mới đi vào ổn định, nợ xấu đã giảm", đại diện VPBank cho biết.
Tỷ lệ nợ xấu của FE Credit đã không ngừng được cải thiện, giảm từ 6,4% vào cuối quý II năm 2018, xuống còn 5,4% vào cuối năm quý 2 năm 2019. Kết quả tích cực trên đến từ chiến lược bán hàng hiệu quả, không ngừng đẩy mạnh đầu tư vào số hóa và tự động hóa các hệ thống của FE Credit, chuyển dịch từ mô hình bán hàng truyền thống sang nền tảng công nghệ tự động và phân tích nâng cao.
Khi nợ xấu giảm, chi phí dự phòng của ngân hàng cũng được cải thiện theo. Đại diện của VPBank cho biết chi phí dự phòng hợp nhất đã tăng 19% trong 7 tháng đầu năm. Con số này có thể xem là mức cao nếu so sánh với mặt bằng chung của nhóm ngân hàng top đầu, nhưng nếu so với chính mức tăng dự phòng của VPBank giữa năm 2017 và 2018, tỷ lệ này đã có chiều hướng đi xuống. Bên cạnh đó, khả năng thu hồi nợ của ngân hàng đã tăng đáng kể trong nửa đầu năm, 130% so với cùng kỳ năm trước, tạo ra nguồn thu nhập để bù đắp cho chi phí dự phòng.
Theo lẽ thông thường, "rủi ro đi kèm với lợi nhuận", khi rủi ro giảm bớt, lợi nhuận và hoạt động có thể cũng theo chiều hướng giảm. Tuy nhiên, trường hợp này không đúng với VPBank, bởi về bản chất, rủi ro trong hoạt động của VPBank giảm là do ngân hàng tái cơ cấu, "chuẩn hóa" các quy trình, thay vì cắt giảm phân khúc kinh doanh rủi ro. Thực tế, tổng thu nhập hoạt động của VPBank vẫn đạt khoảng 20.000 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm, tiếp tục duy trì vị thế một trong những ngân hàng tư nhân có doanh thu lớn nhất thị trường.
Ngoài việc giảm mạnh nợ xấu, tỷ lệ an toàn vốn giữ ở mức cao cũng là một điểm tích cực trong bức tranh tài chính của ngân hàng này.
Tại thời điểm kết thúc quý 2, CAR của VPBank theo Basel II giữ ở mức 11,2%, so với yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước là 8%. Còn nếu theo Thông tư 36, CAR của ngân hàng ở mức 12,3%.
"Tỷ lệ an toàn vốn của VPBank đang ở mức khá an toàn, kể cả khi so tương quan với trung bình toàn hệ thống hay mức yêu cầu tối thiểu, điều này cho thấy nền tảng vốn tương đối tốt của ngân hàng", báo cáo về VPBank của Công ty chứng khoán KB Việt Nam viết.
"Chúng tôi cho rằng một nguyên nhân lớn giúp CAR luôn ổn định nhờ duy trì được đòn bẩy vốn thấp thứ 2 toàn ngành (9.3x cuối 2018) mà vẫn đạt hiệu quả sinh lời cao nhờ bản chất xoay vòng vốn nhanh".
Trong khi đó, SSI dự báo VPBank có thể nhanh chóng xử lý vấn đề nợ xấu và trái phiếu từ VAMC trong năm 2019, từ đó tạo dư địa cho tăng trưởng tốt hơn trong năm 2020.