11:24 01/04/2008

Châu Á đối phó nguy cơ suy thoái kinh tế

Quốc Trung

Châu Á đang phải nỗ lực đối phó nguy cơ suy thoái kinh tế trong bối cảnh giá cả tăng cao, kinh tế Mỹ ảm đạm

USD yếu đang ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất khẩu của châu Á.
USD yếu đang ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất khẩu của châu Á.
Châu Á đang phải nỗ lực đối phó nguy cơ suy thoái kinh tế trong bối cảnh giá cả tăng cao, kinh tế Mỹ ảm đạm... Các chuyên gia cho rằng, tăng cường buôn bán nội khối, kích cầu trong nước và chính sách tài chính linh hoạt là những biện pháp quan trọng giúp kinh tế các nước châu Á tăng trưởng ổn định.

Tại Hội nghị lần thứ 43 các thống đốc ngân hàng trung ương Đông Nam Á (SEACEN), vừa diễn ra ở Indonesia, các đại biểu đã thảo luận về ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế toàn cầu đối với các nước châu Á - Thái Bình Dương; biện pháp nhằm bình ổn thị trường tiền tệ và tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực...

Đối phó nguy cơ suy giảm xuất khẩu

Tuyên bố chung của Hội nghị nêu rõ: "Thông qua biện pháp đẩy mạnh buôn bán trong khu vực sẽ tạo ra một vùng đệm để đối phó với nguy cơ xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) giảm".

Hội nghị nhận định rằng ảnh hưởng của suy thoái kinh tế Mỹ đối với các nước châu Á có thể tương đối thấp, nhưng tình hình có thể thay đổi nếu không có giải pháp thích hợp. Các thống đốc ngân hàng trung ương cho rằng giải pháp thích hợp hiện nay là phải tăng cường trao đổi buôn bán giữa các nước châu Á với nhau, đồng thời kích thích thị trường trong nước.

Theo Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda, châu Á sẽ khó tránh được ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế Mỹ, nhưng với sự năng động, khu vực này sẽ chịu ảnh hưởng ít hơn Mỹ và châu Âu, với mức tăng trưởng sẽ giảm khoảng 1% so với dự kiến hồi đầu năm. Ông Kuroda cho biết, nguy hiểm thực sự đối với châu lục này là cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ sẽ khiến các nước châu Á không ngăn chặn được nguy cơ lạm phát trong nước.

Các chuyên gia Ngân hàng Société Générale của Pháp, cho rằng xuất khẩu hiện chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm quốc nội của các nước châu Á, với hơn 60% xuất sang các nước phương Tây. Để chặn đứng cơn lốc đến từ Mỹ, các nước có nền kinh tế đang nổi lên ở châu lục này phải tăng mức tiêu dùng trong nước lên khoảng 24% trong bối cảnh giá đồng USD ngày một giảm, đồng nội tệ lên giá kéo theo sự leo thang của giá cả trong nước. Đây là một bài toán khó đối với các nhà lãnh đạo châu Á và họ cần tìm ra lời giải ngay từ lúc này để tránh bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính bên kia bờ Thái Bình Dương.

Cần tiếp sức cho đồng USD

Các thống đốc ngân hàng trung ương Đông Nam Á cho rằng một số nước trong SEACEN đã chuyển từ hệ thống tài chính điều hành ngân hàng sang hệ thống tài chính do thị trường điều hành tiên tiến hơn và sự chuyển đổi này có thể đem lại kết quả tốt hơn trong việc giúp các nền kinh tế thích ứng với những "cú sốc" từ bên ngoài.

Tuy nhiên, ngân hàng trung ương các nước Đông Nam Á đang đứng trước những nguy cơ tiềm ẩn do tình trạng tăng mạnh nguồn vốn ngắn hạn gần đây. Hội nghị kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đẩy mạnh hệ thống giám sát để đáp ứng những thách thức kinh tế toàn cầu trong khi sự trì trệ của kinh tế Mỹ sẽ ảnh hưởng tới EU và phần còn lại của thế giới.

Các nhà kinh tế châu Á và thế giới gần đây đều nhất trí cho rằng với việc đồng USD giảm giá mạnh và Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm mạnh lãi suất, các thị trường đang cảnh giác trước bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt ở châu Á, bán tống bán tháo các trái phiếu kho bạc hoặc các tài sản khác của Mỹ. Châu Á ít có sự lựa chọn ngoài việc tiếp tục tiếp sức cho đồng USD.

Mỹ luôn dựa vào nguồn thu từ bán trái phiếu kho bạc để trang trải khoản nợ khổng lồ. Việc lãi trái phiếu kho bạc giảm do FED tìm cách ngăn chặn khủng hoảng tín dụng, các tài sản có lãi suất cao hơn ở các nước khác trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, nếu các nước châu Á đẩy mạnh bán ra những tài sản bằng đồng USD, các nước này có nguy cơ làm đồng USD giảm giá hơn nữa và giá trị của số ngoại tệ dự trữ của họ sẽ bị co lại.

Nhật có dự trữ ngoại hối vượt 1 nghìn tỷ USD trong tháng trước, là nước sở hữu các loại hối phiếu Mỹ nhiều nhất, với giá trị lên tới 586,9 tỷ USD trong tháng 1/2008. Trung Quốc với dự trữ ngoại hối vừa đạt 1.650 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ hai với 492,6 tỷ USD. Các nhà phân tích cho rằng cả hai cường quốc kinh tế châu Á này đều lo ngại đồng USD suy yếu, nhưng họ sẽ không "bán tống, bán tháo" đồng tiền này.