12:09 06/05/2014

Châu Âu tính toán thiệt hại vì căng thẳng với Nga

Diệp Vũ

Những dự báo khả quan về kinh tế châu Âu có thể không trở thành hiện thực

Nếu không tính tới vấn đề quan hệ với Nga, tăng trưởng kinh tế của khối 
EU được dự báo sẽ đạt 1,6% trong năm nay và 2% trong năm tới, so với mức
 tăng 0,1% đạt được trong năm 2013 - Ảnh: Telegraph.<br>
Nếu không tính tới vấn đề quan hệ với Nga, tăng trưởng kinh tế của khối EU được dự báo sẽ đạt 1,6% trong năm nay và 2% trong năm tới, so với mức tăng 0,1% đạt được trong năm 2013 - Ảnh: Telegraph.<br>
Căng thẳng gia tăng trong quan hệ giữa châu Âu và Nga có nguy cơ khiến tăng trưởng kinh tế khu vực này bị ảnh hưởng mạnh trong năm nay và năm tới. Cảnh báo này vừa được Ủy ban Châu Âu (EC) đưa ra trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế khu vực.

“Nếu căng thẳng với Nga tiếp tục tăng mạnh, dẫn tới gián đoạn lớn trong nguồn cung cấp khí đốt và dầu thô, đẩy giá nhiên liệu tăng mạnh, thì ảnh hưởng tiêu cực đối với các quốc gia thành viên có thể sẽ rất lớn”, trang CNNMoney dẫn báo cáo của EC.

Nga đang đối đầu với Mỹ và châu Âu trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine. Các nhà lãnh đạo phương Tây cáo buộc Nga hậu thuẫn các cuộc biểu tình và tình trạng vô luật pháp ở miền Đông Ukraine - một cáo buộc mà phía Nga cương quyết phủ nhận.

Mỹ và châu Âu đều đã áp lệnh trừng phạt lên nhiều công ty và cá nhân Nga. Về phần mình, Nga cảnh báo rằng, dòng xuất khẩu khí đốt của nước này sang châu Âu có thể bị ảnh hưởng nếu Moscow tính chuyện cắt cung cấp khí đốt cho Ukraine - “trạm quá cảnh” then chốt trong tuyến đường dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu.

Tình hình kinh tế châu Âu hiện nay đang có một số tín hiệu khả quan. Nếu không tính tới vấn đề quan hệ với Nga, tăng trưởng kinh tế của khối EU được dự báo sẽ đạt 1,6% trong năm nay và 2% trong năm tới, so với mức tăng 0,1% đạt được trong năm 2013. EC dự báo, khối sử dụng đồng tiền chung Eurozone sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm 2014 và 1,7% trong năm 2015.

Tuy nhiên, EC cho rằng, với nguy cơ từ căng thẳng trong quan hệ Nga-EU, những dự báo trên có thể không trở thành hiện thực. Ngoài ra, lạm phát thấp tiếp tục là một mối đe dọa đối với kinh tế châu Âu.

Theo EC, lạm phát ở khu vực Eurozone sẽ giảm còn 0,8% trong năm nay trước khi tăng lên 1,2% vào năm tới. Các mức này thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra cho trung hạn.

Giá hàng hóa cơ bản giảm, đồng Euro mạnh lên, và thị trường việc làm còn yếu ở một số nước EU được cho là những nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát thấp. Tháng 3 vừa rồi, lạm phát ở Eurozone giảm xuống mức 0,5%, thấp nhất kể từ tháng 11/2009.