10:45 05/04/2022

Châu Âu vẫn bất đồng về trừng phạt ngành năng lượng Nga

Hoài Thu

Các nước thành viên EU vẫn đang bất đồng về việc liệu có mở rộng các biện pháp trừng phạt với hoạt động nhập khẩu nhiên liệu từ Nga hay không...

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu tại trụ sở EU ở Brussels, ngày 23/3/2022 - Ảnh: Getty Images
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu tại trụ sở EU ở Brussels, ngày 23/3/2022 - Ảnh: Getty Images

CNBC dẫn nguồn tin từ hai quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này đang nghiên cứu một gói trừng phạt mới nhắm vào Nga, trong đó dự kiến áp dụng đối với hoạt động cho thuê máy bay, sản phẩm thép, hàng xa xỉ và nhiên liệu máy bay...

Cả hai người này cho biết gói trừng phạt này vẫn đang được thảo luận và có thể thay đổi trong những ngày tới, đặc biệt trước thềm một cuộc họp quan trọng của các đại sứ EU vào ngày 5/4.

“Rõ ràng các biện pháp trừng phạt đang thiếu một thành phần lớn, đó là nhắm vào ngành năng lượng của Nga”, một trong hai nguồn tin cho biết.

Tuy nhiên, các nước thành viên EU vẫn đang bất đồng về việc liệu có mở rộng các biện pháp trừng phạt này đối với hoạt động nhập khẩu nhiên liệu từ Nga hay không, trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt.

Mới đây, các công tố viên hàng đầu của Ukraine cho biết 410 thi thể đã được phát hiện tại các thị trấn mà Kiev giành lại được từ các lực lượng của Nga. Cuối tuần qua, nhiều tổ chức truyền thông quốc tế đã đưa tin về các vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu dân thường ở thị trấn Bucha, một thành phố của Ukraine gần thủ đô Kiev, nơi các lực lượng Nga chiếm đóng trước đó.

 

Áo không ủng hộ các biện pháp trừng phạt liên quan đến khí đốt. Chúng tôi phụ thuộc rất lớn vào khí đốt của Nga và tôi cho rằng tất cả các biện pháp trừng phạt sẽ tác động tới chúng tôi nhiều lớn tới Nga. Đó là lý do chúng tôi phản đối các lệnh trừng phạt với dầu mỏ và khí đốt.

Bộ trưởng Tài chính Liên bang Áo Magnus Brunner

Những thông tin này khiến nhiều nước EU lên tiếng kêu gọi tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Hiện tại, EU đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ năm dành cho Nga, dự kiến được thông qua vào cuối tuần này.

Trong nội bộ EU, đề xuất áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với khí đốt, đầu mỏ và thậm chí than đá của Nga là một chủ đề gây tranh cãi lớn kể từ khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine hôm 24/2. Trong khi một số quốc gia ủng hộ đề xuất này, một số khác nói rằng việc này sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế của họ nhiều hơn so với ảnh hưởng tới Moscow bởi họ quá phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macro ngày 5/4 nói rằng EU nên thống nhất hạn chế nhập khẩu dầu mỏ và than đá của Nga sau những thông tin ở Bucha. Trong khi đó, Đức, Áo, Ba Lan… không đồng tình việc áp trừng phạt với lĩnh vực năng lượng Nga. Ba Lan tháng trước khẳng định rằng họ sẽ không ngừng nhập khẩu than của Nga.

“Chúng tôi muốn trong ngắn hạn giảm phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng từ Nga vào EU và Đức sẽ ủng hộ việc tăng cường trừng phạt với Moscow”, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nói với CNBC ngày 4/4. “Chúng ta phải tạo thêm áp lực với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chúng ta phải cô lập Nga. Chúng ta phải cắt đứt mọi quan hệ kinh tế với Nga, nhưng ngay lúc này thì không thể cắt nguồn cung khí đốt”.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Tài chính Liên bang Áo Magnus Brunner cũng phản đối việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu khí đốt Nga.

“Áo không ủng hộ các biện pháp trừng phạt liên quan đến khí đốt. Chúng tôi phụ thuộc rất lớn vào khí đốt của Nga và tôi cho rằng tất cả các biện pháp trừng phạt sẽ tác động tới chúng tôi nhiều lớn tới Nga. Đó là lý do chúng tôi phản đối các lệnh trừng phạt với dầu mỏ và khí đốt”, ông Brunner, Bộ trưởng liên bang về tài chính của Áo, nói với CNBC.

Văn phòng Thống kê châu Âu (Eurostat) gần 59% tiêu thụ khí đốt của Áo trong năm 2020 là nhập khẩu từ Nga. Tỷ trọng nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga để phục vụ nhu cầu nội địa của Bulgaria, Cộng hòa Séc, Latvia và Hungary năm đó thậm chí còn cao hơn.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) hôm qua cho biết quá trình chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới là “tuyệt mật”.

“Chúng tôi không bao giờ bình luận về các quy trình đang diễn ra”, người này nói thêm.

EC, cơ quan điều hành của khối, sẽ đề xuất các biện pháp trừng phạt trong các cuộc đàm phán với 27 quốc gia thành viên EU, sau đó việc thông qua các biện pháp tùy thuộc vào quyết định của từng nước. Bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào cũng cần có sự thống nhất của các nước thành viên.

Trước đó, ngày 8/3,  Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga, đánh dấu một bước đi mạnh mẽ mới của Mỹ trong vấn đề Ukraine.

Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới. Cho đến nay, ngoài Mỹ, hoạt động xuất khẩu năng lượng của quốc gia này vẫn này vẫn chưa bị áp đặt trừng phạt. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng quyết định của Washington chỉ mang tính tượng trưng bởi Mỹ không phải nước nhập khẩu dầu hàng đầu của Nga. Trong khi đó, các nước đồng minh EU chưa thể đưa ra quyết định tương tự do phụ thuộc vào năng lượng của Nga.