“Chép” lịch sử phát triển của ngành Công Thương tại Phòng truyền thống
Sau gần 12 tháng thi công, sưu tập tư liệu, hiện vật, ngày 17/6 Phòng Truyền thống ngành Công Thương đã chính thức đi vào hoạt động. Cùng ngày Phòng Truyền thống ngành Công Thương kỹ thuật số tại website: Truyenthongcongthuong.vn và cuốn sách song ngữ Việt - Anh giới thiệu về Phòng Truyền thống cũng ra mắt bạn đọc.
Phòng Truyền thống ngành Công Thương được thiết kế đa chức năng, vừa là Phòng Truyền thống vừa là phòng tổ chức sự kiện. Thông tin tại Phòng Truyền thống được chia làm 2 chủ đề.
Chủ đề thứ nhất gồm các thông tin chung về ngành. Chủ đề thứ hai gồm hình ảnh tư liệu, hiện vật của 5 thời kỳ lớn trong quá trình phát triển ngành Công Thương.
Phòng Truyền thống cũng được áp dụng nhiều công nghệ bảo tàng hiện đại, được thuyết minh tự động song ngữ Việt - Anh. Tại các điểm đều có mã QR để khách thăm quan có thể dùng điện thoại truy cập xem và nghe chi tiết về lịch sử từng giai đoạn, cũng như câu chuyện của từng tư liệu, hiện vật.
Với hàng trăm tư liệu, hiện vật, Phòng Truyền thống ngành Công Thương đã kể lại câu chuyện về lịch sử phát triển của ngành một cách sống động. Mỗi tư liệu, hiện vật đều mang trong mình một câu chuyện lịch sử, với nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.
Từ bản thảo viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những bức hình của Người với ngành Công Thương, tới cuốn sổ ghi chép thu mua hàng hóa của Sở mậu dịch Nam Bộ thuộc Ủy ban Kháng chiến những năm 1952 - 1954, khi Cách mạng phải gom từng đồng bạc nhỏ để kháng chiến lâu dài.
Từ những câu chuyện của một thời bao cấp, tới những báo cáo từ tâm dịch của Tổ Công tác đặc biệt đã giúp lãnh đạo Bộ Công Thương đưa ra những quyết định chưa từng có trong tiền lệ nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh, cung cầu hàng hóa trong một điều kiện vô cùng đặc biệt của năm 2021.
Quá trình sưu tầm tư liệu hiện vật cho Phòng Truyền thống, Tổ biên soạn đã lần theo từng trang lịch sử phát triển của ngành, thậm chí có những tư liệu nằm trong bộ sưu tập của các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài như Thư viện Quốc gia Pháp, Đại học Cornell (Hoa Kỳ)… cũng được Tổ biên soạn tìm hiểu và sao chép.
Tổ biên soạn cũng đã tìm đến những “chứng nhân”, để được lắng nghe những câu chuyện về hành trình phát triển của ngành. Nhiều lãnh đạo ngành tuổi đã ngoài 90 vẫn dày công tự tay viết lại những hồi ức đã diễn ra cách đây 40 - 50 năm.
Do hạn chế của không gian trưng bày và thời gian thực hiện, Bộ Công thương cho rằng đây chỉ là điểm khởi đầu. Phòng Truyền thống ngành Công Thương sẽ còn phải bổ sung, vun đắp để thực sự có một tầm vóc, quy mô tương xứng với đóng góp của ngành trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cũng như mong muốn của những người con ngành Công Thương.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, ra đời trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trải qua 2 cuộc kháng chiến cứu nước, giải phóng dân tộc và cùng với cả nước tiến hành công cuộc đổi mới, hơn 70 năm qua, ngành Công Thương đã không ngừng phát triển, lớn mạnh cùng đất nước, đóng góp quan trọng, tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để lại những dấu ấn thành tựu và giá trị truyền thống tốt đẹp.
Ông Diên đề nghị các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành tiếp tục giúp đỡ Bộ Công Thương sưu tầm tư liệu, hiện vật liên quan đến lịch sử hình thành, phát triển của ngành, tạo điều kiện xây dựng Phòng Truyền thống ngành Công Thương ngày càng hoàn thiện.
Phòng sẽ trở thành một địa chỉ tin cậy và có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống vẻ vang của ngành Công Thương, góp phần truyền cảm hứng, tiếp thêm động lực cho các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương hôm nay và mai sau nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.