09:06 02/02/2024

Chi phí chăm sóc trẻ em tăng vọt, gây hệ lụy cho nền kinh tế toàn cầu

Hoài Thu

Theo tính toán của Bloomberg, tại Mỹ, ước tính nền kinh tế tổn thất khoảng 237 tỷ USD mỗi năm do phụ nữ phải gác lại công việc để chăm sóc con. Còn tại Liên minh châu Âu (EU), con số này là khoảng 242 tỷ Euro (khoảng 255 tỷ USD)...

Tại Nhật, nữ giới không không có lựa chọn nghỉ việc mà được kỳ vọng vừa vắp xếp công việc, vừa chăm sóc con cái và lo việc nhà - Ảnh: Reuters
Tại Nhật, nữ giới không không có lựa chọn nghỉ việc mà được kỳ vọng vừa vắp xếp công việc, vừa chăm sóc con cái và lo việc nhà - Ảnh: Reuters

Trên toàn cầu, lạm phát leo thang đang khiến chi phí chăm sóc trẻ em tăng lên mức chưa từng thấy trong lịch sử. Theo dữ liệu của công ty tư vấn lương thưởng và nhân sự ECA International, phí trông trẻ ban ngày bình quân trên thế giới năm 2023 đã tăng 6% so với năm trước, riêng ở Mỹ tăng 9%.

Giới chuyên gia cho rằng để tránh suy thoái kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra một xã hội công bằng hơn, thì cần phải đảo ngược xu hướng này. Tuy nhiên, hiện nay không nhiều chính phủ hành động để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình có con nhỏ.

Áp lực này chủ yếu đè nặng lên nữ giới – đối tượng thường gánh trách nhiệm chăm sóc con. Đi làm chỉ để chi trả tiền trông trẻ, nhiều phụ nữ chọn cách giảm giờ làm, bỏ qua cơ hội thăng tiến hoặc nghỉ làm hẳn để chăm con. Một số khác quyết định sinh ít con hoặc thậm chí không sinh con. Nhiều bà mẹ chỉ có thể tham gia hoặc ở lại lực lượng lao động với các điều khoản làm việc linh động.

“Nền kinh tế nói chung sẽ phải trả giá khá đắt khi nữ giới rút khỏi lực lượng lao động. GDP toàn cầu có thể cao hơn khoảng 10% nếu nữ giới tham gia lực lượng lao động tương đương như nam giới”, bà Adriana Dupita, nhà phân tích tại Bloomberg Economics, đánh giá.

Theo tính toán của Bloomberg, tại Mỹ, ước tính nền kinh tế tổn thất khoảng 237 tỷ USD mỗi năm do nữ giới gác lại công việc để chăm sóc con. Còn tại Liên minh châu Âu (EU), con số này là khoảng 242 tỷ Euro (khoảng 255 tỷ USD). Ngược lại, nữ giới tham gia vào lực lượng lao động nhiều hơn giúp tăng sản lượng của nền kinh tế, đồng thời giảm bất bình đẳng và nghèo cùng cực.

Trước những lợi ích này, chính phủ và doanh nghiệp tại một số quốc gia đang tìm cách hỗ trợ người lao động có con. Tại Nhật, một số doanh nghiệp trợ cấp chăm sóc con cho nhân viên hoặc cung cấp nhà ở thân thiện với các hộ gia đình. Còn tại Anh, nhiều doanh nghiệp trả tiền thai sản cao để giữ chân nhân viên nữ mới sinh con.

“Nhưng vì chi phí tăng và kéo dài, nhiều gia đình đang kiệt sức. Khi nói về việc nữ giới chọn sống, làm việc và chăm sóc gia đình, thì chi phí chăm sóc trẻ em là một nhân tố tác động chính”, bà Joeli Brearley, người sáng lập tổ chức từ thiện Pregnant Then Screwed (Anh), cho biết.

Hãng tin Bloomberg đã tiến hành khảo sát tại 3 quốc gia về tác động của chi phí chăm sóc trẻ em gia tăng và việc các bà mẹ buộc phải đánh đổi giữa gia đình và công việc.

NHẬT BẢN

Tại Nhật, sau khi sinh con, nữ giới thường được kỳ vọng vừa sắp xếp công việc, vừa chăm sóc con cái và lo việc nhà.

Rie Yanagisawa, 35 tuổi, phải làm tất cả các nhiệm vụ này. Sau ca làm việc 5 tiếng tại một công ty về bán dẫn, Yanagisawa dành 8 tiếng mỗi ngày để chăm sóc 2 con nhỏ. Trong khi đó, chồng cô làm việc khoảng 60-65 giờ mỗi tuần và thường về nhà vào khoảng 10 giờ đêm.

“Về cơ bản tôi như một bà mẹ đơn thân vào những ngày trong tuần”, Yanagisawa chia sẻ. Cô từng là nhân viên toàn thời gian trước khi sinh con đầu lòng 5 năm trước.

Sự sắp xếp như vậy diễn ra phổ biến ở Nhật, nơi nữ giới có con nhỏ phải gánh khoảng 7 tiếng làm việc nhà và chăm sóc con cái, nhiều gấp 5 lần so với nam giới, và họ cũng phải giảm bớt công việc của bản thân để đảm nhận nhiệm vụ này.

Trên thực tế, tại Nhật, tỷ lệ tham gia lao động của nữ giới đã tăng lên trong thập kỷ qua. Tính tới tháng 8/2023, gần 3/4 nữ giới trong độ tuổi lao động của nước này có làm việc dưới hình thức nào đó.

Tuy nhiên, dù khoảng 40.000 cơ sở trông trẻ được Chính phủ hỗ trợ ở Nhật có giá rẻ hơn nhiều so với ở Anh và Mỹ với phí bình quân 29.500 yên (200 USD)/tháng, hệ thống này thiếu sự linh hoạt. Những phụ huynh như Yanagisawa buộc phải đón con nếu chúng bị sốt nhẹ. Và khi cô không đi làm thì cũng không được sử dụng dịch vụ trông trẻ. Các dịch vụ thay thế cũng khá hạn chế. Việc thuê bảo mẫu thường vấp phải định kiến xã hội và cũng khá đắt đỏ. Trong khi đó, vì nhiều người trẻ từ nông thôn thường đến thành phố làm việc nên không thể nhờ ông bà trông cháu.

Những thách thức trên, cộng với mức lương không tăng suốt nhiều năm, khiến tỷ lệ sinh tại Nhật giảm mạnh và trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Để đảo ngược xu hướng này, Thủ tướng Fumio Kishida đã cam kết dành khoảng 23,5 tỷ USD để hỗ trợ các gia đình có con nhỏ. Tuy nhiên, những nỗ lực trước đó nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh – như miễn phí trông trẻ cho trẻ em từ 3-5 tuổi, trợ cấp tiền mặt cho gia đình có con hay trợ cấp chi phí y tế cho trẻ em – không mang lại nhiều hiệu quả.

Nhiều doanh nghiệp đang có nhiều sáng kiến khả quan hơn. Ví dụ công ty mỹ phẩm Shiseido có chế độ nghỉ thai sản lên tới 5 năm cho lao động nữ, bên cạnh việc giảm giờ làm cho lao động nữ tới khi con họ được 9 tuổi. Công ty cũng trợ cấp tiền mua máy hút sữa và cho nghỉ hai lần mỗi ngày để hút sữa. Còn công ty Itochu Corp. cũng điều chỉnh giờ làm việc theo hướng tập trung vào buổi sáng để nhân viên có con nhỏ có thể rời công sở sau 3 giờ chiều, và cấm làm việc sau 8h tối.

Các chính sách thân thiện với gia đình như vậy đã mang lại hiệu quả. Shiseido là công ty dẫn đầu tại Nhật về lao động nữ. Còn tại Itochu, trông năm tài khóa 2021-2022, tỷ lệ sinh ở nhân viên nữ của công ty này đã tăng lên 1,97, cao hơn nhiều so với mức bình quân toàn quốc.

Với Yanagisawa, việc có thể linh hoạt làm việc bán thời gian giúp cô gắn bó với công ty hiện tại lâu hơn, dù phải nhận mức lương thấp hơn trước kia.

“Hiện tại muốn tập trung vào việc chăm sóc các con hơn. Tôi có thể sử dụng chương trình làm việc thời gian rút ngắn cho tới khi con út của tôi 7 tuổi”, Yanagisawa chia sẻ.

MỸ

Hơn 4 năm trước, Amy Funes, nhân viên hành chính tại một tổ chức phi lợi nhuận tại thành phố New York, kiếm được 38.000 USD mỗi năm. Đó cũng là khi cô phát hiện mình có thai. Funes bắt đầu tìm kiếm các lựa chọn chăm sóc trẻ nhưng được thông báo rằng thu nhập của cô quá cao nên không được nhận trợ cấp của bang cho dịch vụ trông trẻ ban ngày.

Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chi phí chăm sóc trẻ em tại Mỹ thuộc hàng cao nhất thế giới khi tính theo tỷ lệ trong thu nhập của các hộ gia đình. Khi lạm phát gia tăng, tỷ lệ này càng tăng. Năm 2023, phí chăm sóc trẻ ban ngày bình quân tại Mỹ là 321 USD/tuần, tăng từ mức 284 USD năm trước đó. Tại thành phố New York, chi phí này cao hơn khoảng 16%. Đây là một phần nguyên nhân khiến Mỹ là một trong những nước có tỷ lệ lao động nữ trong lực lượng lao động thấp nhất trong nhóm các nền kinh tế phát triển.

Một nghiên cứu của tập đoàn Economic Development Corporation, New York tổn thất gần 23 tỷ USD năm 2022 do lao động có con giảm giờ làm hoặc chuyển chỗ ở vì vấn đề chăm sóc con - Ảnh: Reuters
Một nghiên cứu của tập đoàn Economic Development Corporation, New York tổn thất gần 23 tỷ USD năm 2022 do lao động có con giảm giờ làm hoặc chuyển chỗ ở vì vấn đề chăm sóc con - Ảnh: Reuters

Trở lại với Funes, hiện 44 tuổi, buộc phải nghỉ việc để được nhận trợ cấp chăm sóc trẻ. Cuối cùng, bà và con trai phải chuyển tới một mái ấm từ thiện.

“Tôi không tin được rằng bà mẹ đơn thân chăm sóc con lại vất vả thế này”, bà chia sẻ.

Nhiều phụ huynh New York có chung cảm xúc này. Một nghiên cứu của tập đoàn Economic Development Corporation, thành phố này tổn thất gần 23 tỷ USD năm 2022 do lao động có con giảm giờ làm hoặc chuyển chỗ ở vì vấn đề chăm sóc con.

Trong bối cảnh chi phí chăm sóc trẻ ngày càng đắt đỏ, một số bang ở Mỹ đang thử nghiệm các giải pháp sáng tạo. Bang Kentucky đã ban hành quy định cho phép tất cả nhân viên chăm sóc trẻ được hưởng dịch vụ chăm sóc trẻ miễn phí. Còn bang New Mexico, một trong những bang nghèo nhất tại Mỹ, đã thông qua chính sách cho phép dùng một phần nguồn thu từ thuế dầu mỏ để trợ cấp học phí mẫu giáo.

 ANH

Từ tháng 4 năm ngoái, phí gửi trẻ mà Fawn Hudgens phải trả đã tăng từ 1.200 bảng lên 1.335 USD/tháng (từ 1.459 USD lên 1.698 USD). Hudgens, phó chủ tịch phụ trách tiếp thị tại một công ty phần mềm ở London (Anh), cũng phải trả 182 USD vào ngày thứ Sáu mỗi tuần để thuê bảo mẫu chăm sóc con gái 2 tuổi rưỡi của mình. Khi tính toán tất cả các chi phí này, Hudgens phát hiện chỉ riêng chi phí trông trẻ tiêu tốn hơn 19.000 USD/năm, tương đương 15% thu nhập của cô.

Dù đã cân nhắc sinh thêm con, vợ chồng Hudgens chưa thể tìm được phương án tài chính để chi trả chi phí tăng thêm bởi việc chăm sóc trẻ sơ sinh còn tốn kém hơn. Giải pháp tốt nhất là Hudgens nghỉ việc để chăm sóc cả hai con hoặc đợi tới khi con gái đầu 3 tuổi mới sinh thêm. Theo chính sách của Chính phủ Anh, khi trẻ 3 tuổi, họ sẽ được miễn phí tối đa 30 giờ dịch vụ trông trẻ. Nhưng đó là những cân nhắc vào 1,5 năm trước.

“Việc này phải trả quá quá lớn. Việc tôi phải ở nhà thay vì đi làm nếu chúng tôi muốn sinh thêm con không ổn chút nào”, người phụ nữ 39 tuổi chia sẻ.

Trên thực tế, Anh là quốc gia có trợ cấp cho trẻ em và lao động nữ khá hào phóng với 6 tháng nghỉ thai sản được trả lương và trợ cấp phí trông trẻ cho trẻ em trên 3 tuổi bất kể thu nhập của cha mẹ. Những gia đình thu nhập thấp còn được trợ cấp thêm thông qua chương trình “Universal Credit”, hỗ trợ tối đa 15 tiếng trông trẻ miễn phí cho trẻ trên 2 tuổi, hỗ trợ tiền mặt hàng tháng từ Chính phủ và được hoàn tới 85% chi phí chăm sóc trẻ.

Dù vậy, dữ liệu từ OECD cho thấy các bậc phụ huynh ở Anh vẫn phải chi bình quân 29% thu nhập của gia đình – tương đương 17.000 USD – mỗi năm cho việc chăm sóc con. Đây là tỷ lệ thuộc hàng cao nhất thế giới. Điều này khiến nhiều phụ nữ ở Anh rơi vào tình huống Hudgens, đó là có thu nhập cao hơn mức điều kiện để nhận trợ cấp của Chính phủ dành cho gia đình thu nhập thấp, nhưng lại không đủ tài chính cho dịch vụ chăm sóc con toàn thời gian.

Gần 40% nữ giới tại Anh phải giảm giờ làm để chăm sóc con - Ảnh: Reuters
Gần 40% nữ giới tại Anh phải giảm giờ làm để chăm sóc con - Ảnh: Reuters

Theo một khảo sát cho Bloomberg News của Deltapoll trong giai đoạn từ tháng 3/2022-3/2023, gần 40% nữ giới tại Anh phải giảm giờ làm để chăm sóc con. Ngoài ra, khoảng 20% phải nghỉ việc hoàn toàn vì lý do tương tự.

Theo ước tính của tổ chức nghiên cứu Center for Progressive Policy (Anh) chi phí chăm sóc trẻ tăng lên khiến nền kinh tế Anh thiệt hại ít nhất 32,7 tỷ USD khi nữ giới giảm giờ làm do phải chăm sóc con.

Nhiều doanh nghiệp tại Anh đang nỗ lực cải thiện tình hình. Gần 3/4 doanh nghiệp tại nước này hiện có chính sách “nghỉ thai sản tăng cường”, theo đó cho phép nữ giới mới sinh con nghỉ ít nhất 6 tuần được trả lương. Tháng 3 năm ngoái, Đảng Bảo thủ cầm quyền công bố kế hoạch tăng hỗ trợ tài chính cho các cơ sở chăm sóc trẻ trong vòng 2 năm tới. Tới tháng 9/2025, khi các chính sách của kế hoạch này được áp dụng đầy đủ, tất cả lao động có con dưới 5 tuổi sẽ được miễn phí 30 giờ trông trẻ mỗi tuần.

Theo kế hoạch này, Hudgens ước tính chi phí chăm sóc trẻ của gia đình cô sẽ giảm xuống một nửa. Bà mẹ trẻ cho rằng điều này dù không giải quyết mọi vấn đề nhưng giúp ích khá nhiều.