14:17 18/11/2022

Chi tiêu của Gen Z và Gen Alpha sẽ chiếm 1/3 thị trường hàng xa xỉ

Băng Hảo

Theo báo cáo Nghiên cứu hàng xa xỉ mới nhất vừa được trình bày tại Milan (Ý) ngày 15/11, ngành hàng xa xỉ toàn cầu được dự đoán sẽ đạt giá trị thị trường khoảng 1.400 tỷ euro doanh thu vào năm 2022, tăng 21% so với năm trước…

Ảnh: Business Insider
Ảnh: Business Insider

Nghiên cứu của Công ty tư vấn quản lý Bain & Company (Mỹ) phối hợp với Fondazione Altagamma (ủy ban quản lý các thương hiệu cao cấp của Ý) cho biết, ngành hàng xa xỉ phục vụ cá nhân có thể đạt doanh thu tăng 22% lên 353 tỷ euro vào năm nay. Đồng thời, thị trường hàng xa xỉ cá nhân được dự báo sẽ tăng trưởng ít nhất ​​3 - 8% trong năm 2023, ngay cả khi điều kiện kinh tế toàn cầu suy thoái. Đến năm 2030, giá trị thị trường này dự kiến ​​sẽ tăng lên khoảng 550 - 570 tỷ euro, tăng 60% trở lên so với năm 2022.

Thị trường hàng xa xỉ nói chung dự kiến ​​sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, theo Đài truyền hình CNBC. Bà Federica Levato, lãnh đạo bộ phận thời trang và hàng xa xỉ EMEA tại Bain & Company, cho biết: "Hiện nay, ở hầu hết mọi nơi, thái độ của khách hàng đã khác. Sau đại dịch, người tiêu dùng có những đợt mua bán lớn với nhiều loại sản phẩm hơn".

Thực tế đã chứng minh bằng những con số. Có tới 4 trên 5 công ty chính của LVMH mới đây đã ghi nhận doanh thu, lợi nhuận vượt ước tính của giới phân tích. Công ty lớn nhất và mang lại lợi nhuận cao nhất là các nhà mốt như Christian Dior - nơi có những chiếc váy với mức giá đủ khiến người nghe choáng ngợp.

Trong cuộc thảo luận với các nhà phân tích diễn ra gần đây, Giám đốc tài chính Jean-Jacques Guiony của LVMH đã nhận được câu hỏi về những yếu tố tiêu cực của các nền kinh tế (bao gồm lãi suất tăng mạnh, lạm phát leo thang và suy thoái) cũng như khả năng hồi phục của ngành hàng xa xỉ. “Đồ hiệu không phải là yếu tố thể hiện cho toàn bộ nền kinh tế. Chúng tôi bán hàng cho người giàu và họ có cách chi tiêu riêng. Điều này không hoàn toàn phải phù hợp với xu hướng chung của nền kinh tế", vị CFO này khẳng định.

Có tới 4 trên 5 công ty chính của LVMH mới đây đã ghi nhận doanh thu, lợi nhuận vượt ước tính của giới phân tích.
Có tới 4 trên 5 công ty chính của LVMH mới đây đã ghi nhận doanh thu, lợi nhuận vượt ước tính của giới phân tích.

Không chỉ có riêng Louis Vuitton mà Hermès International mới đây cũng tiết lộ mức tăng trưởng 24% trong năm nay. Mức tăng này một phần nhờ vào quyết định tăng giá trung bình sản phẩm lên 4%, qua đó tạo tiền đề cho nhà mốt này công bố mức tăng giá lên 10% trong năm tới. Theo báo cáo hồi tháng 6 của hãng tư vấn Boston Consulting Group, khối tài sản trên toàn cầu đã tăng 10,6%, tương đương 26.000 tỷ USD.

Đây cũng là tốc độ tăng nhanh nhất trong hơn một thập kỷ qua. Ngoài ra, nhu cầu mua hàng xa xỉ của giới siêu giàu cũng được thúc đẩy nhờ một số yếu tố khác. Đó là các quy định hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 ở hầu hết nhiều nơi đã được dỡ bỏ.

Ngoài ra, theo báo cáo, trong những năm tới, chi tiêu của Gen Z và Gen Alpha sẽ chiếm 1/3 thị trường hàng xa xỉ. Điều này cho thấy người tiêu dùng Gen Z (sinh khoảng năm 1997 - 2012) và Alpha (sinh đầu thập niên 2010 đến giữa thập niên 2020) bắt đầu mua các mặt hàng xa xỉ sớm hơn khoảng 3 - 5 năm so với Gen Y (còn gọi thế hệ Millennials, sinh khoảng năm 1980 - 1996).

Bà Levato cho biết nghiên cứu cũng chỉ ra các xu hướng chính khác, chẳng hạn như sự trở lại bán lẻ truyền thống. Đó là điều "không nằm ngoài dự kiến". "Chúng tôi đã tính đến điều này trong các ước tính trước đó, tin rằng khi du lịch khởi động lại, việc quay trở lại các cửa hàng là điều bình thường", bà nói. Người tiêu dùng của thị trường xa xỉ cũng đang mở rộng với khoảng 400 triệu người tiêu dùng vào năm 2022, dự báo sẽ tăng lên 500 triệu vào năm 2030.

Thế hệ Alpha sẽ nhanh chóng "chiếm lĩnh" thị trường hàng xa xỉ.
Thế hệ Alpha sẽ nhanh chóng "chiếm lĩnh" thị trường hàng xa xỉ.

Gachoucha Kretz, Phó giáo sư ngành Marketing tại trường Kinh doanh HEC Paris, nhận định: “Ở thời kỳ hậu Covid, nhiều người đã có tâm lý mua sắm trả thù. Họ nghĩ rằng, cuộc sống thật ngắn ngủi, vậy nên muốn tận hưởng những khoảnh khắc ở hiện tại và không suy nghĩ nhiều về điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai". Không những thế, nhiều người giàu còn không ngại "rút ví" để mua những món đồ xa xỉ thuộc dạng secondhand. Đơn cử như một chiếc túi Hermès Kelly được bán với giá 347.000 USD tại một cuộc đấu giá Sotheby’s ở Paris vào tháng trước. Ngay sau đó, chiếc túi đã được sang tay một "đại gia" khác với mức giá kỷ lục 510.000 USD. 

Bên cạnh đó, các công ty thời trang cũng liên tục đầu tư để hoàn thiện, tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm. Một số người cho rằng các sản phẩm xa xỉ chỉ là tài sản như bất động sản. Vậy nhưng, có những sản phẩm có giá trị vượt thời gian, một số khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn để mua.  Điển hình là trường hợp Sotheby’s đã bán một chiếc đồng hồ Cartier Cheich hàng hiếm với giá 1 triệu euro vào tháng trước ở Paris. Bà Gachoucha Kretz nói: “Mọi người lo lắng rằng giá các mặt hàng xa xỉ có thể tăng lên và họ sẵn sàng mua ngay bây giờ vì sợ sau này giá còn cao hơn”.