14:00 14/11/2022

Thị trường đồ thể thao dồi dào tiềm năng tăng trưởng

Minh Nguyệt

Sau đại dịch Covid-19, hầu như mọi người đã thay đổi quan điểm, quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn và coi tập luyện là ưu tiên hàng đầu. Do đó, thị trường sản phẩm thể thao toàn cầu  được Mordor Intelligence dự báo sẽ chứng kiến mức tăng trưởng kép hàng năm là 6,54% trong giai đoạn năm 2022 - 2027...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo khảo sát hàng năm về xu hướng tập luyện của Trường Đại học Y học thể thao Mỹ (ACSM), thị trường trang phục và dụng cụ gym, fitness và các thể loại yoga bắt đầu tăng giá trị chóng mặt từ năm 2019, chạm mức 116 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến đạt ngưỡng 277.62 tỷ USD trong năm 2028. Theo đó, chỉ riêng trang phục tập luyện đã có doanh số bán hàng tăng cao liên tục, nhờ việc người tiêu dùng nâng cao nhận thức về sức khỏe, sự phổ biến của các môn thể thao và sự kết hợp của quần áo thông minh với chức năng tập luyện.

NGUỒN ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY THỊ TRƯỜNG

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến một số ngành công nghiệp, bao gồm cả thị trường thể thao, trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sau đại dịch, mong muốn nâng cao sức khỏe, lối sống năng động và vẻ ngoài cân đối, đang khuyến khích người tiêu dùng kết hợp các hoạt động thể dục thể thao vào mọi thói quen hàng ngày của họ.

Điều này đã tạo nên động lực cho thị trường, dẫn đến nhu cầu tăng lên đối với các sản phẩm thể thao. Sự sẵn có của trang phục thể thao với các đặc tính nâng cao như điều hòa độ ẩm, kiểm soát nhiệt độ, ngăn ngừa sự khó chịu và chấn thương tiềm ẩn… đã thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Những tính năng nâng cao này thậm chí đã thúc đẩy thói quen của người tiêu dùng mặc trang phục thể thao trong cả những khoảng thời gian giải trí không liên quan đến tập luyện.

Từ đó, các phiên bản sang trọng và nghệ thuật hơn của trang phục thể thao liên tục được trình làng và bán ra với số lượng giới hạn. Năm 2022 chứng kiến màn hợp tác của Adidas x Balenciaga hay Adidas x Gucci, khiến vẻ đẹp của trang phục thể thao thực sự gây ấn tượng, giúp chúng dần dần góp mặt trên các sàn diễn. Các hãng Louis Vuitton, Fendi, hay Miu Miu… trong những tuần lễ thời trang gần đây đều gia nhập “thế vận hội” của làng mốt. Từ đây, một thị trường đồ thể thao xa xỉ đã gây chú ý, từ găng tay, giày, mũ bảo hiểm đến balo, dây nhảy và tạ tay đều có sự giao thoa giữa tinh thần thể thao và sự sang trọng.

Tại Nhật Bản, Fast Fitness Japan, công ty nhượng quyền chính của Anytime Fitness trên toàn quốc, cho biết từ đầu năm đến nay họ “ăn nên làm ra” trông thấy. Doanh thu khi kết thúc quý 3 đã tăng 17,3% so với cùng kỳ, lên 13,1 tỷ Yên (96,6 triệu USD), trong khi công ty đạt lợi nhuận ròng 1,7 tỷ Yên trong cùng kỳ. Đại dịch đã thay đổi đáng kể thói quen hàng ngày của người dân, song dường như không thể dập tắt nhu cầu tập luyện thể thao và giữ gìn vóc dáng. Theo một cuộc khảo sát hàng năm do Tổ chức Thể thao Sasakawa thực hiện, số lượng người tham gia thể thao tích cực hiện đạt mức cao nhất mọi thời đại là 22,1%.

Mong muốn nâng cao sức khỏe đã tạo nên động lực cho thị trường, dẫn đến nhu cầu tăng lên đối với các sản phẩm thể thao.
Mong muốn nâng cao sức khỏe đã tạo nên động lực cho thị trường, dẫn đến nhu cầu tăng lên đối với các sản phẩm thể thao.

Tương tự, xu hướng tập luyện bằng các môn thể thao mới mẻ như yoga bay, múa cột hay pilates cũng đang khuấy đảo tại Hàn Quốc. Hình ảnh hàng loạt các ngôi sao xứ kim chi như nhóm Blackpink, Son Ye Jin lan tỏa làn sóng rèn luyện thể hình với những điều kiện cao cấp nhất khiến người trẻ thích thú. Các cô gái công sở trẻ mỗi tháng đều dành ngân sách đáng kể cho việc mua đồ tập luyện và thường xuyên lên mạng xã hội để khoe những tủ đồ sở hữu đủ dáng quần tập như legging, biker hoặc short, với áo croptop, áo tập dài tay, găng tay... nhiều tông màu khác nhau, từ trung tính, pastel đến neon rực rỡ.

Theo số liệu của chuỗi phòng tập cao cấp Planet Fitness tại Mỹ, số người trẻ đến phòng tập tăng nhiều trong khoảng đầu năm 2022. Tổng doanh thu của chuỗi phòng tập tăng 37,3% lên 183,6 triệu USD. Các gói tập cao cấp được Gen Z và Millennials rất ưa chuộng, khách hàng trẻ đề cao những đặc quyền như phòng tập công nghệ cao, lịch trình linh hoạt và được hướng dẫn theo yêu cầu cá nhân. Bên cạnh đó, họ cũng rất chịu chi cho những dụng cụ cá nhân đi kèm như quần áo, thảm tập, găng tay, đồng hồ thông minh, máy theo dõi nhịp tim và thiết bị tính toán calo…

Chính nhận thức ngày càng tăng về lối sống lành mạnh và xu hướng tiếp cận thể thao ngày càng tăng này đã giúp thúc đẩy thị trường. Hiện tại, Bắc Mỹ là thị trường quần áo thể thao lớn nhất trên thế giới, với hơn 30% thị phần và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm là 3,1% trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, thị phần của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đang tăng lên đáng kể do dân số ngày càng tăng và thu nhập khả dụng của khách hàng ngày càng cao...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 46 phát hành ngày 14-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Thị trường đồ thể thao dồi dào tiềm năng tăng trưởng - Ảnh 1