08:22 04/09/2019

Chiến lược Brexit “cứng” của Thủ tướng Johnson hứng thất bại cay đắng

An Huy

Thất bại này của ông Johnson đánh dấu một bước ngoặt bất ngờ nữa của Brexit, khiến tình hình chính trường Anh thêm phần hỗn loạn

Thủ tướng Anh Boris Johnson (giữa) tại Hạ viện ngày  3/9 - Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (giữa) tại Hạ viện ngày 3/9 - Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 3/9 có những động thái đầu tiên nhằm tổ chức tổng tuyển cử sớm sau khi hứng thất bại cay đắng trong một cuộc bỏ phiếu diễn ra cùng ngày tại Hạ viện về chiến lược Brexit của ông.

Thất bại này của ông Johnson đánh dấu một bước ngoặt bất ngờ nữa của Brexit, khiến tình hình chính trường Anh thêm phần hỗn loạn và khoét sâu thêm mâu thuẫn trong nội bộ Đảng Bảo thủ cầm quyền.

Theo nhận xét của hãng tin Bloomberg, một cuộc bầu cử mới để chọn ra một chính phủ mới sẽ là đỉnh cao của cuộc khủng hoảng chính trị bao trùm nước Anh trong suốt hơn 3 năm qua, bắt đầu từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit diễn ra vào mùa hè năm 2016.

Đến nay, Brexit đã khiến hai Thủ tướng Anh mất chức, gồm ông David Cameron và bà Theresa May. Chỉ sau 6 tuần ngồi ghế Thủ tướng, ông Johnson giờ đây cũng ở trong một tình thế đầy bấp bênh.

Ngày 3/9, Đảng Bảo thủ của ông Johnson mất đa số ghế trong Quốc hội Anh sau khi một nghị sỹ của đảng này từ bỏ hàng ngũ để gia nhập Đảng Dân chủ Tự do. Vài giờ sau, chiến lược Brexit không cần thỏa thuận của ông Johnson bị bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện. Ông Johnson đáp trả bằng cách khai trừ các nghị sỹ trong Đảng Bảo thủ bỏ phiếu chống lại ông.

1

Chỉ sau 6 tuần ngồi ghế Thủ tướng, ông Johnson giờ đây ở trong một tình thế đầy bấp bênh - Ảnh: Reuters.

Với 328 phiếu chống và 301 phiếu thuận, Hạ viện Anh có bước đi đầu tiên nhằm buộc ông Johnson phải hoãn việc Anh chính thức ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit, 3 tháng. Mục đích của việc trì hoãn này là tránh xảy ra Brexit không thỏa thuận, tức Brexit "cứng". Từ khi lên cầm quyền, ông Johnson đã theo đuổi chủ trương không trì hoãn Brexit trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Trong cuộc bỏ phiếu ngày 3/9, có 21 nghị sỹ Bảo thủ bỏ phiếu chống ông Johnson, đồng nghĩa hy sinh sự nghiệp chính trị bởi ngay sau cuộc bỏ phiếu, ông Johnson khai trừ tất cả những nghị sỹ này, trong đó có cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Philip Hammond.

Ông Johnson cảnh báo đối thủ rằng nếu họ không nhượng bộ ông trong ngày 4/9, ông sẽ có hành động mạnh tay hơn, giải tán Quốc hội và tiến hành tổng tuyển cử.

Tuy nhiên, đây cũng không phải là một việc dễ dàng đối với ông Johnson. Để tổ chức bầu cử, ông cần có sự ủng hộ của Công Đảng đối lập, mà đảng này chưa chắc sẽ để ông đạt mục đích.

Trong ngày thứ Tư, đối thủ của ông Johnson sẽ giành quyền kiểm soát chương trình nghị sự của Hạ viện và thúc đẩy một dự luật nhằm buộc vị Thủ tướng phải hoãn đến ngày 31/1/2020. Nếu Brexit không thỏa thuận diễn ra vào ngày 31/10 như ý định của ông Johnson, nền kinh tế Anh có thể hứng chịu thảm họa.

Ông Johnson cảnh báo, nếu dự luật hoãn Brexit được Hạ viện Anh thông qua, ông sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tổ chức bầu cử sớm để có một chính phủ mới đàm phán với EU tại hội nghị thượng đỉnh tháng 10.

"Tôi không muốn bầu cử sớm, cử tri cũng vậy", ông nói trước Quốc hội Anh ngày 3/9. "Nhưng nếu Hạ viện nhất trí với dự luật hoãn Brexit vào ngày mai, cử tri sẽ phải đi bầu cử để chọn ra người đàm phán với Brussels vào ngày 17/10 để giải quyết tình trạng này".

Nếu giành đa số phiếu trong một cuộc bầu cử sớm, ông Johnson có thể xóa dự luật hoãn Brexit mà đối thủ của ông đang thúc đẩy.

Ông Johnson vẫn đang đàm phán một thỏa thuận Brexit với EU, nhưng ông cũng đặt lựa chọn Brexit "cứng" lên vị trí hàng đầu. Ông nói rằng việc này là cần thiết để tạo đòn bẩy cho Anh trong cuộc đàm phán với EU. 

Tuy nhiên, giới chức EU nói rằng Anh không đưa ra được ý tưởng khả thi nào, đồng thời lo ngại ông Johnson tổ chức bầu cử sớm để củng cố quyền lực và lấy EU ra làm kẻ "giơ đầu chịu báng".