09:55 21/11/2007

Chiến lược của Ericsson tại thị trường Việt Nam

Thanh Hà

"Với Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng thị trường này sẽ phù hợp hơn trong phát triển các phần mềm và ứng dụng"

"Việt Nam là một thị trường đông dân cư và là một thị trường năng động không chỉ ở phát triển dịch vụ thoại cơ bản mà còn cả về Internet".
"Việt Nam là một thị trường đông dân cư và là một thị trường năng động không chỉ ở phát triển dịch vụ thoại cơ bản mà còn cả về Internet".
Tại hội nghị - triển lãm Mobile Asia Congress vừa được tổ chức tại Macao tuần qua, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Ericsson Carl Henric Svanberg đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện về chiến lược phát triển của Ericsson trong thời gian tới.

Ông có thể cho biết điểm nhấn công nghệ của Ericsson tại Mobile Asia Congress tại Macau lần này là gì?

Chúng tôi muốn nhấn mạnh tới những giải pháp hiệu quả về đầu tư cho các nhà khai thác GSM bởi số lượng thuê bao GSM sẽ tăng lên mức 5 tỉ thuê bao. Tiếp đến là ưu thế của HSPA khi đến thời điểm này đã được triển khai tại khoảng 150 mạng trên 60 quốc gia và 25 nhà khai thác với tốc độ 7.2Mbps.

Ngoài ra, chúng tôi giới thiệu những giải pháp nhằm cung cấp các giải pháp tối ưu hóa chi phí, tiết kiệm chi phí đầu tư để hiệu quả hơn chi phí lắp đặt thiết bị triển khai nhờ đó các nhà khai thác có thể cung cấp dịch vụ cho nhiều đối tượng đa dạng hơn.

Thưa ông, tại sao Ericsson lựa chọn công nghệ 3G HSPA mà không lựa chọn WiMax?

Như tôi đã nói, hiện HSPA đã được triển khai lắp đặt tại 60 quốc gia và khoảng 150 mạng trên toàn cầu. Trong khi đó WiMAx chưa đạt được tới mức độ đó. Tới khi WiMAX có khả năng triển khai thì khả năng cung cấp cũng tương tự HSPA.

Chính vì vậy mà chúng tôi quyết định lựa chọn việc đi theo một hướng tập trung hơn là theo hai hướng một lúc. Về tốc độ của HSPA, thực tế cho thấy hiện tại đã có 25 nhà khai thác nâng cấp lên HSPA tốc độ 7.2Mbps. Trong năm tới, sẽ là 28 nhà khai thác tiến hành nâng cấp. Điều này chứng tỏ những gì HSPA có thể mang lại.

Trong chiến lược Ericsson toàn cầu, Việt Nam xếp thứ hạng nào? Kế hoạch phát triển thị trường Việt Nam trong những năm tới?

Việt Nam là một thị trường đông dân cư và là một thị trường năng động không chỉ ở phát triển dịch vụ thoại cơ bản mà còn cả về Internet. Trong tương lai, thị trường này cũng sẽ có nhiều tiềm năng cho công nghệ HSPA.

Tại thị trường Việt Nam, chúng tôi luôn chú trọng phát triển nguồn lực địa phương. Sau 15 năm hoạt động, từ tư cách văn phòng đại diện, trong năm 2008, Ericsson có công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Ericsson thường hoạt động mạnh tại các nước có đông dân cư như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Trung Quốc.

Với số dân đông, Việt Nam cũng là thị trường rất quan trọng với chúng tôi. Hiện những thị trường đang có tốc độ phát triển cao nhất của Ericsson là Ấn Độ, Trung Quốc, Châu Phi.

Ericsson là nhà cung cấp thiết bị lớn trên toàn cầu. Liệu Ericsson có kế hoạch lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam hay không thưa ông?

Việc sản xuất đòi hỏi những điều kiện riêng nhằm cung cấp nguồn hàng nhanh chóng nhất. Dựa vào nghiên cứu của mình, hiện tại Ericsson đặt nhà máy tại 3 quốc gia: Trung Quốc, Thụy Điển, Brazil để đảm bảo yếu tố địa điểm sản xuất tập trung, cung cấp số lượng lớn sản phẩm và gần khách hàng. Chúng tôi chưa có dự định mở thêm nhà máy tại các quốc gia khác.

Với Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng thị trường này sẽ phù hợp hơn trong phát triển các phần mềm và ứng dụng.

Ericson đã từng rất mạnh về thiết bị đầu cuối. Và bây giờ là liên doanh với Sony Ericsson. Các ông có kế hoạch gì đối với lĩnh vực này?

Liên doanh này giữa Sony và Ericsson được đánh giá là rất thành công và có tốc độ phát triển nhanh chóng trong 2 - 3 năm gần đây với thị phần hiện giờ trên toàn cầu là 9%, có lẽ riêng tại Việt Nam, con số này có thể lớn hơn. Sony Ericsson đã trở thành thương hiệu mạnh trong việc cung cấp các dòng sản phẩm trung bình và cao cấp.

Và hiện tại, liên doanh này đang không ngừng nghiên cứu các dòng sản phẩm phổ cập, phục vụ đa dạng hơn các khách hàng.