Chiến tranh thương mại leo thang đẩy chứng khoán Mỹ giảm điểm
Các cổ phiếu nhạy cảm với thuế quan tuột dốc vì Mỹ-Trung áp thuế lên thêm nhiều tỷ USD của nhau
Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi các cổ phiếu nhạy cảm với thuế quan tuột dốc vì Mỹ-Trung áp thuế lên thêm nhiều tỷ USD của nhau và vòng đàm phán thương mại ở Washington hầu như không mang lại kết quả.
Chính phủ Mỹ ngày 23/8 chính thức áp thuế quan bổ sung 25% lên thêm 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh ngay lập tức trả đũa bằng cách áp thuế 25% lên 16 tỷ USD hàng Mỹ. Sự "ăn miếng trả miếng" diễn ra giữa lúc các quan chức Trung Quốc đang có mặt tại thủ đô của Mỹ để đàm phán thương mại.
Theo tin từ Reuters, cuộc đàm phán kéo dài hai ngày đã khép lại vào ngày thứ Năm mà không đạt được bước đột phá nào. Kết quả này không nằm ngoài dự báo trước đó của giới quan sát.
Cổ phiếu của hai "gã khổng lồ" công nghiệp Caterpillar và Boeing - vốn được xem là "hàn thử biểu" của nỗi lo chiến tranh thương mại - thuộc nhóm gây áp lực giảm nhiều nhất lên chỉ số Dow Jones trong phiên này. Cổ phiếu Caterpillar giảm 2%, trong khi cổ phiếu Boeing mất 0,7%.
Trong toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, chỉ có nhóm công nghệ là tăng điểm, với mức tăng 0,2%. Tuy nhiên, mức tăng khiêm tốn của các cổ phiếu công nghệ không đủ để đưa chỉ số Nasdaq thoát khỏi trạng thái giảm khi kết thúc ngày giao dịch.
"Rất khó để nói chuyện này sẽ đi đến đâu", ông Brendan Erne, Giám đốc thực thi danh mục thuộc Personal Capital ở San Francisco, nhận định về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. "Đó có thể sẽ là một chặng đường dài và khó khăn, nhưng ít nhất điểm tích cực là cả hai bên đã ngồi vào bàn đàm phán".
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,3%, còn 25.656,98 điểm. S&P 500 giảm 0,17%, còn 2.856,98 điểm. Nasdaq mất 0,13%, còn 7.878,46 điểm.
Nhóm cổ phiếu năng lượng giảm 0,5% và nhóm nguyên vật liệu cơ bản giảm 0,7%, trở thành hai nhóm giảm mạnh nhất trong số các nhóm cổ phiếu ngành thuộc S&P 500. Nguyên nhân đằng sau sự sụt giảm của hai nhóm này là giá dầu thô và kim loại đi xuống do nỗi lo chiến tranh thương mại.
Nguy cơ Tổng thống Donald Trump phải đương đầu với các rắc rối chính trị mới do vụ lùm xùm pháp lý xung quanh hai cựu cố vấn cũng khiến tâm trạng của giới đầu tư bi quan.
Tuy nhiên, dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy thị trường lao động nước này vẫn tăng trưởng vững vàng, bất chấp cuộc chiến thương mại leo thang. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của người Mỹ đã có 3 tuần liên tiếp giảm.
Các nhà đầu tư cho biết họ cũng đang dành sự chú ý cho cuộc họp của các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ đang diễn ra ở Jackson Hole, Wyoming. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell sẽ có bài phát biểu tại cuộc họp thường niên này vào ngày thứ Sáu. Bài phát biểu của ông Powell được thị trường kỳ vọng sẽ có thêm những tín hiệu về đường đi của lãi suất, sau khi biên bản của cuộc họp FED gần đây nhất cho thấy FED sẽ sớm có đợt nâng lãi suất tiếp theo.
Giá cổ phiếu Hormel Foods giảm 3,1% sau khi công ty sản xuất thịt này nói rằng kết quả kinh doanh quý 2 đáng thất vọng của hãng là do ảnh hưởng của việc Trung Quốc áp thuế lên hàng Mỹ. Hormel nói thuế quan của Trung Quốc đã khiến nguồn cung thịt ở Mỹ trở nên dư thừa và giá giảm xuống.
Giá cổ phiếu của L Brands, công ty sở hữu thương hiệu đồ lót Victoria’s Secret, sụt 11,4%, xuống mức thấp nhất gần 7 năm rưỡi, sau khi công ty hạ dự báo lợi nhuận cả năm.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 1,93 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, cứ 1 mã tăng thì có 1,42 mã giảm.
Các nhà giao dịch ở Phố Wall chuyển nhượng 5,57 tỷ cổ phiếu trong phiên này, so với mức bình quân 6,35 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.