20:13 02/03/2021

Chính phủ đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu đề ra trong năm 2020

Tú Anh

Hai chỉ tiêu vượt mục tiêu gồm tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu và tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/3 - Ảnh: VGP
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/3 - Ảnh: VGP

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 2/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đã thực hiện tốt hơn các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2020 được Quốc hội giao, kết quả đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu chủ yếu. 

Hai chỉ tiêu vượt mục tiêu gồm: Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 7% (số đã báo cáo là khoảng 1%) và tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị đạt 3,88% (số đã báo cáo là 4,39%).

Bốn chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với số ước tính đã báo cáo Quốc hội gồm: Tốc độ tăng GDP đạt 2,91% (số đã báo cáo là khoảng 2-3%); Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đạt 3,23% (số đã báo cáo là dưới 4%); (Xuất siêu khoảng 20 tỷ USD, tương đương 7,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (số đã báo cáo là xuất siêu 7 tỷ USD, tương đương 2,6% tổng kim ngạch xuất khẩu); và tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,85% (số đã báo cáo là 90,7%).

"Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân tăng 3,23% (số đã báo cáo là dưới 4%), đảm bảo các nhu cầu thanh khoản, ổn định và thông suốt thị trường tiền tệ, ngoại hối", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh. 

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết các cân đối lớn được bảo đảm, cải thiện tích cực hơn, đặc biệt, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 545,4 tỷ USD, tăng 5,35% (số đã báo cáo tương ứng là 527 tỷ USD, tăng 1,8%). Thặng dư thương mại đạt khoảng 20 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, xuất siêu năm thứ 5 liên tiếp.

Năm 2020, năng suất lao động tăng 5,39% (số đã báo cáo là 4,93%); mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 44,43% (số đã báo cáo là 37,48%).

"Trong bối cảnh khó khăn, nông nghiệp khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, tăng trưởng toàn ngành đạt 2,68% (số đã báo cáo là 2,59%), cao hơn so với năm 2019 (2,01%), bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết. "Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 3,36% (số đã báo cáo là 2,5%)". 

Ông Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, các hoạt động dịch vụ vẫn tăng trưởng đạt 2,34% (số đã báo cáo là 1,4%).

Cả năm đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,348 triệu người, trong đó, tạo việc làm trong nước khoảng 1,27 triệu người và đưa trên 78.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (số đã báo cáo là giải quyết việc làm cho 1,27 triệu người).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng dẫn lời Thủ tướng trong phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày nhấn mạnh tinh thần Chính phủ khóa này chuyển giao cho Chính phủ khóa mới được minh bạch, công khai và đảm bảo tốt nhất. 

Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cho biết, đến giữa tháng 3/2021, các bộ sẽ không còn nợ đọng văn bản quy định chi tiết các Luật, và quyết tâm đảm bảo không còn nợ đọng sang Chính phủ khóa sau. 

Về tình hình dịch bệnh, các thành viên Chính phủ cơ bản nhất trí đánh giá, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng với các giải pháp đồng bộ và sự chấp hành nghiêm túc quy định phòng, chống dịch của người dân, Việt Nam vẫn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thực hiện "mục tiêu kép". 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết về đợt bùng dịch ở Hải Dương vừa qua là đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ ba ở Việt Nam và cũng là đợt mạnh nhất nhưng đã sớm được dập tắt. Mặc dù vậy, ông nhấn mạnh không được chủ quan trong bất kỳ tình huống nào.