09:29 20/05/2015

Chính phủ: Khó khăn với kinh tế còn rất lớn

Nguyễn Lê

Chính phủ nhận định tại báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội gửi đến Quốc hội

Tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định được Chính phủ nhấn mạnh là điều kiện quan trọng nhất cho sự phát triển nền kinh tế trong thời gian tới. <br>
Tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định được Chính phủ nhấn mạnh là điều kiện quan trọng nhất cho sự phát triển nền kinh tế trong thời gian tới. <br>
Với đà phục hồi tăng trưởng trong quý 1/2015, tình hình kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định, Chính phủ nhận định tại báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội gửi đến Quốc hội khóa 13.

Theo nghị trình, ở phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 9, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014 và tình hình những tháng đầu năm 2015.

Tuy nhiên, một báo cáo của Chính phủ về nội dung này luôn được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh ký và gửi đến các vị đại biểu trước ngày khai mạc. Và đây là những thông tin từ báo cáo này.

Tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định được Chính phủ nhấn mạnh là điều kiện quan trọng nhất cho sự phát triển nền kinh tế trong thời gian tới.

Tuy nhiên, những khó khăn, đối với phát triển kinh tế còn rất lớn, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh thấp, sẽ là thách thức rất lớn khi thành lập cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay, Chính phủ đánh giá

Giải thích rõ hơn cho đánh giá này, Bộ trưởng Vinh phân tích, tăng trưởng GDP quý 1/2015 đạt khá cao là do đóng góp đáng kể của ngành khai khoáng mà chủ yếu là khai thác dầu thô và than đá; công nghiệp chế biến chế tạo. Do đó, trong các quý tới nếu ngành khai khoáng không duy trì mức tăng như quý 1, thì tăng trưởng kinh tế có thể sẽ chậm lại.

Khu vực dịch vụ chưa có dấu hiệu sáng khi các ngành dịch vụ không kinh doanh hầu như không thể tăng cao hơn, ngoại trừ dư địa tăng trưởng mở ra cho ngành khách sạn nhà hàng, dịch vụ du lịch, vận tải hành khách, dịch vụ bán lẻ khi mùa du lịch bắt đầu.

Mặt khác, với quyết định điều chỉnh tăng 7,5% giá điện và tăng 10% giá xăng dầu sẽ tác động làm giảm tăng trưởng kinh tế, báo cáo viết tiếp.

Nhấn mạnh nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2015 là rất nặng nề, giải pháp đầu tiên được Chính phủ báo cáo với Quốc hội là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Trong năm nay, phải cổ phần hóa 289 doanh nghiệp nhà nước để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2011-2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng, báo cáo nêu rõ.

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng là giải pháp tiếp theo được Chính phủ xác định tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm.

Cụ thể, sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường tiền tệ quốc tế, nhất là giá trị đồng USD để có phản ứng linh hoạt trong mọi tình huống trong việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo lợi thế tốt nhất cho kinh tế đất nước.

Đồng thời, tăng dư nợ tín dụng phù hợp gắn với việc kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng. Chủ động thực hiện các giải pháp quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, tăng dự trữ ngoại tệ của nhà nước.  

Chính phủ cũng khẳng định sẽ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính. Quản lý chặt chẽ nợ công, cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm chi phí vốn vay, bảo đảm nợ công trong giới hạn theo nghị quyết của Quốc hội.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp, của nền kinh tế là giải pháp chủ yếu thứ ba được nêu tại báo cáo.

Bên cạnh tái cơ cấu nông nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng: nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản trị rủi ro,…; ban hành các chuẩn mực về hoạt động ngân hàng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Và thêm một lần Chính phủ “hứa’ sẽ phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015.