09:09 04/04/2007

Chính phủ sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp lên sàn ngoại

Hoàng Xuân

Phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh xung quanh việc doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường vốn quốc tế

"Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để cho các doanh nghiệp Việt Nam vừa nâng cao quản trị công ty, vừa hỗ trợ và có thể bảo lãnh các doanh nghiệp có thể có mặt ở thị trường vốn quốc tế" - Ảnh: TT.
"Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để cho các doanh nghiệp Việt Nam vừa nâng cao quản trị công ty, vừa hỗ trợ và có thể bảo lãnh các doanh nghiệp có thể có mặt ở thị trường vốn quốc tế" - Ảnh: TT.
Trong khuôn khổ triển khai Hiệp định khung kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore đã được Thủ tướng hai nước phê duyệt, một trong những hoạt động chính là hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và niêm yết tại các thị trường chứng khoán trong khu vực...

Trong hai ngày 2 và 3/4/2007, hội thảo đầu tiên trong chương trình hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS), về việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore, đã diễn ra tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định rằng sự kiện quan trọng này đánh dấu quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan quản lý thị trường vốn Việt Nam - Singapore và đây cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận với nguồn vốn quốc tế.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Ninh để làm rõ thêm về vấn đề này.

Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá như thế nào trước sự kiện các doanh nghiệp Việt Nam sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore?

Chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam đến năm 2010-2020 đặt ra mục tiêu tăng trưởng rất cao, để thúc đẩy việc phát triển kinh tế đó đòi hỏi một lượng vốn kinh tế khá lớn. Cuộc hội thảo này chính là bằng chứng thực hiện các cam kết và hợp tác giữa hai chính phủ. Việc kết nối nền kinh tế giữa hai nước tạo ra một cơ hội để các nhà đầu tư trong nước của chúng ta, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn lớn có cơ hội tiếp cận với thị trường vốn quốc tế thông qua Sở Giao dịch Chứng khoán của Singapore.

Bên cạnh đó, thị trường vốn của Việt Nam hiện nay phát triển cũng khá nhanh và đòi hỏi sự quản lý làm sao phát triển an toàn, lành mạnh, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả trong nước lẫn nước ngoài huy động vốn thông qua thị trường vốn này cũng đảm bảo được quyền lợi của các nhà đầu tư.

Thông qua hội thảo này, các chuyên gia trong nước và nước ngoài cũng trao đổi các kinh nghiệm để quản lý thị trường vốn của Việt Nam được tốt hơn, đảm bảo việc huy động vốn qua thị trường này đạt hiệu quả cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Vậy các doanh nghiệp Việt Nam muốn niêm yết ở thị trường chứng khoán nước ngoài có được hỗ trợ từ Chính phủ không, thưa ông?

Hiện nay, các doanh nghiệp của chúng ta đang chuẩn bị cho việc vươn ra thị trường vốn quốc tế. Tuy nhiên để làm được việc này đòi hỏi rất nhiều yêu cầu. Bản thân doanh nghiệp cũng phải tăng cường hiệu quả của chính mình, phải tăng cường việc quản trị công ty một cách minh bạch, và phải đảm bảo yêu cầu niêm yết của thị trường vốn quốc tế.

Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để cho các doanh nghiệp Việt Nam vừa nâng cao quản trị công ty, vừa hỗ trợ và có thể bảo lãnh các doanh nghiệp có thể có mặt ở thị trường vốn quốc tế.

Theo Bộ trưởng, thời điểm nào có thể đưa được doanh nghiệp đầu tiên ra niêm yết tại thị trường chứng khoán nước ngoài?

Hiện nay, chúng tôi cũng đang tạo điều kiện cho các tổ chức tư vấn nước ngoài vào để gặp gỡ, tiếp xúc với các doanh nghiệp, đồng thời bản thân các doanh nghiệp cũng đang có lộ trình thực hiện việc này rất tích cực.

Với tiến độ triển khai và phát triển tốt thế này, tôi hy vọng đầu năm 2008, các doanh nghiệp có thể có mặt trên thị trường vốn quốc tế và huy động thị trường vốn quốc tế mà không cần có sự can thiệp của Nhà nước.

Niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài đồng nghĩa với việc ra nước ngoài để huy động vốn. Bộ trưởng có lời khuyên gì với những doanh nghiệp đang lên kế hoạch niêm yết tại thị trường chứng khoán nước ngoài?

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có những đổi mới nền kinh tế thị trường, phát triển nền kinh tế đa dạng với sự nỗ lực của các thành phần kinh tế, môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng, thông thoáng, thu hút mạnh vốn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế...

Góp phần vào những thành tựu nói trên, thị trường vốn ngày càng có sự đóng góp to lớn. Việc Việt Nam gia nhập WTO khiến các doanh nghiệp chú trọng hơn đến việc huy động vốn ở thị trường quốc tế nhằm đầu tư, đổi mới trang thiết bị sản xuất, tăng cường khả năng cạnh tranh trước sự gia nhập thị trường của các đối thủ nước ngoài.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam khi niêm yết, huy động vốn ở nước ngoài sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn cả chủ quan và khách quan. Thứ nhất là do đặc thù nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi nên chế độ kế toán, kiểm toán có những điểm chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Thứ hai là khung pháp lý về chứng khoán, thị trường chứng khoán của Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế; tiêu chuẩn niêm yết trong nước còn thấp so với quốc tế; bên cạnh đó còn có nhiều chính sách liên quan khác như quản lý ngoại hối đối với các dòng tiền liên quan, rồi về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài...

Ngoài ra, các thách thức chủ quan đến từ chính bản thân các doanh nghiệp trong việc sẵn sàng đáp ứng các quy định niêm yết ở nước ngoài về công bố thông tin thường xuyên và quản trị công ty.