17:55 25/09/2023

Chính sách thân thiện với doanh nghiệp là lợi thế cạnh tranh vượt trội của Việt Nam với các nhà đầu tư Nhật Bản

Tuệ Lâm

Mizuho Bank là một trong những định chế tài chính lớn nhất của Nhật Bản thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ năm 1996. Ông Eiji Katayama, Tổng Giám đốc phụ trách Việt Nam của Ngân hàng Mizuho cho rằng các chính sách thân thiện với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chính là điểm hấp dẫn vượt trội của Việt Nam so với các quốc gia Đông Nam Á...

Ông Eiji Katayama – Tổng Giám đốc phụ trách Việt Nam của Ngân hàng Mizuho.
Ông Eiji Katayama – Tổng Giám đốc phụ trách Việt Nam của Ngân hàng Mizuho.

Trò chuyện với VnEconomy nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, ông Eiji Katayama, Tổng Giám đốc phụ trách Việt Nam của Ngân hàng Mizuho, đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã quản lý môi trường kinh tế ổn định để hỗ trợ đáng kể cho việc thúc đẩy tăng trưởng hoạt động kinh doanh. Trong nhiều năm qua, Mizuho Bank đã đóng góp lớn vào việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng (nhà máy điện, đường, cảng…) tại Việt Nam thông qua vai trò cố vấn tài chính và thu xếp cho hơn 20 dự án, cụ thể là nhà máy điện Phú Mỹ 3, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn mở rộng...

Ông đánh giá thế nào về môi trường đầu tư tại Việt Nam đối với Mizuho và cảm nhận của ông về kết quả đầu tư tại Việt Nam là gì?

Kể từ khi thành lập chi nhánh vào năm 1996, chúng tôi đã không ngừng quảng bá sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

Số lượng công ty Nhật Bản mở rộng sang Việt Nam đạt con số 1990 công ty (Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tính đến tháng 7 năm 2023) và tổng số vốn FDI từ Nhật Bản trong 10 năm qua đạt trên 45 tỷ USD. Tại thời điểm hiện tại, Ngân hàng Mizuho đang phục vụ khoảng 1.700 khách hàng là doanh nghiệp Nhật Bản.

Chúng tôi cũng đã thiết lập quan hệ với các doanh nghiệp ngoài Nhật Bản, trong đó có thể kể đến các doanh nghiệp nhà nước (SOE), các doanh nghiệp tư nhân và tập đoàn đa quốc gia (MNC). Chúng tôi đã đóng góp lớn vào việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng (nhà máy điện, đường, cảng…) tại Việt Nam thông qua vai trò cố vấn tài chính và thu xếp cho hơn 20 dự án, cụ thể là nhà máy điện Phú Mỹ 3, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn mở rộng...

Thưa ông, những thuận lợi và thách thức trong quá trình hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam cụ thể như thế nào?

Việt Nam đã khẳng định là một điểm đến với sự phát triển và tăng trưởng ổn định, liên tục và mạnh mẽ cho hoạt động kinh doanh quốc tế và đầu tư nước ngoài. Điều đó thể hiện qua nhiều điều kiện kinh doanh tích cực, bao gồm hệ thống chính trị ổn định, nhất quán về chủ trương tăng trưởng kinh tế và phát triển thị trường, dồi dào lực lượng lao động trẻ và có tay nghề cao, vị trí địa lý gần với các nền kinh tế mới nổi hàng đầu tại khu vực Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc và môi trường FDI tương đối cởi mở. Các chính sách thân thiện với doanh nghiệp của Việt Nam đã thể hiện sự nổi bật so với các quốc gia Đông Nam Á khác và đồng thời khuyến khích dòng vốn nước ngoài lành mạnh.

Với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ hậu Covid-19 (GDP đạt hơn 8% trong năm 2022), nền kinh tế Việt Nam đang vượt trội so với hầu hết các quốc gia mới nổi khác về quy mô và sức hấp dẫn, đồng thời mang lại môi trường kinh doanh vững chắc và tầm nhìn cho tương lai. Việt Nam cũng có một hệ sinh thái kinh doanh liên tục được cải thiện và đa dạng mạng lưới các hiệp định thương mại tự do cùng với các hiệp định quan trọng khác được ký kết với EU, RCEP và CPTPP cũng như nhiều quốc gia khác.

Thưa ông, mục tiêu của Mizuho tại Việt Nam trong thời gian tới là gì và kế hoạch mở rộng hoạt động cụ thể như thế nào?

Chúng tôi đã cung cấp các dịch vụ ngân hàng truyền thống như cho vay, quản lý tiền gửi và dịch vụ thanh toán ngoại tệ cũng như tư vấn các điều kiện tuân thủ với các quy định khác nhau.

 

"Với mục tiêu đã nêu là trung hòa carbon và tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Mizuho sẽ góp phần phát triển kinh tế và các ngành công nghiệp của Việt Nam cũng như thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản".

Hiện tại, ngoài các dịch vụ ngân hàng truyền thống, chúng tôi còn tập trung cung cấp các dịch vụ ngân hàng đầu tư khác như thị trường vốn vay, thị trường vốn nợ, thị trường vốn chủ và tư vấn Mua bán sát nhập (M&A), cũng như hỗ trợ chuyển đổi năng lượng. Về lĩnh vực ngân hàng đầu tư, chúng tôi được xếp hạng số 1 trong số các Định chế tài chính Châu Á (theo số liệu năm tài khóa 2022 của Dealogic), do đó có đủ năng lực cần thiết để hỗ trợ khách hàng tại Việt Nam.

Về hoạt động M&A, nhiều công ty nước ngoài mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh trong nước tại Việt Nam trong khi nhiều công ty Việt Nam đã và đang tích cực tiếp thu công nghệ, kiến thức tiên tiến và có nguồn vốn để mở rộng kinh doanh thông qua hợp tác với các công ty nước ngoài.

Chúng tôi có đội ngũ chuyên về M&A và luôn có thông tin về hơn 300 dự án đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi cung cấp thông tin trực tiếp cho các nhà đầu tư tiềm năng ở mỗi quốc gia thông qua mạng lưới rộng khắp của Mizuho không chỉ từ Nhật Bản mà còn tại Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Malaysia.

Về chuyển đổi năng lượng, Mizuho đã nâng mục tiêu về số vốn đầu tư toàn cầu vào năm 2030 lên 100 nghìn tỷ JPY (69 tỷ USD). Mặc dù có nhiều rào cản khác nhau cần vượt qua ở Việt Nam, nhưng chúng tôi sẽ góp phần hiện thực hóa một xã hội trung hòa carbon, chủ yếu trong lĩnh vực thực hiện tài trợ vốn. Vào tháng 3 vừa qua, cùng với JBIC và một số ngân hàng khu vực của Nhật Bản, chúng tôi đã cung cấp khoản vay trị giá 300 triệu USD cho Vietcombank với mục đích thông qua Vietcombank để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo.

Nhằm phù hợp với mục tiêu của Cộng đồng Châu Á không phát thải do chính phủ Nhật Bản khởi xướng, với mục tiêu đã nêu là trung hòa carbon và tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Mizuho sẽ góp phần phát triển kinh tế và các ngành công nghiệp của Việt Nam cũng như thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.

Ông kỳ vọng Chính phủ Việt Nam sẽ mở rộng cơ chế hoạt động đối với các định chế tài chính Nhật Bản nói riêng và doanh nghiệp Nhật Bản nói chung tại Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Chính phủ Việt Nam đã quản lý môi trường kinh tế ổn định để hỗ trợ đáng kể cho việc thúc đẩy tăng trưởng hoạt động kinh doanh. Chúng tôi nhận thấy rằng nhà đầu tư nước ngoài mong đợi các quy định đầu tư được nới lỏng hơn nữa, đặc biệt là quy định về Giới hạn sở hữu nước ngoài. Nhiều công ty nước ngoài hiện đang tìm cách thâm nhập vào ngành logistics, bán lẻ và chăm sóc sức khỏe. Tương tự, chúng tôi tin rằng quá trình tư nhân hóa và cổ phần hóa tại các doanh nghiệp Nhà nước cần được đẩy nhanh tiến độ. Việc tiếp thu các công nghệ và chiến lược từ nước ngoài chắc chắn sẽ giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Đồng thời, một nhiệm vụ cấp bách khác là cải thiện cơ sở hạ tầng trong nước, bao gồm nguồn cung cấp điện ổn định, cải thiện hơn nữa mạng lưới logistics và tăng cường cơ sở hạ tầng giao thông như đường cao tốc và đường sắt cao tốc. Sự phát triển đó không chỉ nâng cao chất lượng của ngành logistics mà còn tác động tích cực đến thị trường bất động sản.

Chúng tôi được biết Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2050; qua đó để đạt được mục tiêu này cần phải tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, không chỉ tập trung vào các ngành sử dụng lao động mà cả các ngành công nghệ cao để tránh bẫy thu nhập trung bình. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong việc khai thác tiềm năng để hướng tới mục tiêu này.

 

Mizuho Bank là ngân hàng có lịch sử lâu đời nhất tại Nhật Bản, với bề dày 150 năm, trở thành một trong những ngân hàng chiến lược toàn cầu (G-SIBS) với 120 văn phòng tại hơn 40 quốc gia, thiết lập quan hệ hợp tác với 70% công ty niêm yết của Nhật Bản và 80% các tập đoàn toàn cầu trong danh sách của Forbes Global 200.

Mizuho Bank thành lập chi nhánh đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1996 và tới 2006, thành lập thêm chi nhánh ở TP. Hồ Chí Minh. 

Hai thương vụ mang dấu ấn lớn của Mizuho Bank tại Việt Nam là trở thành cổ đông chiến lược của Vietcombank từ năm 2011 với tỷ lệ sở hữu 15% và cổ đông chiến lược của M-Service (MoMo) từ năm 2021 với tỷ lệ sở hữu 7,5%.