16:58 12/09/2023

JETRO: Doanh nghiệp Nhật Bản đang theo dõi chính sách tăng trưởng xanh của Việt Nam

Anh Nhi

Đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các dự án tăng trưởng xanh trong tương lai song đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) cho rằng các chính sách hút vốn của Việt Nam cần rõ ràng, dễ hiểu và dễ tuân thủ hơn…

Việt Nam - Nhật Bản vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác mang tính chất bổ sung cho nhau trong lĩnh vực tăng trưởng xanh.
Việt Nam - Nhật Bản vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác mang tính chất bổ sung cho nhau trong lĩnh vực tăng trưởng xanh.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Việt Nam và Nhật Bản hợp tác hướng tới tăng trưởng xanh” ngày 12/9, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam cho biết, tăng trưởng xanh là xu hướng phù hợp với bối cảnh hợp tác thế hệ mới giữa hai nước.

“Những năm 70 của thế kỷ trước, Nhật Bản cũng trải qua thời kỳ tăng trưởng cao và đối mặt với vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng. Với kinh nghiệm đi trước, Nhật Bản có thể chia sẻ kinh nghiệm để giúp Việt Nam hướng tới tăng trưởng bền vững trong tương lai”, ông Takeo nói.

Khảo sát của JETRO cho thấy, có khoảng 60% doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu mở rộng đầu tư tại Việt Nam, cao hơn so với tỷ lệ trung bình của khu vực ASEAN. Tuy nhiên, tỷ lệ hiệu ứng nhà kính ở Việt Nam lại cao hơn so với các quốc gia khác (đo trên quy mô kinh tế và mức độ dân cư). Chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) của Việt Nam đạt mức 20,1 điểm (thấp hơn cách đây 10 năm 0,6 điểm), thấp hơn rất nhiều so với Singapore (50,9), Trung Quốc (28,4) và Bangladesh (23,1)… Đây là thách thức khó tránh khỏi trong tăng trưởng kinh tế, đòi hỏi Việt Nam phải sớm có giải pháp và hành động quyết liệt.

CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA ĐỂ THÚC ĐẨY HỢP TÁC

Nhắc lại cuộc hội thảo cấp cao về kinh tế Việt – Nhật gần đây, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang cho biết Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến định hướng mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước đó là hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.

“Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua đã có nhiều chương trình hợp tác trong lĩnh vực tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, hai nước vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác mang tính chất bổ sung cho nhau,” bà Trang nhận định.

Chia sẻ về hợp tác Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị nhận định sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần quan trọng trong tái cơ cấu nền nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam. Trong giai đoạn 2020-2025, Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, kiểm dịch động thực vật, phòng chống thiên tai, phát triển thuỷ lợi...

Chỉ số Hiệu quả môi trường (EPI) của một số quốc gia theo báo cáo EPI 2022.
Chỉ số Hiệu quả môi trường (EPI) của một số quốc gia theo báo cáo EPI 2022.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, trong những năm gần đây, Nhật Bản ngày càng mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 2020 đạt gần 240 triệu USD với 42 dự án, đứng thứ 6 trong các đối tác đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam. Đầu tư của Nhật Bản đạt trung bình khoảng 6 triệu USD/dự án và có dự án đạt gần 80 triệu USD. Mối quan hệ hợp tác song phương giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ tạo ra nhiều không gian hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có nhu cầu và Nhật Bản có thế mạnh như chuyển đổi số, nông nghiệp xanh, tăng trưởng xanh...

“Nhật Bản là nước có nhiều kinh nghiệm trong phát triển hệ sinh thái nông nghiệp an toàn, bền vững, thuận theo tự nhiên, do đó sự hợp tác và hỗ trợ của Nhật Bản là rất quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn của Việt Nam,” Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.

CẦN CHÍNH SÁCH ỔN ĐỊNH TRONG DÀI HẠN

Dù còn nhiều dư địa cho hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực tăng trưởng xanh song Việt Nam cần có chính sách hấp dẫn để hút vốn đầu tư vào tăng trưởng xanh.

Tính đến tháng 8/2023, Nhật Bản đang đầu tư vào 5.168 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 71 tỷ USD. Nhật Bản hiện đứng thứ ba trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản cũng ngày càng quan tâm vào các việc triển khai các dự án về tăng trưởng xanh ở Việt Nam.

“Các doanh nghiệp vẫn đang theo dõi, chờ đợi cơ hội từ các chính sách về tăng trưởng xanh của Việt Nam để có thể yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này,” ông Nakajima Takeo chia sẻ.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo. 
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo. 

Theo đó, để hút vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng vào các lĩnh vực giải quyết các vấn đề cấp bách tại Việt Nam như chất lượng nước, ô nhiễm không khí, quản lý chất thải, tái chế, hiệu suất năng lượng và khí thải carbon… JETRO khuyến nghị Chính phủ Việt Nam thực hiện quy định về môi trường nghiêm ngặt hơn, mở rộng trách nhiệm môi trường của các nhà sản xuất và đẩy nhanh sự chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Còn theo bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2012-2020, Việt Nam đã huy động được 11,5 tỷ USD cho tăng trưởng xanh; trong đó vốn từ ngân sách nhà nước là 2,5 tỷ USD (tập trung cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long) và vốn từ khu vực tư nhân nước ngoài là 9 tỷ USD (tập trung trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và đầu tư trang thiết bị cho tăng trưởng xanh).

“Cơ cấu vốn như vậy cho thấy khu vực tư nhân giữ vai trò quan trọng trong phát triển xanh. Vì vậy, trong chiến lược thu hút FDI vừa được phê duyệt, Việt Nam đã xác định định hướng để hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh trong những lĩnh vực như công nghệ cao, phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, kết nối chuỗi giá trị…”, bà Hiếu cho biết.