Chính thức bàn giao SCIC về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước
Việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra khỏi cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp
Sau khi tiếp nhận SCIC, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan chỉ đạo đơn vị tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng được vị trí, nhiệm vụ, vai trò được giao.
Ngày 12/11 đã diễn ra Lễ ký biên bản bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ Bộ Tài chính về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo phân công của Chính phủ, thời gian qua Bộ Tài chính đã thực hiện chức năng của chủ sở hữu nhà nước đối với SCIC.
Việc hình thành SCIC có chức năng chủ yếu là tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đầu tư, kinh doanh, quản lý vốn nhà nước theo cơ chế thị trường và theo nhiệm vụ Nhà nước giao; cung cấp các dịch vụ tài chính… cũng đã góp phần đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước từ cơ chế hành chính sang phương thức đầu tư, kinh doanh vốn.
"Sau khi chuyển giao về Ủy ban, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng với nỗ lực của SCIC cũng như sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành, địa phương thì SCIC sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được thời gian qua, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo chủ trương của Ðảng", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cũng đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực của Bộ Tài chính trong suốt quá trình chuẩn bị và chính thức chuyển giao SCIC về Ủy ban.
Trong số 19 doanh nghiệp do Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, SCIC là một trong những doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong quản lý, sử dụng, bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Sau khi tiếp nhận SCIC, Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan chỉ đạo đơn vị tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng được vị trí, nhiệm vụ, vai trò được giao. Đồng thời tiếp tục sắp xếp, đổi mới tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên theo các phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc bàn giao các doanh nghiệp nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một sự thay đổi lớn, thể chế hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Qua đó, khắc phục những tồn tại, hạn chế của mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước hiện nay bằng việc hình thành một cơ quan đại diện chủ sở hữu chuyên trách, chuyên nghiệp và có trách nhiệm giải trình đầy đủ.
Bên cạnh đó, việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước là cần thiết để kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, còn tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước tập trung năng lực vào thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước ngày càng phức tạp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.