16:30 11/11/2009

Chính thức cho phép nhập khẩu vàng để can thiệp thị trường

Minh Đức - Kiều Oanh

Cuối chiều 11/11, Ngân hàng Nhà nước chính thức thông báo cho phép nhập khẩu vàng với khối lượng phù hợp “đủ để can thiệp thị trường”

Bản tin vừa được phát trên website Ngân hàng Nhà nước.
Bản tin vừa được phát trên website Ngân hàng Nhà nước.
Cuối chiều 11/11, Ngân hàng Nhà nước chính thức thông báo cho phép nhập khẩu vàng với khối lượng phù hợp “đủ để can thiệp thị trường”.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong vài ngày gần đây, giá vàng trong nước liên tục tăng mạnh, nguyên nhân chính là do giá vàng thế giới tăng cao, thời điểm cao nhất đạt mức 1.112 USD/oz vào ngày 9/11/2009.

“Ngoài ra, lợi dụng diễn biến bất ổn của giá vàng thế giới và tâm lý lo ngại giá vàng thế giới tiếp tục tăng của người dân, giới đầu cơ trong nước đã đẩy giá vàng lên cao, thậm chí còn cao hơn giá vàng thế giới”, Ngân hàng Nhà nước nhận định.

Để ổn định thị trường, chống đầu cơ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho phép nhập khẩu vàng với khối lượng phù hợp đủ để can thiệp thị trường.

Ngoài ra, cơ quan này cũng khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trước quyết định mua vàng của mình trong thời điểm giá vàng thế giới biến động phức tạp và có yếu tố đầu cơ trục lợi như hiện nay.

Như vậy, sau khi ngừng nhập khẩu vàng từ tháng 5/2008 đến nay để hạn chế nhập siêu, hoạt động này bắt đầu được nối lại, dự kiến từ ngày 12/11 với sự vào cuộc của một số đầu mối lớn như Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Nông nghiệp…

Trả lời VnEconomy, đại diện các đầu mối lớn cho biết hiện chưa nhận được văn bản hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, họ cho biết đã sẵn sàng nhập cuộc, khi chủ trương được thông qua.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á châu (ACB), cho rằng việc nối lại hoạt động nhập khẩu vàng hiện nay là bình thường, bởi thị trường và hoạt động của doanh nghiệp cần có xuất và có nhập để cân bằng. Mặt khác, do giá vàng trong nước đã vượt xa giá vàng thế giới, việc nhập khẩu sẽ góp phần bình ổn, hạn chế sự chênh lệch hiện nay.

“Hiện nay việc nhập khẩu vàng đối với doanh nghiệp hay ACB thì không có gì khó khăn. Các đối tác đã có, đơn hàng sẽ nhanh chóng xây dựng, khả năng tài chính đảm bảo và thời gian nhập vàng về cũng khá nhanh”, ông Toại nói.

Tuy nhiên, một số lo ngại đặt ra là hoạt động nhập khẩu vàng nối lại có thể gây áp lực đối với nhập siêu và cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Điều này phụ thuộc vào hạn ngạch cụ thể. Bên cạnh đó, theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, nguồn vàng trong nước hiện nay không quá thiếu, mà chủ yếu do hoạt động đầu cơ và yếu tố tâm lý đẩy nhu cầu lên cao.

Về khả năng cung ứng và giao dịch trong hoạt động nhập khẩu, ông Lê Văn Đức, cán bộ phụ trách kho ngoại quan vàng của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết, với lợi thế của kho ngoại quan tại Tp.HCM, hoạt động này chỉ mất khoảng 1 ngày để có thể tiếp sức cho thị trường.

Ông Đức cho biết, hiện SJC đã hợp tác với Công ty Brink’s Global Services - công ty đảm bảo tiếp vận toàn cầu của Mỹ, để rút ngắn quy trình trên. Cụ thể, Công ty Brink’s sẽ là đầu mối nhận ủy quyền của các nhà cung cấp hàng trên thế giới, kỳ gửi vàng tại kho ngoại quan của SJC và cũng được ủy quyền để giao dịch và thực hiện các thủ tục với các đối tác nhập khẩu trong nước. Các nhà nhập khẩu theo đó cũng sẽ chủ động hơn về thời điểm nhận hàng, thay vì thụ động và mất thời gian như trước đây.

Trước đó, một số nguồn tin từ các doanh nghiệp kim hoàn cho biết, một lý do quan trọng khiến giá vàng hạ nhiệt mạnh trong chiều 11/11 là do sự lan truyền nhanh chóng thông tin Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận đề xuất nối lại nhập khẩu vàng.

Trưa nay, khi đạt đỉnh 29,3 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước đã cao hơn giá vàng thế giới 3,6 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch giá lớn như vậy dẫn tới câu hỏi liệu có chuyện vàng nhập lậu tràn vào thị trường trong nước, giúp giới buôn vàng lậu kiếm lợi nhuận cao.

Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp kim hoàn phía Nam cho biết, hiện các cơ quan chức năng đang siết chặt việc sản xuất vàng miếng. Theo đó, các xưởng dập vàng miếng muốn được dập vàng thì vàng nguyên liệu phải có xuất xứ rõ ràng. Trong khi đó, vàng nhập lậu là vàng thô, lại không có xuất xứ, nên rất khó được dập thành vàng miếng để bán ra thị trường.