15:55 21/03/2022

Chính thức siết thuế trực tuyến từ "ông lớn" Google, Facebook

Ánh Tuyết

Ngày 21/3, Tổng cục Thuế kích hoạt Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, Google, Facebook, Youtube... thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn và các đại biểu thực hiện nghi lễ kích hoạt công bố triển khai Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn và các đại biểu thực hiện nghi lễ kích hoạt công bố triển khai Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.

Ngày 21/3, tại Hà Nội, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.

NAN GIẢI CHỐNG LỖ HỔNG THẤT THU THUẾ

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong những năm qua, Bộ Tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng đã tập trung triển khai các giải pháp chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý cũng như nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thương mại điện tử đang ngày càng phát huy được lợi thế, đóng vai trò vô cùng quan trọng, trở thành một phương thức kinh doanh mới và ngày càng trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu.

Đáng chú ý, "hoạt động thương mại điện tử nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới vì những đóng góp to lớn đối với tăng trưởng kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát những năm vừa qua", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu chào mừng và chỉ đạo hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu chào mừng và chỉ đạo hội nghị.

Tại Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử hiện đang trong giai đoạn bùng nổ với mức tăng trưởng hàng năm ở mức rất cao.

Vì vậy, “cần có những thích ứng phù hợp, kịp thời, không chỉ nhằm quản lý hiệu quả mà còn tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời, tạo sân chơi bình đẳng giữa loại hình kinh doanh truyền thống và hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, giữa hoạt động kinh doanh trong nước và hoạt động kinh doanh xuyên biên giới”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

 

Theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Google đưa ra những nhận định về khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

Thời gian qua, Tổng cục Thuế chủ động nghiên cứu, đề xuất, triển khai khẩn trương các giải pháp để chống thất thu thuế thương mại điện tử.

Theo đó, Tổng cục Thuế tham mưu xây dựng hệ thống cơ chế chính sách pháp luật, tạo hành lang pháp lý trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, đồng thời, góp phần tạo ra sự công bằng, minh bạch đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên,với đặc thù của các nhà cung cấp ở nước ngoài là không có cơ sở thường trú ở Việt Nam, các hoạt động kinh doanh chủ yếu thông qua môi trường số và trên các ứng dụng internet…

Do đó, các hình thức đăng ký, kê khai, nộp thuế truyền thống như trước đây sẽ không còn phù hợp và khó thực hiện, đồng thời, ngân sách thất thu "khủng" trước sự phát triển như vũ bão của hoạt động thương mại điện tử.

Vì vậy, để đáp ứng tốt với tình hình mới, nâng cao hiệu quả quản lý thuế cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước trong quá trình kinh doanh, Tổng cục Thuế chủ động nghiên cứu, xây dựng cổng thông tin dành riêng cho nhà cung cấp nước ngoài.

Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, đây không chỉ là địa chỉ để nhà cung cấp nước ngoài thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế mà còn là nơi nhà cung cấp nước ngoài có thể tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế và các chính sách pháp luật liên quan về lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.

QUẢN LÝ THUẾ BÁM ĐUỔI KINH DOANH XUYÊN BIÊN GIỚI

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, ngay sau sự kiện này, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục triển khai và phối hợp với các đơn vị triển khai các nhóm nhiệm vụ để vận hành thông suốt các ứng dụng và tiếp tục hoàn thiện những hạn chế (nếu có phát sinh) để hoàn thiện, phát triển thêm các dịch vụ thuế số hiện đại, an toàn cho người dân, doanh nghiệp và đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý thuế.

Cụ thể, một là, Tổng cục Thuế tiếp tục duy trì, vận hành hệ thống Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đảm bảo hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt 24/7.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và các kênh thông tin nhằm hỗ trợ người nộp thuế tiếp cận đầy đủ, dễ dàng và sử dụng các dịch vụ thuế điện tử trong quá trình thực hiện chính sách, nghĩa vụ thuế.

Hai là, tăng cường hỗ trợ, thường xuyên rà soát, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế của các nhà cung cấp nước ngoài để đảm bảo tính tuân thủ pháp luật và sự công bằng, minh bạch trong việc thực hiện nghĩa vụ với nhà nước.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp, tích hợp, bổ sung các tính năng, tiện ích mới, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà cung cấp nước ngoài trong quá trình thực hiện, chấp hành chính sách pháp luật thuế và nghĩa vụ về thuế tại Việt Nam.

Từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xuyên biên giới dựa trên nền tảng số, thích ứng kịp thời với sự phát triển và các mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh mới trong thời đại chuyển đổi số nhanh chóng trên toàn cầu hiện nay. 

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn khẳng định, với mục tiêu lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ, với sự quyết tâm, nỗ lực cao của ngành thuế và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là các nhà cung cấp nước ngoài, việc vận hành đưa vào triển khai hoạt động Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài sẽ đem lại hiệu quả to lớn, tạo tiền đề tốt để ngành thuế nói riêng và ngành tài chính nói chung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.

Đồng thời, ngành Thuế rất mong tiếp tục nhận được sự phối hợp, đồng hành, hỗ trợ của Bộ Tài chính và các bộ, ban, ngành Trung ương, sự phối hợp, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố để cùng với ngành thuế triển khai thực hiện thành công các dịch vụ thuế điện tử cho người dân, doanh nghiệp, người nộp thuế, cũng như triển khai thành công các chương trình, chiến lược chuyển đổi số ngành tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng trong thời gian tới.

Từ đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế thông qua việc tăng cường cung cấp các dịch vụ thuế điện tử để đồng hành, hỗ trợ người nộp thuế tốt hơn. Đồng thời, góp phần thực hiện thành công “Chiến lược chuyển đổi số quốc gia theo chủ trương của Đảng, Chính phủ”.