23:31 02/11/2017

Chính thức xin lùi áp dụng chương trình học và sách giáo khoa mới

Nguyễn Lê

Chính phủ chính thức trình Quốc hội điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày tờ trình tại Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày tờ trình tại Quốc hội.

Chiều 2/11, Chính phủ chính thức trình Quốc hội điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới tại Nghị quyết số 88 ngày 28/11/2014 của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày, dù Nghị quyết 88 của Quốc hội có từ cuối năm 2014 tới nay nhưng kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế, bất cập.

Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa được ban hành để làm căn cứ biên soạn sách giáo khoa, thời gian thực tế để hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới cần nhiều hơn khoảng 1 năm so với dự kiến, việc chuẩn bị điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn.

"Nếu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ngay từ năm học 2018 - 2019 sẽ khó yên tâm về chất lượng"- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phân trần.

Theo Bộ trưởng, nếu thực hiện theo đúng lộ trình của Nghị quyết 88 thì việc chuẩn bị giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp gặp nhiều khó khăn. Trong 3 năm học đầu tiên của lộ trình, mỗi năm học đều phải triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở 3 lớp thuộc ba cấp học khác nhau, trong khi 2 năm học cuối của lộ trình mỗi năm học chỉ triển khai thêm ở 1 hoặc 2 lớp ở cấp tiểu học.

Lý do khác là vì thực hiện việc đổi mới, sắp xếp bộ máy chính trị, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, Chính phủ cần có thời gian để chỉ đạo triển khai các nghị quyết này trong ngành giáo dục, đánh giá tác động của chính sách đối với việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và có biện pháp giải quyết.

Theo đó, Chính phủ muốn bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới so với kế hoạch đã đề ra từ năm 2019 thay cho 2018, thực hiện cuối chiếu đối với cấp tiểu học (từ năm học 2019 -2020), đối với cấp trung học cơ sở (từ năm học 2020 – 2021) và đối với cấp trung học phổ thông (từ năm học 2021 – 2022).

Như vậy, so với lộ trình ban đầu, việc bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ở cấp tiểu học chậm 1 năm, ở cấp trung học cơ sở chậm 2 năm và ở cấp trung học phổ thông chậm 3 năm.

Bộ trưởng Nhạ thuyết phục Quốc hội rằng, kinh phí thực hiện xây dựng, biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa theo lộ trình đã điều chỉnh cũng không phát sinh do thời gian để tất cả các lớp trên phạm vi cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới vẫn là 5 năm.

Phương án mới sẽ có nhiều thời gian hơn để địa phương rà soát, sắp xếp, điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; ưu tiên ngân sách địa phương và tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư bổ sung cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông bảo đảm đồng bộ, đồng tốc với lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.

Đa số thành viên đồng ý đề xuất lùi thời gian của Chính phủ nhưng cơ quan thẩm - Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, thực tế đã qua 3 năm triển khai nghị quyết 88 của Quốc hội nhưng việc chuẩn bị có nhiều hạn chế. Phần công việc cần triển khai trước khi áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới trên phạm vi cả nước còn rất nhiều.

Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho biết, trong uỷ ban thẩm tra có nhiều đại biểu băn khoăn về tính khả thi của lộ trình điều chỉnh Chính phủ nêu ra và đề nghị bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới mới từ năm học 2020-2021, chậm lại 2 năm thay vì chỉ lùi 1 năm như phương án được trình.

Vì, các công việc liên quan đến xây dựng chương trình và sách giáo khoa trong thời gian tới còn rất nhiều, bao gồm: xây dựng chương trình môn học, hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định sách giáo khoa và tài liệu giáo dục chung và của địa phương; giảng dạy thí điểm, rút kinh nghiệm, điều chỉnh sách giáo khoa và triển khai đại trà.