08:57 31/08/2007

Chống biến đổi khí hậu, nhiệm vụ cấp bách của thế giới

Quốc Trung

Hội nghị của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu đã cảnh báo tình trạng thiếu lương thực do thiên tai và vấn đề hiệu ứng nhà kính

Kể từ giữa thế kỷ thứ 20 vừa qua, nhiệt độ trái đất gia tăng làm biến đổi bộ mặt trái đất.
Kể từ giữa thế kỷ thứ 20 vừa qua, nhiệt độ trái đất gia tăng làm biến đổi bộ mặt trái đất.
Hội nghị của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu vừa khai mạc tại Vienna (Áo), đã cảnh báo tình trạng thiếu lương thực do thiên tai và việc thế giới phải tốn thêm hàng trăm tỷ USD so với dự kiến để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Hội nghị bắt đầu từ ngày 27/8, với 1.000 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới. Trong 1 tuần, Hội nghị sẽ bàn biện pháp đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Không còn nhiều thời gian bàn thảo

Bộ trưởng Môi trường nước chủ nhà Josef Proell nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là một thách thức lớn chỉ có thể giải quyết ở cấp độ toàn cầu và theo một cách thức thống nhất.

Ông cho rằng thế giới không còn nhiều thời gian để bàn thảo, đưa ra các thỏa thuận khung phù hợp cho việc chống lại sự biến đổi khí hậu, trong khi những thiệt hại về người và của đang gia tăng hàng năm.

Uỷ ban Liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC) đã cảnh báo, kể từ giữa thế kỷ thứ 20 vừa qua, nhiệt độ trái đất gia tăng làm biến đổi bộ mặt trái đất. Nguyên nhân chủ yếu là do hiệu ứng nhà kính, hậu quả xuất phát từ hoạt động sản xuất trên trái đất.

Thiên tai, hạn hán gây mất mùa làm nguy cơ đói kém gia tăng. Khoảng 20 đến 30% các loài thực, động vật sẽ có nguy cơ tuyệt chủng trong trường hợp khí hậu trái đất gia tăng 1,5-2,5 độ Celcius, so với năm 1990.

Tại nam châu Phi, những đợt khô hạn và lụt lội sẽ gia tăng. Tình hình lốc xoáy sẽ trầm trọng hơn khi tốc độ gió và mưa lớn sẽ xảy ra ở diện rộng hơn. Châu Á, lũ lụt, hạn hán nghiêm trọng, dịch bệnh hoành hành dẫn đến đói kém.

Theo bản phúc trình của IPCC thì đến cuối thế kỷ này khối băng ở biển Bắc cực sẽ giảm từ 22 đến 33%. Tình trạng khô hạn dẫn đến khan hiếm nước và năm 2050 sẽ có hơn một tỷ người trên thế giới thiếu nước ngọt.

Ngày 28/8, một báo cáo trình Hội nghị khung về thay đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (UNFCCC) cho biết, khoản đầu tư mà loài người dành để kiểm soát lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ phải lớn hơn nhiều so với dự tính từ 200 - 210 tỷ USD đến năm 2030.

Yvo de Boer, Thư ký chấp hành của Hội nghị cho biết, các nước đang phát triển chiếm phần lớn mức đầu tư tài chính tăng lên đó, do kinh tế của các nước này phát triển nhanh. Chính phủ các nước cần đưa ra những chính sách mới và phải thay đổi phương thức sử dụng ngân sách của mình, để có thể kiểm soát được lượng khí thải CO2, theo yêu cầu của Nghị định thư Kyoto.

Báo động bất ổn an ninh lương thực

Phúc trình IPCC đưa ra cảnh báo là đến năm 2080 sẽ có 200 đến 600 triệu người bị nạn đói đe dọa. Đến giữa thế kỷ này, năng suất các loại ngũ cốc tại châu Á sẽ giảm đến 30%.

Năm nay, những cơn mưa trái mùa ở châu Âu cùng với nạn hạn hán kéo dài ở châu Đại Dương đã làm sản lượng ngũ cốc thế giới sụt giảm mạnh. Theo tính toán của Hội đồng Ngũ cốc quốc tế (CIC), sản lượng lúa mỳ thế giới năm 2007 ước tính chỉ đạt 607 triệu tấn và có thể còn thấp hơn, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại có thể vượt mức 617 triệu tấn và có xu hướng tiếp tục tăng trong những năm tới, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Dự trữ lương thực thế giới hiện đang ở mức thấp nhất trong 28 năm qua. Theo ông Philippe Pinta, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất lúa mỳ và ngũ cốc thế giới, dự trữ lương thực của Liên minh châu Âu (EU) chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khu vực này trong 2 tháng rưỡi.

Riêng tại Pháp, năm nay là năm thứ 3 liên tiếp phải chứng kiến cảnh những cánh đồng lúa mỳ thất bát. Bộ Nông nghiệp Pháp thông báo, sản lượng lúa mỳ năm nay của nước này chỉ có thể đạt 32,5 triệu tấn, thấp hơn 2,5% so với năm 2006.

Ở Australia, sản lượng ngũ cốc năm nay đã giảm từ 25 triệu tấn xuống còn 10 triệu tấn. Ukraine cũng phải hạ chỉ tiêu xuất khẩu lương thực từ 6,5 triệu tấn năm 2005 xuống dưới mức 2,5 triệu tấn, để bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Mỹ và Đức cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng bất ổn về lương thực.

Ấn Độ và Trung Quốc tuy năm nay đạt được sản lượng lúa mỳ cao hơn, nhưng do năm ngoái đã gặp nhiều khó khăn nên các nước này vẫn tiếp tục nhập khẩu thêm nhiều lúa mỳ. Ở Mỹ, một đấu lúa mỳ (khoảng 27kg) đã được bán với giá hơn 7,25 USD; ở Pháp, vọt lên 229 Euro/tấn.

Các chuyên gia lương thực cảnh báo, nếu thế giới không có chiến lược phù hợp đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, tình trạng bất ổn an ninh lương thực sẽ ngày càng trầm trọng, kéo theo sự bùng nổ về giá cả.