17:07 11/11/2011

Chống rửa tiền: Chỉ ngân hàng thì không ổn

Bảo Anh

Một cơ quan phòng, chống rửa tiền cấp quốc gia vẫn chưa được đề cập đúng nghĩa trong dự thảo luật phòng, chống rửa tiền

Các đại biểu cho rằng, nếu chỉ giao cho mỗi Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối thì hiệu quả của phòng, chống rửa tiền khó mà đạt được.
Các đại biểu cho rằng, nếu chỉ giao cho mỗi Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối thì hiệu quả của phòng, chống rửa tiền khó mà đạt được.
Hoạt động rửa tiền ngày nay không chỉ diễn ra trong các giao dịch ngân hàng mà có thể là trong mua bán bất động sản, chứng khoán, tham nhũng và thậm chí là mua bán ma túy...

Nhận định trên được khá nhiều các đại biểu đưa ra tại buổi thảo luận tổ về dự án Luật Phòng chống rửa tiền, hôm 9/11 vừa qua.

Tại buổi thảo luận của đoàn Hà Nội, đại biểu - Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến (Tổng cục Cảnh sát) cho rằng, dự luật còn nhiều vấn đề cần phải sửa, nhiều vấn đề lủng củng, không rõ ràng trong việc nêu phạm vi áp dụng cũng như mục tiêu bao quát.

Đặc biệt, với việc quy định tổ chức đầu mối phòng chống rửa tiền là một văn phòng thuộc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Tuyến cho rằng không hợp lý và chưa thể hiện được vai trò quan trọng của phòng, chống rửa tiền. Bởi, ở nhiều nước trên thế giới có hẳn một cơ quan, lực lượng cảnh sát điều tra về loại tội phạm này.

Không những thế, dự luật dường như lại thể hiện một số mâu thuẫn với luật khác, vì với một số hoạt động sản xuất kinh doanh, một số luật khác không yêu cầu phải khai báo, nhưng dự luật này lại yêu cầu phải báo cáo với cơ quan phòng, chống rửa tiền.

Thế nhưng, với việc liệt kê phần lớn các hoạt động giao dịch, mở tài khoản qua hệ thống ngân hàng mới đưa vào diện “đáng ngờ” rửa tiền, rõ ràng dự luật khó mà kiểm soát được hết hoạt động rửa tiền.
 
“Thực tế, qua 6 năm gia nhập WTO, nhưng lực lượng cảnh sát chúng tôi chưa phát hiện được vụ rửa tiền nào”, Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến cho hay.

Đồng quan điểm với đại biểu Tuyến, đại biểu Trịnh Thế Khiết cho rằng, dự luật nêu “cơ quan quản lý phòng chống rửa tiền do Ngân hàng Nhà nước chủ trì” là chưa hợp lý, vì nếu để “phá” một vụ rửa tiền, thường phải có sự tham gia của khá nhiều bên như cảnh sát, tài chính, tư pháp...

Tại buổi thảo luận chiều cùng ngày của đoàn Tp.HCM, vấn đề cơ quan chủ quản đầu mối phòng chống rửa tiền cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Đại biểu Hoàng Hữu Phước cho rằng, Luật Phòng, chống rửa tiền nên được thông qua càng sớm càng tốt bởi, ngay trong quy mô một doanh nghiệp, vấn đề này cũng được đặc biệt quan tâm từ nhiều năm trước.
 
“Năm 2002 tôi làm giám đốc nhân sự của công ty Manulife nhưng đã phải căng đầu ra để làm các nội dung xoay quanh phòng, chống rửa tiền, chứng tỏ lãnh đạo các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài họ rất chú ý đến loại tội phạm này”, đại biểu Phước nói.

Trong khi đó, theo đại biểu Đỗ Văn Đương, rửa tiền hiểu “nôm na” là làm cho tiền từ “bẩn thành sạch”, và ngay trong Luật Hình sự năm 1999, rồi 2009 (sửa đổi) cũng đã đề cập đến điều này.

Tuy nhiên, theo đại biểu Đương, dù nền kinh tế của chúng ta từ trước đến nay là nền kinh tế tiền mặt, nhưng rửa tiền hiện nay lại không hẳn đã thông qua ngân hàng nhiều. Thay vào đó, các hành vi rửa tiền được thông qua buôn bán bất động sản, ma túy, tham nhũng, biếu xén...

Cũng chính vì hoạt động rửa tiền ngày một tinh vi, phức tạp nên theo đại biểu này, dự luật không nên giao cho đơn vị của Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối, thay vào đó nên giao cho Bộ Công an chủ trì xây dựng.

“Thế giới hiện có 4 mô hình thì có đến 3 là giao cho các cơ quan thực thi pháp luật, mô hình còn lại cũng phải có cơ quan điều tra riêng. Tội phạm rửa tiền hiện nay không dại gì rúc đầu vào rọ vì sẽ bị phát hiện ngay”, đại biểu Đương nói.

Từ nhìn nhận trên, đại biểu Đương kiến nghị dự luật cần phải làm rõ một số khái niệm để có thể xác định được mọi hành vi rửa tiền cũng như quy trình quản lý nhà nước để phát hiện, phòng ngừa rửa tiền từ các hoạt động, các vụ án khác.

“Rửa tiền hiện nay không chỉ thông qua hệ thống ngân hàng, nhưng dự luật đã cho thấy mâu thuẫn ngay trong câu từ khi quy định cơ quan phòng, chống rửa tiền là một “trung tâm quốc gia” nhưng sau đó lại nêu rằng “thuộc Ngân hàng Nhà nước”. Phải có sự tham gia của liên bộ, ngành..., còn ngân hàng chỉ có chuyên môn về tài chính, tiền tệ, không có chức năng điều tra, xử lý...”, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh nhìn nhận.