08:51 09/07/2007

Chống tham nhũng: “Vấn đề là giám sát người đứng đầu”

Đức Thành

Trao đổi với ông Mai Quốc Bình, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng

"Cổng thông tin điện tử phục vụ cho phòng chống tham nhũng cũng là một “kênh” để quần chúng phản ánh cho chúng tôi những vấn đề tiêu cực đang diễn ra, phát sinh tại địa phương" - Ảnh: VNN.
"Cổng thông tin điện tử phục vụ cho phòng chống tham nhũng cũng là một “kênh” để quần chúng phản ánh cho chúng tôi những vấn đề tiêu cực đang diễn ra, phát sinh tại địa phương" - Ảnh: VNN.
Thanh tra Chính phủ vừa kết thúc việc kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng tại 17 tỉnh, thành phố. Kết quả cho thấy, tại nhiều địa phương công tác phòng, chống tham nhũng chưa đi vào chiều sâu, chưa phát huy hiệu quả, số vụ việc tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện, đưa ra xử còn ít.

Dưới đây là cuộc trao đổi của chúng tôi với ông Mai Quốc Bình, Phó tổng Thanh tra thường trực, Cục trưởng Cục phòng, chống tham nhũng Thanh tra Chính phủ về vấn đề này.

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay chúng ta vẫn chưa có một cơ chế phát hiện sớm tham nhũng, lãng phí kể cả ở cấp Trung ương và địa phương? Qua việc kiểm tra ở địa phương xử lý mới đây, ông nhận thấy vấn đề này như thế nào?

Đúng là qua việc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm ở một số địa phương, bộ ngành chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiêu khê, sự chuyển động trong phòng chống tham nhũng chưa mạnh.

Vấn đề ở đây là làm sao lãnh đạo cấp cao cho đến địa phương, các ngành phải thực sự nhập tâm trong công tác phòng chống tham nhũng, từ nhập tâm đó thông qua chỉ đạo bằng văn bản thì vận dụng sáng tạo hơn. Còn nếu biến nó thành hành chính, có nghĩa là nhận thức chỉ đi từ bên ngoài vào và bắt buộc thực hiện thì chắc chắn sẽ không hiệu quả.

Trong quá trình đi thanh tra các địa phương, thanh tra Chính phủ báo cáo, tổng kết và kiến nghị những nơi nào làm tốt sẽ biểu dương còn nơi nào làm chưa tốt sẽ nêu rõ những hạn chế để từng bước tác động cho cấp địa phương tự giác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thưa ông, dư luận rất bức xúc với tình trạng đấu tranh kém hiệu quả, có nhiều vụ việc điều tra, xử lý quá chậm?

Mong muốn của chúng ta là phát hiện tham nhũng phải kịp thời và xử lý nhanh chóng. Điều này không phải chỉ là mong muốn của dân, mà còn là của Đảng và Chính phủ.

Thế nhưng nếu đối chiếu với thực tế thì rõ ràng quá trình bắt tay vào cuộc cho đến kết thúc thường kéo dài. Chính từ sự chậm trễ này khiến nhân dân ngờ vực nhưng thực ra trong quá trình điều tra, để xử lý cần phải xuất phát từ thực tiễn. Có những vụ, thông tin ban đầu đưa lên cao quá, nhưng khi vào cụ thể điều tra thì lại không phải như vậy, ngược lại có việc phát hiện ban đầu nhỏ nhưng khi điều tra thì lại rất lớn lớn.

Đúng là quy trình xử lý từ lúc nắm bắt đến kết quả rất chậm. Do đó đặt ra yêu cầu phải xử lý nhanh, tôi cũng thống nhất là cần phải có cơ chế, cách phối hợp sao cho xử lý nhanh chóng, thông tin kịp thời cho quần chúng biết.

Thưa ông, vậy làm thế nào để chính người dân là đối tượng phát hiện ra hiện tượng tiêu cực, lãng phí có thể tham gia trực tiếp và theo dõi quá trình kiểm tra, thanh tra để góp phần vừa phát hiện vừa thúc đẩy quá trình này?

Đây là yêu cầu đúng và chúng tôi cũng muốn như vậy, nhưng thực sự để làm được thì phải có quy trình và quy trình này phải công khai và minh bạch. Ví dụ như việc thanh tra Chính phủ vừa khai trương cổng thông tin điện tử phục vụ cho phòng chống tham nhũng cũng là một “kênh” để quần chúng phản ánh cho chúng tôi những vấn đề tiêu cực đang diễn ra, phát sinh tại địa phương để có cách tiếp cận và xử lý cụ thể.

Chúng tôi muốn tiếp cận thông tin 2 chiều, có nghĩa là tiếp cận thông tin từ phía người dân, tổ chức, cơ quan nhà nước, xã hội để hiểu được thực trạng vấn đề tham gia phòng chống tham nhũng của nhân dân, của xã hội như thế nào?

Tất nhiên, thông qua kênh thông tin này, phải chắt lọc thông tin, xử lý thông tin này. Khi nguồn thông tin đến, thanh tra Chính phủ sẽ thẩm định tính chính xác của thông tin, có phương án xử lý từng loại thông tin, biểu dương những người có thông tin chính xác, tất nhiên cũng có cách ngăn chặn thông tin không chính xác. Xử lý thông tin được kịp thời, là nhiệm vụ trọng tâm của Cục Phòng chống tham nhũng.

Người ta nói đến nhiều tính độc lập của cơ quan thanh tra cũng như cơ quan chống tham nhũng, tuy nhiên nếu chúng ta để Trưởng ban chống tham nhũng là người lãnh đạo của chính quyền địa phương, điều tra những vụ tiêu cực ở địa phương mình thì e rằng rất khó chống tham nhũng?

Điều này do pháp luât quy định. Ví dụ bây giờ nói là trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng của tỉnh phải là Chủ tịch tỉnh. Sắp tới Quốc hội sẽ thông qua, còn bây giờ nếu có những ý kiến gì về vấn đề này thì cần tiếp tục đề nghị để xem xét. Vấn đề là phải giám sát người đứng đầu.

Việc giám sát người đứng đầu ở đây thật ra cần phải thành lập cơ quan của đoàn đại biểu Quốc hội của địa phương, kể cả của cơ quan chức năng tham gia thực hiện việc giám sát này, kể cả tổ chức mặt trận tổ quốc địa phương, nhân dân nữa.

Nghĩa là, phải đa dạng hoá và linh hoạt trong việc giám sát và thực tiễn, tổng kết kinh nghiệm và kiến nghị Chính phủ đối với vấn đề này.