16:17 20/12/2023

Chốt đề xuất tăng 6% lương tối thiểu năm 2024

Thu Hằng

Với 100% phiếu đồng thuận, Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất mức đề xuất tăng 6% lương tối thiểu trong năm 2024, thời điểm từ ngày 1/7/2024 cùng thời điểm cải cách tiền lương trong khu vực công...

Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất tăng lương tối thiểu năm 2024. Ảnh - Gia Đoàn.
Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất tăng lương tối thiểu năm 2024. Ảnh - Gia Đoàn.

Sáng 20/12, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp và thống nhất chốt mức đề xuất tăng lương tối thiểu của năm 2024. 

TĂNG LƯƠNG TỐI THIỂU CÙNG THỜI ĐIỂM CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG

Trao đổi với báo chí ngay sau khi kết thúc phiên họp, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho hay phiên họp đã diễn ra với tinh thần hết sức chia sẻ, cởi mở giữa các bên, người sử dụng lao động và đại diện bên người lao động.

Trước đó, Tổng Liên đoàn đưa ra mức đề xuất cao nhất 7,3%; về phía người sử dụng lao động và đưa ra từ 4-5% và bộ phận kỹ thuật của Hội đồng cũng đưa ra ba phương án 4%, 5% và 6%.

Kết thúc phiên họp, với đa số phiếu đồng thuận, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 là 6%, áp dụng từ ngày 1/7/2024 để khuyến nghị Chính phủ.

Như vậy, nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ ngày 1/7/2024 - cùng thời điểm cải cách tiền lương khu vực nhà nước.

Với mức tăng 6%, lương tối thiểu tháng có thể được áp dụng từ ngày 1/7/2023 cụ thể như sau: Vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280 nghìn đồng); Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250 nghìn đồng); Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220 nghìn đồng); Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng200 nghìn đồng).

Tương tự, với lương tối thiểu vùng theo giờ, Hội đồng cũng thống nhất phương án tăng thêm 6% từ ngày 1/7/2024. Theo đó, Vùng I tăng từ 22,5 nghìn đồng/giờ lên 23,8 nghìn đồng/giờ; Vùng II tăng từ 20 nghìn đồng/giờ lên 21,2 nghìn đồng/giờ; Vùng III tăng từ 17,5 nghìn đồng/giờ lên 18,6 nghìn đồng/giờ; Vùng IV tăng từ 15,6 nghìn đồng/giờ lên 16,6 nghìn đồng/giờ.

DOANH NGHIỆP CHƯA THỎA MÃN VỚI MỨC TĂNG 6%

Phản hồi về mức đề xuất tăng 6% sau phiên họp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói chưa thỏa mãn với mức tăng 6%, bởi vẫn giữ quan điểm là cộng đồng doanh nghiệp đang rất khó khăn.

Đa số thành viên Hội đồng đồng thuận mức tăng. 
Đa số thành viên Hội đồng đồng thuận mức tăng. 

Tuy nhiên Hội đồng Tiền lương Quốc gia hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, Hội đồng đã thống nhất thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ tuân thủ và chấp hành nghiêm điều đã được thông qua.

“Đây cũng là sự cảm thông chia sẻ giữa người sử dụng lao động và người lao động trong trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro sẻ chia. Doanh nghiệp cũng mong muốn người lao động chia sẻ trong vấn đề này. Đề xuất của đại diện người lao động cao hơn còn chúng tôi thấp hơn, nhưng cuối cùng đã đi đến thống nhất là 6% để trình lên cấp có thẩm quyền để thực hiện”, ông Phòng thông tin.

Với mức tăng 6%, ông Phòng cho rằng doanh nghiệp sẽ khó khăn song sẽ tìm cách khắc phục, và vẫn cần sự chia sẻ của người lao động.

“Hy vọng tình hình trong thời gian tới sẽ tươi sáng hơn, cùng các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, hỗ trợ lãi suất, giãn, giảm thuế…, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển. Như vậy, chúng ta có thể tận dụng được các cơ hội này để doanh nghiệp khắc phục”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Trước đó, trao đổi giữa giờ giải lao, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách, pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia chia sẻ, mong muốn của Công đoàn là cần tăng lương song cũng rất chia sẻ với người sử dụng lao động, bởi thời gian qua, dù gặp rất nhiều khó khăn song doanh nghệp vẫn đảm bảo cải thiện điều kiện cho người lao động.

Năm nay, việc tăng lương cũng cần tính toán đến các yếu tố khác nữa như, cân đối lại việc cải thiện điều kiện cho người lao động, giảm thiểu lao động rút bảo hiểm một lần.

“Nâng lương tối thiểu cũng là một cách thức để người lao động cải thiện mức lương từ đó giảm rút bảo hiểm một lần. Cùng với đó, cần điều chỉnh các pháp luật về an sinh xã hội”, ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh.

Theo ông Quảng, đề xuất của Công đoàn thực tế mới chỉ bù đắp được phần trượt giá CPI của 2 năm qua.

"Thực tế đây là đề xuất áp dụng từ ngày 1/7/2024, tức sau 2 năm chú không phải đề xuất định kỳ hằng năm. Mức này đã khiêm tốn và có sự chia sẻ”, ông Quảng nêu quan điểm.