Chốt lời mạnh ở cổ phiếu tài chính, bất động sản trái chiều
Áp lực bán giá thấp sáng nay có tín hiệu tăng lên, đặc biệt ảnh hưởng tới giá các cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng. Tuy vậy độ rộng tổng thể của VN-Index vẫn là phân hóa tích cực, với nhiều cổ phiếu tiếp tục nhận được dòng tiền đầu cơ đủ khỏe để ngược dòng...
Áp lực bán giá thấp sáng nay có tín hiệu tăng lên, đặc biệt ảnh hưởng tới giá các cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng. Tuy vậy độ rộng tổng thể của VN-Index vẫn là phân hóa tích cực, với nhiều cổ phiếu tiếp tục nhận được dòng tiền đầu cơ đủ khỏe để ngược dòng.
Hiện tượng giằng co tiếp tục tái diễn, không chỉ thể hiện qua biến động của chỉ số mà còn ở giá cổ phiếu. Độ rộng thị trường cũng như biên độ giá thay đổi phản ánh rất rõ áp lực chốt lời.
VN-Index phần lớn thời gian nằm dưới tham chiếu và đỉnh cao nhất sáng nay cũng chỉ tăng 0,18%. Tại đỉnh, độ rộng chỉ số ghi nhận 237 mã tăng/121 mã giảm. Đến cuối phiên chỉ còn 184 mã tăng/184 mã giảm, điểm số giảm 0,26% tương đương -2,77 điểm. Thống kê cho thấy 174 cổ phiếu sàn HoSE tụt giá từ 1% trở lên so với đỉnh trong phiên, tương đương gần 49% tổng số cổ phiếu có phát sinh giao dịch. Ngoài ra chỉ có 35 cổ phiếu đang chốt tại giá cao nhất và còn trên tham chiếu. Đáng tiếc trong số này mã thanh khoản lớn nhất là CTI cũng chưa tới 2,5 tỷ đồng và mức tăng giá cũng chỉ +0,8%.
Ngược lại, trong số tụt giá trên 2% so với đỉnh, xuất hiện rất nhiều mã thanh khoản lớn và dao động kiểu tăng trước giảm sau. DIG, SHB, HCM, DXG, HHV, VIX, CII, FTS, SCR... đều giao dịch lớn và giá giảm 2%-3% so với mức đỉnh. Điều này phản ánh áp lực chốt lời đã gia tăng và tạo sức ép lên giá một cách rõ ràng.
Tổng thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết tương đương với sáng hôm qua, đạt gần 6.541 tỷ đồng, trong đó HoSE giảm khoảng 4,5% đạt 5.638 tỷ đồng. Riêng VN30 thanh khoản tăng 10%, chỉ số đại diện giảm 0,37% và độ rộng chỉ còn 7 mã tăng/21 mã giảm dù khi mạnh nhất chỉ duy nhất VIC đỏ, còn lại 26 mã khác đều tăng. Lực bán vẫn đang thể hiện rõ hơn trong nhóm dẫn dắt blue-chips.
Áp lực lên điểm số vẫn tập trung vào các trụ VIC giảm 2,11%, VCB giảm 0,76%, STB giảm 2,42%, BID giảm 0,33%, CTG giảm 0,51%. Tuy mức giảm ở nhóm ngân hàng chưa nhiều, nhưng biên độ dao động giảm trong ngày thì đều cao. Ví dụ VCB tụt khoảng 1,1% so với đỉnh, BID tụt 1%. Ngay cả các cổ phiếu còn tăng giá trong nhóm và là động lực chính nâng đỡ điểm số như VHM tăng 1,57%, HDB tăng 1,83% thì cũng không giữ được giá cao nhất. NVL đang tăng 1,96% nhưng vẫn là bị đánh tụt 2,25%, PDR tụt 1,9% còn tăng 0,38%, GVR tụt 2,14% còn tăng 0,31% so với tham chiếu.
Nhóm chứng khoán bùng nổ mấy ngày nay cũng bắt đầu phân hóa mạnh. Các mã nhỏ còn tăng khá như BMS, APS, WSS, ORS, AAS, TCI tăng hơn 2% nhưng VCI giảm 2,1%, SSI giảm 1,11%, HCM giảm 1,87%, VND giảm 1,23%, FTS giảm 1,49%, MBS giảm 1,18%... Yếu tố thanh khoản tốt lại đang gây áp lực cho cổ phiếu đã tăng nhiều, trong khi lợi thế thuộc về các mã giao dịch ít.
Tổng thể sàn HoSE sáng nay có 14 cổ phiếu đạt giao dịch từ 100 tỷ đồng trở lên thì chỉ có 3 mã còn trên tham chiếu, 10 mã giảm giá. STB và SSI là hai đại diện tiêu biểu của nhóm tài chính, đều có thanh khoản cao nhất nhì thị trường nhưng giá giảm mạnh. Thanh khoản của nhóm tăng giá trên sàn này chỉ chiếm khoảng 33% tổng khớp trong khi thanh khoản tại nhóm giảm giá chiếm trên 55%.
Với độ rộng còn giằng co cân bằng, cũng có khá nhiều cổ phiếu giao dịch sôi động và giữ giá tốt. Tiêu biểu như HPX tăng 5,91% thanh khoản 50,8 tỷ đồng; HQC tăng 1,92% thanh khoản 108 tỷ; NVL tăng 1,96% thanh khoản 210,5 tỷ; PHR tăng 2,07% thanh khoản 32,2 tỷ; HDG tăng 2,56% thanh khoản 28,6 tỷ, NLG tăng 2,6% thanh khoản 40 tỷ; CTD tăng 3,06% thanh khoản 35 tỷ...
Thị trường vẫn đang giao dịch tích cực theo hướng tạo cơ hội ở cổ phiếu riêng lẻ và nhà đầu tư chọn được cổ phiếu mạnh vẫn đang cảm nhận thị trường tốt. Tuy nhiên xét từ góc độ phân bổ dòng tiền, lượng tiền lớn hơn đang tập trung ở nhóm giảm giá, tức là tỷ trọng vốn lớn hơn đang nếm trải cảm giác tiêu cực.
Khối ngoại sáng nay giao dịch kém, mức giải ngân tương đương sáng qua với 242,9 tỷ đồng trên HoSE. May mắn là lượng bán chỉ bằng một nửa, đạt 242,7 tỷ đồng. Phía mua chỉ có 3 mã đáng kể là NLG +17,8 tỷ đồng ròng, HDB +13,7 tỷ và VRE +12,8 tỷ. Phía bán ròng có STB -17 tỷ, VNM -12,6 tỷ và chứng chỉ quỹ FUEVFVND -11,1 tỷ.