12:53 21/06/2012

Chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa được ghi tại điều 1 Luật Biển

Bảo Anh

Sáng 21/6, với 99,2% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam

Luật Biển Việt Nam khẳng định rõ nhiều quyền hạn, chủ quyền và lãnh hải đối với Việt Nam.
Luật Biển Việt Nam khẳng định rõ nhiều quyền hạn, chủ quyền và lãnh hải đối với Việt Nam.
Sáng 21/6, với 99,2% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam, sau khi đã thảo luận, cho ý kiến vào giữa kỳ họp vừa qua.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự luật do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày trước khi thông qua, cho thấy đa số các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết ban hành luật này và nhiều nội dung của dự thảo luật.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, Quốc hội đã tán thành với đề xuất của dự thảo, trong đó có quy định rõ về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngay tại điều 1 của Luật.

Đặc biệt, sau khi tiếp thu ý kiến các đại biểu, ban soạn thảo đã cho bổ sung thêm nội dung về phạm vì điều chỉnh gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo, quần đảo được xác định theo quy định tại các điều 9, 11, 13, 15 và 17 của luật này và được thể hiện bằng hải đồ, bản kê toạ độ địa lý do Chính phủ công bố.

Về nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển, Luật Biển Việt Nam nói rõ “giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia bằng biện pháp hòa bình là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời là một nguyên tắc đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên hiệp quốc, Hiến chương ASEAN”.

Khoản 1, điều 4 của Luật Biển quy định rõ nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với Hiến chương Liên hiệp quốc và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Đối với chính sách quản lý và bảo vệ biển  và quản lý nhà nước về biển, Luật chỉ rõ: “Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982.

Luật Biển cũng tiếp tục quy định "đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam" là nhằm nhấn mạnh hơn nữa sự gắn bó, không thể chia cắt của bộ phận lãnh thổ này, khẳng định chủ quyền đầy đủ, toàn vẹn của nước ta đối với các đảo, quần đảo.

Với vấn đề tàu quân sự nước ngoài đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, Luật Biển có quy định về quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, tức là quy định tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam thì thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nhằm bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu thuyền di chuyển trong lãnh hải Việt Nam và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong việc quản lý, theo dõi các vùng biển của ta.

Về lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển, Luật Biển quy định, gồm: các lực lượng có thẩm quyền thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân, các lực lượng tuần tra, kiểm soát chuyên ngành khác.

Ngoài dự thảo Luật Biển Việt Nam, trước đó, trong phiên họp sáng 21/6, Quốc hội cũng đã thông qua một số dự thảo luật, nghị quyết khác như: Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Quảng cáo, nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010, nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn...