10:41 01/12/2015

Chủ tịch AmCham: TPP vẫn mới là lời hứa

Nguyễn Lê

AmCham khuyến nghị hạn chế sử dụng tiền mặt trong giao dịch để chống tham nhũng

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2015 diễn ra tại Hà Nội sáng 1/12.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2015 diễn ra tại Hà Nội sáng 1/12.
Cho dù việc đàm phán đã kết thúc thành công, thì TPP vẫn mới là lời hứa, chưa phải là thực tế, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) Sherry Boger phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2015, diễn ra tại Hà Nội sáng 1/12.

Theo bà Sherry Boger, Việt Nam đã và đang thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và nâng cao kim ngạch thương mại.

Riêng tổng kim ngạch thương mại Mỹ - Việt trong năm 2015 có khả năng lên tới 45 tỷ USD, kỳ vọng đạt 80 tỷ USD vào năm 2020, có thể còn cao hơn khi có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hơn thế nữa, Việt Nam đang gia tăng vị thế là nhà cung cấp hàng đầu trong khu vực ASEAN cho Hoa Kỳ. Thị phần của Việt Nam chiếm 22%, và có thể vượt 30% trước năm 2020, nếu xu hướng hiện tại được tiếp tục

Theo nhận định của Chủ tịch AmCham, các nhà lãnh đạo Chính phủ và doanh nghiệp đang ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và lợi ích từ TPP.

Bà cũng nhận định, Việt Nam có thể là quốc gia được hưởng lợi lớn nhất từ TPP với các điều khoản liên quan. Một vài chuyên gia dự đoán rằng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng đến 28,4% khi thực thi TPP. Hơn nữa, lợi ích tăng trưởng GDP cũng được dự kiến là khá lớn.

Tuy nhiên, cho dù việc đàm phán TPP đã kết thúc thành công Chủ tịch AmCham vẫn nhấn mạnh, TPP hiện vẫn mới là lời hứa, chưa phải là thực tế. Mỗi quốc gia thành viên TPP đều có quy trình thủ tục riêng để đạt đuợc phê chuẩn, pháp luật thực thi và thủ tục hành chính, điều này cũng gây ra nhiều khó khăn.

Một trọng tâm khác được Chủ tịch AmCham đề cập tại Diễn đàn là vấn đề kiểm soát tiền tệ.

Theo AmCham thì bằng việc chấp thuận các nghĩa vụ theo điều 8 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam đã gửi tín hiệu đến cộng đồng quốc tế là sẽ theo đuổi những chính sách kinh tế mà không cần thiết phải áp dụng những hạn chế về thanh toán hoặc chuyển tiền đối với các giao dịch quốc tế vãng lai, và sẽ góp phần làm cho hệ thống thống thanh toán đa phương hoàn toàn không có bất kỳ hạn chế nào.

“Tuy nhiên, dường như Việt Nam chưa tuân thủ các cam kết này. Chúng tôi nhận thấy có nhiều quan ngại về sự ổn định của hệ thống tài chính, nhưng chúng tôi không thấy sự chấp thuận của IMF khi có sự hạn chế trong thanh toán và chuyển tiền đối với những giao dịch quốc tế vãng lai”, Chủ tịch AmCham nói.

Đề cập đến tham nhũng tại Việt Nam, Chủ tịch AmCham lo lắng khi mà tham nhũng đang ngày càng lan rộng, gây ra tác động mang tính chất phá hủy, gây nguy hại đến cả nền kinh tế và xã hội nói chung.

Theo bà Sherry Boger, đã đến lúc giải quyết tham nhũng trên phạm vi rộng khắp, thông qua việc áp dụng một hệ thống nhằm giảm thiểu các cơ hội chi trả phạm pháp, tương tự như Luật Phòng chống tham nhũng Quốc tế Hoa Kỳ (FCPA) hay Luật Chống hối lộ của Anh.

Chủ tịch AmCham cũng khuyến nghị một bước tiến cụ thể để chống tham nhũng là hạn chế sử dụng tiền mặt trong giao dịch, hạn chế giao dịch trực tiếp, tăng cường sử dụng thương mại điện tử tại Việt Nam.