Chủ tịch Fed: Lãi suất có thể không phải tăng thêm nhiều
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 19/5 nói rằng căng thẳng trong hệ thống ngân hàng có thể đồng nghĩa với việc lãi suất sẽ không cần phải tăng thêm nhiều để đưa lạm phát về tầm kiểm soát...
Phát biểu tại một hội thảo tiền tệ ở Washington, ông Powell nhấn mạnh rằng các sáng kiến mà Fed đưa ra để giải quyết vấn đề tại các ngân hàng cỡ trung về cơ bản đã ngăn chặn kịch bản tồi tệ nhất trở thành hiện thực. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng những vấn đề ở Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng sụp đổ hồi tháng 3 - và một số ngân hàng khác vẫn sẽ gây ra ảnh hưởng trong nền kinh tế.
“Các công cụ ổn định tài chính đã giúp xoa dịu căng thẳng trong hệ thống ngân hàng. Nhưng mặt khác, những diễn biến trong hệ thống ngân hàng cũng khiến cho điều kiện tín dụng thắt chặt hơn, từ đó có thể gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế, tuyển dụng và lạm phát”, người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ nhận định.
“Bởi vậy, lãi suất chính sách của chúng ta có thể không cần phải tăng nhiều như lẽ ra phải tăng để đạt được mục tiêu lạm phát. Nhưng dĩ nhiên, vẫn còn nhiều sự thiếu chắc chắn xung quanh vấn đề này”, ông Powell phát biểu.
Nhận định này của Chủ tịch Fed được đưa ra trong bối cảnh thị trường nghiêng về khả năng Fed dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6, tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ với 10 đợt nâng lãi suất liên tiếp kể từ tháng 3/2023.
Tuy nhiên, kỳ vọng của thị trường vẫn đang có nhiều biến động khi giới chức Fed còn chưa đưa ra được một đánh giá chắc chắn nào về ảnh hưởng đã có và sẽ có của chiến dịch tăng lãi suất tính đến thời điểm này đối với lạm phát. Mùa hè năm ngoái, lạm phát ở Mỹ vượt 9%, cao nhất 41 năm. Gần đây, lạm phát đã dịu đi, nhưng vẫn ở ngưỡng cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 2% mà Fed đề ra.
Ông Powell nhận định lạm phát vẫn còn quá cao. “Nhiều người hiện đang trải qua thời kỳ lạm phát cao lần đầu tiên trong cuộc đời của họ. Chắc chắn là họ không thích chuyện này rồi”, ông nói.
“Chúng tôi cho rằng thất bại trong việc giảm lạm phát sẽ không chỉ kéo dài sự mệt mỏi mà rốt cục sẽ làm gia tăng chi phí xã hội của việc bình ổn giá cả, gây ra tổn thất lớn hơn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Chúng tôi muốn tránh tất cả những điều đó bằng cách giữ vững nỗ lực đạt mục tiêu về lạm phát”, ông Powell khẳng định quyết tâm đưa tốc độ tăng giá về tầm kiểm soát.
Nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới gọi trạng thái chính sách tiền tệ hiện nay của Fed là “thắt chặt” và nói rằng các quyết định lãi suất trong tương lai sẽ tuỳ thuộc vào dữ liệu kinh tế thay vì được định sẵn từ trước. Sau 10 lần tăng, lãi suất tham chiếu của Fed đã được Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), bộ phận ra quyết sách tiền tệ trong Fed, đã tăng từ mức 0-0,25% ở thời điểm tháng 3/2022 lên 5-5,25% vào đầu tháng 5.
Các quan chức Fed nhấn mạnh rằng hiệu ứng của việc tăng lãi suất thường có độ trễ 1 năm hoặc hơn, nên các đợt nâng lãi suất đã có vẫn chưa phát huy tác dụng hoàn toàn trong nền kinh tế.
“Chúng tôi chưa đưa ra quyết định về việc sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách như thế nào là phù hợp. Tuy nhiên, với chặng đường đã đi, tôi xin nhấn mạnh là chúng tôi có thể dựa vào các số liệu kinh tế và điều chỉnh kỳ vọng”, ông Powell nói.
Về cơ bản, chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed nhằm giảm nhiệt thị trường việc làm của Mỹ, từ đó gây giảm tốc nền kinh tế và kéo lạm phát hạ nhiệt theo. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện ở mức 3,4%, thấp nhất kể từ năm 1953. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, đang tăng với tốc độ hàng năm 4,6%, so với mục tiêu lạm phát 2% của Fed.
Giới chuyên gia kinh tế, bao gồm cả các nhà kinh tế học của Fed, từ lâu đã dự báo việc tăng lãi suất sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái, ít nhất là một cuộc suy thoái nông, trong năm nay. Trong quý 1, kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,1%, mức tăng thấp hơn dự báo. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo tăng 2,9% trong quý 2 này - theo một công cụ theo dõi nền kinh tế của Fed chi nhánh Atlanta.
Cùng ngày, Fed New York công bố một nghiên cứu cho thấy lãi suất trung tính trong dài hạn - mức lãi suất được coi là không thắt chặt và cũng không nới lỏng - về cơ bản không thay đổi ở mức rất thấp, mặc cho lạm phát tăng cao.
“Điều quan trọng là chưa có bằng chứng nào cho thấy kỷ nguyên lãi suất rất thấp một cách tự nhiên đã kết thúc”, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, ông John Williams, phát biểu.