09:24 25/04/2021

Chủ tịch Nam Long: Nhu cầu “nhà ở vừa túi tiền" vẫn rất lớn

Xác định nhu cầu thị trường về "nhà ở vừa túi tiền" rất lớn, chủ tịch Nam Long khẳng định sẽ tiếp phát triển mảng kinh doanh trong 10-20 năm tới.

Chủ tịch Hội đồng quản trị NLG Nguyễn Xuân Quang phát biểu tại đại hội cổ đông thường niên 2021 tổ chức sáng ngày 24/4/2021.
Chủ tịch Hội đồng quản trị NLG Nguyễn Xuân Quang phát biểu tại đại hội cổ đông thường niên 2021 tổ chức sáng ngày 24/4/2021.

Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2021 tổ chức ngày 24/4/2021 tại Tp.HCM, chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HOSE:NLG) Nguyễn Xuân Quang, cho biết: “Nhà ở vừa túi tiền” đã được Nam Long triển khai từ những năm 2005-2006. Nhu cầu “nhà ở vừa túi tiền” tại thị trường Việt Nam rất lớn. 

“Chính phủ đang có chính sách hỗ trợ nhà giá rẻ và nhà ở xã hội. Nhà giá rẻ là nhu cầu, chúng tôi có thế mạnh ở phân khúc này. May mắn là các tổ chức tài chính khác, đối tác khác đều ủng hộ chúng tôi phát triển nhà ở phân khúc này tại thị trường Việt Nam. Nhu cầu vẫn đủ lớn để Nam Long tiếp tục phát triển mảng kinh doanh này trong 10-20 năm tới”, ông Quang khẳng định. 

"Vấn đề pháp lý nhà ở tại Tp.HCM từ 2017 đến nay đang bị ách tắc. Nhiều khả năng sau bầu cử Quốc hội, vấn đề pháp lý ách tắc này sẽ được giải quyết ổn thỏa. Hiện Nam Long đang mở bán dự án Mizuki Park đã đủ cơ sở pháp lý", ông Quang chia sẻ thêm.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Quang, năm 2020 là năm hết sức khó khăn. Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi tình hình trên toàn thế giới và Việt Nam. Với thị trường bất động sản, nguồn cung giảm, đặc biệt là nguồn cung căn hộ tại Tp.HCM, không đến 20% dự án được mở bán. 

Ngoài ra, ngành bất động sản năm 2020 còn gặp khó khăn về cấp phép các dự án mới, thậm chí không có dự án nào được chấp thuận chủ trương đầu tư tại Tp.HCM. Do đó, các nhà phát triển bất động sản có xu hướng chuyển dịch ra vùng ven và các tỉnh kế cận Tp.HCM để phát triển dự án.

Giai đoạn 2021-2023, Nam Long tập trung vào 2 mảng kinh doanh cốt lõi là Phát triển quỹ đất và Phát triển nhà ở. Công ty sẽ gia tăng hiệu quả kinh doanh bằng việc lập chỉ tiêu kinh doanh chiến lược 3/5/10 năm để có một kế hoạch tổng thể và tham vọng ở ngắn, trung và dài hạn.

Ở ngắn hạn trong 3 năm, Nam Long dự kiến tăng trưởng doanh số trung bình 85% mỗi năm, tăng trưởng doanh thu trung bình 72% mỗi năm ở 2 mảng này; lợi nhuận tăng trưởng trung bình 32% mỗi năm.

Chủ tịch Nam Long: Nhu cầu “nhà ở vừa túi tiền" vẫn rất lớn - Ảnh 1

Với năm 2021, ban giám đốc Nam Long xem đây là năm "bản lề". Công ty định hướng tái cấu trúc theo hình thức "đơn vị kinh doanh", đẩy mạnh mảng lõi như mở rộng quỹ đất, phát triển nhà ở, phát triển các khu đô thị phức hợp ở vùng ven. Công ty đặt mục tiêu doanh số sản phẩm cho năm 2021 là 13.519 tỷ đồng, doanh thu thuần là 4.963 tỷ đồng tăng 24% và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 1.152 tỷ đồng, tăng 38% so với thực hiện của năm 2020.

CHIA CỔ TỨC TIỀN MẶT

Với mục tiêu đề ra cho 3 năm 2021-2023, Hội đồng quản trị Nam Long đề xuất việc chi trả cổ tức giai đoạn 2021-2023 với tỷ lệ tối đa là 40% bằng tiền mặt. Riêng năm 2021, Nam Long dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 15% (tương ứng số tiền gần 428 tỷ đồng), chia làm 2 đợt, đợt 1 dự kiến trong tháng 12/2021 và đợt 2 sau Đại hội đồng cổ đông năm 2022. 

Về cổ tức năm 2020 (10% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu), Nam Long đã chi trả 5% cổ tức đợt 1 bằng tiền (tương ứng 125 tỷ đồng) vào tháng 12/2020, 5% bằng tiền còn lại (125 tỷ đồng) sẽ được chi trả sau đại hội đồng cổ đông 2021 (dự kiến quý 2/2021). Đồng thời, cổ đông cũng thông qua kế hoạch phát hành hơn 12,485 triệu cổ phiếu để trả 5% cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu. Thời gian dự kiến sau đại hội đồng cổ đông 2021.

Thêm vào đó, Nam Long cũng dự kiến phát hành gần 24 triệu cổ phiếu thưởng năm 2019. Nguồn vốn lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2020 của Công ty.

Bên cạnh đó, Nam Long cũng lên kế hoạch phát hành hơn 1,5 triệu cổ phiếu theo chính sách thưởng khuyến khích dài hạn cho Lãnh đạo cấp cao (ESG) năm 2020 với giá phát hành là 0 đồng. Tổng số cổ phần sẽ phát hành theo chính sách ESG trong 3 năm 2021-2023 theo kịch bản cơ sở là hơn 8 triệu cổ phiếu khi Công ty đạt 100% các chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận và doanh số. Nếu vượt chỉ tiêu thì sẽ phát hành tối đa hơn 20 triệu cổ phiếu ESG.

HUY ĐỘNG VỐN CHO KẾ HOẠCH MỞ RỘNG QUỸ ĐẤT

Mục tiêu của Nam Long đến 2030 là trở thành nhà phát triển bất động sản hàng đầu khu vực, dưới sự tham gia của các đơn vị tư vấn quốc tế. Theo đó, công ty sẽ tái cấu trúc, mở rộng quỹ đất, củng cố vị thế ở mảng kinh doanh cốt lõi (phát triển nhà ở) và chuyển dần từ nhà phát triển "nhà ở vừa túi tiền” sang nhà phát triển khu đô thị phức hợp. 

Tổng giám đốc Nam Long Land Nguyễn Thanh Sơn, cho biết: thị trường bất động sản chịu tác động bởi đại dịch trong năm 2020, tuy nhiên tiêu thụ nhà ở vẫn tăng, nhu cầu vẫn rất lớn. Trong tháng 4, công ty mở bán 210 căn hộ và tiêu thụ 190 căn. Nam Long đang chuẩn bị mở bán 700 căn tại Mizuki vào cuối tháng 4 này.

Ngoài việc tiếp tục phát triển các khu đô thị tích hợp như Southgate, Mizuki Park, Akari, Izumi City,... để chuyển đổi dần từ nhà phát triển nhà ở “vừa túi tiền” hàng đầu thành nhà phát triển khu đô thị tích hợp, Nam Long sẽ phát triển thêm các phân khúc mới tại các quận ưu tiên của vùng Tp.HCM bên cạnh các dòng sản phẩm quen thuộc như Ehome, Flora, Valora.

Cũng trong năm nay, Nam Long dự kiến chi ra 2.000 tỷ đồng để mở rộng quỹ đất. Ngoài một số quận ưu tiên trong vùng Tp.HCM và , Nam Long sẽ mở rộng thị trường tại Hà Nội và một số đô thị cấp như Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng…

Bên cạnh nguồn vốn sẵn có, Nam Long cũng lên kế hoạch huy động vốn trong năm nay bao gồm phát hành riêng lẻ và trái phiếu. Cụ thể, Công ty sẽ phát hành 60 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trong năm 2021.

Giá phát hành được xác định là giá đóng cửa bình quân do HOSE công bố của 30-60 ngày giao dịch gần nhất, chiết khấu 10-15% và không thấp hơn 30.000 đồng/cổ phiếu (trước khi điều chỉnh giá). Vốn điều lệ sau phát hành sẽ tăng lên hơn 3.452 tỷ đồng.

Tổng số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được sử dụng cho việc mở rộng quỹ đất, bổ sung vốn lưu động và đầu tư phù hợp với chiến lược phát triển của Nam Long. Thời gian phát hành dự kiến trong quý III năm 2021, sau khi có thông báo chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Cũng theo đại diện Nam Long, công ty đang làm việc một số tổ chức tài chính quốc tế để chuẩn bị cho việc phát hành trái phiếu trong năm nay. Công ty có kế hoạch vay khoảng 1.000 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn.

Kết thúc quý I/2021, Nam Long báo doanh thu 235 tỷ đồng, chỉ bằng 56% cùng kỳ nhưng lãi sau thuế đạt 365 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ. Theo đại diện Nam Long, khoản lợi nhuận đột biến nhờ vào việc tăng sở hữu tại Waterfront Đồng Nai lên 65,1%, nên ghi nhận chênh lệch giá thị trường và giá mua.

Đại hội cũng đã thông qua việc bầu cử thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 9 thành viên. 3 thành viên được bầu mới là ông Nguyễn Đức Thuấn (Nhà sáng lập và Chủ tịch TBS Group), ông Kenenth Micheal Atkinson (Nhà sáng lập và cố vấn cấp cao Grant Thorton Vietnam) và ông Joseph Low Kar Yew (Chủ tịch Keppel Land VietNam). 6 thành viên khác vẫn giữ nguyên là ông Nguyễn Xuân Quang, Trần Thanh Phong, Cao Tấn Thạch, Chad Ryan Ovel (Chủ tịch hiệp hội thương mại Hoa Kỳ - Amcham tại Việt Nam), Ziang Tony Ngo (nhà sáng lập và là chủ tịch Everest Vietnam Holding -Singapore) và ông Ngian Siew Song (Nguyên giám đốc điều hành tập đoàn Tropicana Bhd- Malaysia).