Chủ tịch nước: Không để người dân thiếu đói, thiếu chỗ ở và các điều kiện sinh hoạt thiết yếu
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đà Nẵng phải tập trung hỗ trợ, đảm bảo cuộc sống sinh hoạt cho người dân sau mưa lũ với tinh thần “Không để người dân thiếu đói, thiếu chỗ ở và các điều kiện sinh hoạt thiết yếu như điện, nước, giao thông, y tế”.
Ngày 19/10/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà về tình hình khắc phục thiệt hại sau cơn bão Sonca vừa qua.
ĐÀ NẴNG THIỆT HẠI 1.500 TỶ ĐỒNG
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết bão số 5 gây mưa lớn diện rộng, nhiều nơi lượng mưa cao lịch sử hàng trăm năm, cộng thêm triều cường, dẫn đến ngập lụt lớn đã gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn thành phố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất.
"Trong đợt mưa ngập vừa qua, tổng số nhà bị ngập gần 70.000 nhà; hư hỏng 74 ha rau màu; gần 60.000 gia cầm và gia súc chết trôi; 14 trường học bị ngập, hư hỏng nặng; trên 2.000 ô tô và 30.000 xe máy của người dân, doanh nghiệp bị ngập".
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.
Theo tính toán mới nhất từ UBND thành phố Đà Nẵng, ảnh hưởng của bão và mưa lũ lớn đã khiến 4 người thiệt mạng tại Đà Nẵng; thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 1.500 tỉ đồng.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đề xuất, kiến nghị Trung ương hỗ trợ các hộ gia đình thiệt hại về người và tài sản; hỗ trợ sách giáo khoa và thiết bị học tập cho các trường học để đưa học sinh trở lại trường; hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình khẩn cấp để ổn định lâu dài.
Cùng với đó, thành phố Đà Nẵng đề nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư sớm 3 dự án là dự án kiên cố hóa đường Hoàng Sa – khu vực bán đảo Sơn Trà; Dự án chống ngập nước khu vực Sân bay và Dự án Đầu tư, gia cố hệ thống kè dọc tuyến đường ven biển Hoàng Sa – Trường Sa – Võ Nguyên Giáp để ổn định lâu dài trong công tác phòng chống thiên tai.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đà Nẵng tập trung hỗ trợ cho người dân, đảm bảo các yêu cầu thiết yếu. “Chúng ta phải tập trung hỗ trợ, đảm bảo cuộc sống sinh hoạt cho người dân sau mưa lũ với tinh thần “Không để người dân thiếu đói, thiếu chỗ ở và các điều kiện sinh hoạt thiết yếu như điện, nước, giao thông, y tế”. Đặc biệt, không để bùng dịch sau mưa lũ. Các cấp, ngành phải lo cho người dân trở lại cuộc sống bình thường, sớm ổn định cuộc sống, dọn dẹp vệ sinh môi trường, đưa cuộc sống trở lại bình thường”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Chủ tịch nước yêu cầu Đà Nẵng nhanh chóng khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, đảm bảo sách vở, trang thiết bị học tập cho các em học sinh. Khắc phục sạt lở do vùi lấp đất đá, nhất là tại nghĩa trang lớn nhất Đà Nẵng.
Về lâu dài, Đà Nẵng cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đầu tư bài bản hệ thống thoát nước. Đồng thời, kết hợp làm tốt công tác dự báo, thực hiện tốt hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với các tình huống khẩn cấp xảy ra do đặc thù địa phương ven biển, tiềm ẩn nhiều thiên tai.
QUẢNG BÌNH: NHIỀU ĐIỂM SẠT LỞ RẤT NGUY HIỂM
Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, hiện tỉnh này có 69 điểm sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư trong mùa mưa bão năm 2022.
Trong đó có 9 điểm sạt lở có nguy cơ cao, với diện tích khoảng 68,14ha, ảnh hưởng trực tiếp đến 428 hộ dân. Huyện miền núi Minh Hóa là địa phương có nhiều điểm sạt lở ảnh hưởng đến khu vực dân cư, gây nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa bão.
Còn tại huyện Bố Trạch, điểm có nguy cơ sạt lở cao là đồi Hạ Vàng, thị trấn Phong Nha với 36 hộ/144 nhân khẩu bị ảnh hưởng cũng đang được địa phương hoàn tất thủ tục để thực hiện hạ thấp độ cao chống sạt lở theo hình thức xã hội hóa.
Cùng với nguy cơ sạt lở đất là nỗi lo về các hồ đập trước tình hình mưa lũ có nhiều diễn biến phức tạp. Theo thống kê từ Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tỉnh Quảng Bình, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 153 hồ chứa, 193 đập dâng thủy lợi.
Hầu hết các công trình hồ, đập được xây dựng từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước nên việc hư hỏng, xuống cấp là không thể tránh khỏi. Kinh phí bố trí cho bảo trì, sửa chữa thường xuyên cho các công trình này còn nhiều hạn chế. Vì thế, việc sửa chữa thiếu đồng bộ, nhiều hạng mục công trình từ đó bị hư hỏng, xuống cấp.
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết Sở đã xây dựng phương án để đảm bảo an toàn nhưng về lâu dài rất cần nguồn kinh phí để sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho vùng hạ du trong mùa mưa bão sắp tới.
Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống Thiên tai, tối 19/10/2022, bão số 6 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến sáng ngày 20/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc, 108,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp trên vùng biển từ Hà Tĩnh - Quảng Trị.
Ngày và đêm 20/10, vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ và Lý Sơn) có gió cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao 2,5-4,5m; vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 5,0-7,0m, biển động mạnh.
Ngày và đêm 21/10, ở khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao từ 3,0-5,0m; vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Đà Nẵng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển từ 2,0-4,0m.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An trời rét; nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi Bắc Bộ phổ biến từ 13-15 độ, khu vực trung du, vùng đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An từ 15-18 độ.
Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống Thiên tai yêu cầu các địa phương khu vực Trung Trung Bộ khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, vệ sinh môi trường, sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.
Đồng thời cần theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới, tiếp tục thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến để chủ động tránh trú, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; sẵn sàng các phương án ứng phó với áp thấp ven bờ, trên đất liền.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng cho Đà Nẵng 20 căn nhà giúp người dân khắc phục hậu quả bão số 5. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi tặng Đà Nẵng 20 căn nhà; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tặng 10 căn nhà. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ 300 thùng hàng nhu yếu phẩm và 300 triệu đồng. Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ 4.000 bộ sách giáo khoa. Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ 2 tỉ đồng; Điện lực miền Trung hỗ trợ 500 triệu đồng.