11:12 27/02/2013

Chủ tịch Quốc hội “bắt bệnh” quản lý nhà nước

Nguyên Thảo

“Giờ phải tư duy ngược lại, đó là dân giám sát, dân quản lý nhà nước chứ không phải nhà nước quản lý dân”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (người đứng) trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.<br>
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (người đứng) trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.<br>
“Bây giờ mình quen rồi, mình thành bệnh nghề nghiệp rồi, chỉ đưa ra các điều kiện để thuận lợi cho mình thôi”. Câu kết này được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đưa ra gần cuối buổi họp cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cư trú của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 26/2.

Dù không trực tiếp điều hành các phiên thảo luận thì việc ông “căn vặn” cả cơ quan trình và cơ quan thẩm tra về một dự án luật đến toát mồ hôi hay bác bỏ thẳng thừng một đề xuất nặng về xin - cho đã không còn phải là chuyện hiếm.

Với dự án Luật Cư trú, Chính phủ chỉ đề xuất sửa hai điều nhưng trong đó đã bổ sung hai hành vi bị nghiêm cấm và quy định xóa đăng ký thường trú đối với nhiều trường hợp.

Được lý giải là nhằm khắc phục tình trạng lạm dụng các quy định thông thoáng của Luật Cư trú để đăng ký thường trú tại nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương, song việc sử dụng các từ “cấm” và “xóa” đã khiến Chủ tịch Quốc hội hơn một lần phải lên tiếng.

Liệt kê hàng loạt những hệ lụy sinh ra từ quyển hộ khẩu, bắt thế này mới được học, thế kia mới được chữa bệnh làm người dân khốn khổ, ông cũng chỉ rõ bất cập trong quản lý khi Hà Nội đăng ký chỉ hơn 3 triệu nhưng thực tế có hơn 6 triệu người.

Bởi vậy, điều mà hơn một lần được ông nhấn mạnh là không được cấm đoán mà cơ quan quản lý chỉ đưa ra điều kiện, người dân đáp ứng đủ thì phải cho đăng ký. “Ông thuế thì thích thu mà ông công an thì thích cấm, thích bắt lắm”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng làm phòng họp bật lên tiếng cười.

Nhắc đến sự văn minh lịch sự trong ứng xử với dân, Chủ tịch nói cuốn sổ hộ khẩu có nhiều trang, nên kể cả trường hợp khi người ta đi tù thì cứ ghi vào đó là đi tù, khi về thì lại ghi là đã hết hạn tù, “việc gì mà phải gạch ngang một phát”. Hay đi nước ngoài anh cũng ghi là đi nước ngoài, sau này về thì ghi là đã trở về.

“Người ta đi bộ đội, anh cắt béng hộ khẩu của người ta, anh gạch ngang một phát, trong khi đó bao nhiêu người chết rồi chẳng có gạch ngang gì cả, chết mấy năm vẫn nhận đủ chế độ chính sách, cả lương hưu, có cái chuyện thế đấy. Cái ông chết rồi gạch ra còn được, chẳng nhẽ ghi vào đó là đi nhập hộ khẩu dưới âm phủ?”, Chủ tịch lại làm phòng họp rộ lên tiếng cười.

Nhưng, chưa dừng ở đó, tiếp mạch giấy tờ “hành dân” ông nhắc lại dự án Luật Hộ tịch đã bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội gạt đi ngay lần đầu tiên trình trong năm 2012. Lúc đó ông đã đưa ra câu hỏi có sổ hộ tịch thì có bỏ chứng minh thư, giấy đăng ký kết hôn không. Và câu trả lời từ Bộ trưởng Bộ Tư pháp là nếu làm sổ hộ tịch trước thì không cần có chứng minh thư, không cần đăng ký kết hôn, nhưng vì làm sau nên đành chấp nhận.

“Như vậy người dân một cổ hai tròng, nhà nước quản lý dân cư không phải theo kiểu như thế. Bây giờ mình quen rồi, mình thành bệnh nghề nghiệp rồi, đưa ra các điều kiện để thuận lợi cho mình thôi. Giờ phải tư duy ngược lại, đó là dân giám sát, dân quản lý nhà nước chứ không phải nhà nước quản lý dân”, ông nhấn mạnh.

“Bệnh nghề nghiệp” có lẽ là cụm từ khá ấn tượng, cho dù tư duy quản không được thì cấm đã không còn xa lạ trong những năm gần đây. Không khó để có thể điểm tên vài câu chuyện điển hình như siết nhập cư vào nội thành Hà Nội hay gần hơn là xe chính chủ.

Tỏ thái độ không đồng tình với việc cấm giảng viên luật làm luật sư tại Luật Luật sư hay quy định hạn chế nhập cư ở Luật Thủ đô, đại biểu Quốc hội Trần Văn Độ, trong một lần trao đổi với VnEconomy nói rằng “mọi việc phải tạo thuận lợi cho dân trước hết, quản lý nhà nước phải đi theo dân, vì dân là chủ thể quyền lực nhà nước, chứ không thể thay vì đi theo lại cấm đoán, rồi cấm không được thì phạt...”.

Cũng theo nhận xét của vị tiến sỹ luật này thì xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân thì nghị quyết nói mãi rồi. Nhưng đi vào nhiều vấn đề cụ thể khi xây dựng pháp luật thì tinh thần đó vẫn chưa thể hiện được thật triệt để.

Và, nhận xét này đã thêm một lần đúng, với việc sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú. Và, cũng vẫn sẽ là không thừa, khi Chủ tịch Quốc hội phải nhắc đi nhắc lại rằng đừng mắc “bệnh nghề nghiệp”, để chỉ việc cơ quan soạn thảo luật chỉ đưa ra các điều kiện thuận lợi cho mình còn đẩy cái khó cho dân.