14:00 11/07/2024

Chủ tịch Quốc hội đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm đối với Kiểm toán nhà nước

Phan Nam

Từ một cơ quan chưa có tiền thân về tổ chức và tiền lệ về hoạt động ở nước ta, trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng và trưởng thành, với phương châm “Chuyên nghiệp - Liêm chính - Hội nhập”, hoạt động kiểm toán, của Kiểm toán nhà nước đã có nhiều đổi mới và ngày càng đi vào chiều sâu...

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập của Kiểm toán nhà nước
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập của Kiểm toán nhà nước

Ngày 11/7, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập (11/7/1994 – 11/7/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định: “Từ khi thành lập đến nay, thông qua các hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã góp phần tiết kiệm chi hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, ngăn chặn và xử lý nhiều sai phạm. Hỗ trợ hiệu quả công tác điều tra, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, Kiểm toán nhà nước đã luôn bám sát hoạt động của Quốc hội và công tác điều hành, quản lý kinh tế - xã hội của đất nước; giúp Quốc hội có nguồn thông tin, dữ liệu tin cậy để phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương hằng năm; giúp cho hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được hiệu quả hơn. Thông qua hoạt động kiểm toán, đã phát hiện những bất cập trong quy định, chính sách, có những kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách về tài chính công, tài sản công. Đồng thời, hỗ trợ Hội đồng nhân dân, UBND các địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chúc mừng Kiểm toán nhà nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chúc mừng Kiểm toán nhà nước.

Trên chặng đường phát triển, Kiểm toán nhà nước đã không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế. Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã là  thành viên của Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao và Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á. Đặc biệt, việc đăng cai tổ chức thành công Đại hội Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á 14, năm 2018 và giữ vai trò Chủ tịch nhiệm kỳ 2018-2021 đã đưa Kiểm toán nhà nước Việt Nam lên vị thế mới trong hoạt động hợp tác quốc tế.

Nhận định rằng trong thời gian tới, tình hình quốc tế có thể còn diễn biến phức tạp, khó lường; đất nước ta bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Kiểm toán nhà nước thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, nắm vững và thực hiện đúng chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; chỉ đạo quản lý, điều hành của Chính phủ về ngân sách nhà nước, chính sách tài khóa, tiền tệ; lựa chọn và tập trung ưu tiên thực hiện các mục tiêu trọng tâm của Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030.

Đặc biệt, cần quán triệt sâu sắc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính: Ngành Kiểm toán phải “luôn nắm vững, nắm chắc và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phải “đúng vai thuộc bài”, thực sự am hiểu và thực hiện nghiêm các nguyên tắc, pháp luật, quy chế, quy định, đặc biệt phải rất công tâm,khách quan, trong sáng; phải sử dụng và kiểm soát có hiệu quả quyền  lực mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.

Thứ hai, tiếp tục củng cố, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để hoạt động của Kiểm toán nhà nước ngày càng hiệu lực, hiệu quả; nghiên cứu, rà soát Luật Kiểm toán nhà nước để đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời, bảo đảm phù hợp với thực tiễn hoạt động và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Thứ ba, tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan; tổ chức và hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả, chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại. Xác định mục tiêu, trọng tâm kiểm toán, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, phục vụ cho công tác quản lý, điều hành, giám sát tài chính công, tài sản công, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ tư, tiếp tục quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp; củng cố, xây dựng toàn ngành Kiểm toán đoàn kết, vững mạnh toàn diện.

Thứ năm, chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước; củng cố ngày càng vững chắc vị thế, uy tín của Kiểm toán nhà nước trong hệ thống các cơ quan nhà nước Việt Nam và trong hệ thống các cơ quan kiểm toán quốc tế.

Tại Lễ Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, Kiểm toán nhà nước đã vinh dự được lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Chia sẻ về niềm tự hào này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn bày tỏ: “Trước nhiệm vụ, niềm tin mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặt ra cho Kiểm toán nhà nước trong giai đoạn mới, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống quý báu 30 năm xây dựng và phát triển. Từng thành viên của Kiểm toán nhà nước sẽ không ngừng rèn luyện để có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, “nghệ tinh - tâm sáng”, tương xứng với chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới với đầy đủ 4 tiêu chí: Trung thực - tỉ mỉ - chăm chỉ và nhạy bén, giữ vững giá trị cốt lõi “Độc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Chất lượng”…

 

Trong 30 năm qua, Kiểm toán nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 740.000 tỷ đồng; Kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 2.200 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý có nội dung không phù hợp quy định của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, ngăn ngừa thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị chuyển cơ quan điều tra và các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, xử lý trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.