Chủ tịch REE: "Cần có tiêu chí khác cho rổ VN30 để thêm nhiều doanh nghiệp đại diện cho nền kinh tế"
Nên chăng cần có các tiêu chí khác cho rổ VN30, VN100 để doanh nghiệp từ các ngành nghề khác nhau được đặt trong rổ này sẽ đại diện cho nền kinh tế...
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nghe các ý kiến, kiến nghị của đại diện các Ngân hàng Thương mại, Doanh nghiệp vốn hóa lớn về phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quân đội MB cho biết, dưới góc độ của MB, đơn vị này khuyến nghị một số vấn đề chính: Thứ nhất, tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp tốt trên thị trường bằng cách phân loại và xếp hạng độc lập các doanh nghiệp niêm yết theo các tiêu chí ngành, hiệu quả hoạt động, để tăng sức mạnh thương hiệu, thị phần trong ngành, minh bạch thông tin, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp tiềm năng tham gia thị trường chứng khoán.
Áp dụng các chuẩn mực quốc tế và thông lệ quốc tế như các nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất của OECD cho các doanh nghiệp niêm yết để giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn thông qua thị trường tốt hơn. Năm qua số lượng giá trị tăng mới của giá trị niêm yết khoảng 56 nghìn tỷ. Số lượng này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, nhu cầu của doanh nghiệp.
Thứ hai, kiến nghị tiến tới nâng hạng thị trường. Một số vấn đề chính như sau: Nội lực của chúng ta quan trọng, do đó chất lượng hàng hóa trong thị trường là quan trọng. Khi chất lượng thị trường tốt, giá trị cao thì nhà đầu tư nước ngoài đến đây để tìm kiếm lợi nhuận, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Do đó, chất lượng thị trường và quan trọng hơn là kiện toàn Trung tâm thanh toán bù trừ (CCP) - điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường. Hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến sở hữu nước ngoài.
Thứ ba là tăng cường ứng dụng về công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý và giám sát. Nghiên cứu các hệ thống triển khai giám sát tự động, kết nối với hệ thống dữ liệu và các cơ quan như thuế, cơ quan giám sát của ngân hàng và giám sát tài chính quốc gia, tăng khả năng giám sát và chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp trên thị trường.
Cuối cùng là cung cấp hệ thống công nghệ và dữ liệu để tăng khả năng số hóa, tiếp cận để nhà đầu tư và công chúng xử lý thời gian phát hành, thời gian đầu tư được tiết kiệm thời gian hơn.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) nhấn mạnh, các công ty niêm yết là "hàng hóa" trên thị trường chứng khoán, hàng hóa phải tốt và không có hàng giả. Nhà đầu tư luôn mong mỏi các công ty niêm yết có mức tăng trưởng tốt và họ sẵn sàng bỏ vốn thêm cho mục tiêu này.
Vấn đề mấu chốt quan trọng hiện nay của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng bên cạnh vấn đề tài chính, công nghệ, hay năng lực quản lý là: Khuôn khổ pháp luật và chính sách cần được ổn định lâu dài. REE kiến nghị Chính phủ tiếp tục kiến tạo một môi trường luật pháp trong kinh doanh cởi mở, minh bạch hơn nữa, có thể tiến đến dịch vụ một cửa, giảm bớt cơ chế xin cho, chuyển dần sang cơ chế đăng ký và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp luật, không cấm là có thể tự động được làm.
Những chuyến công du của Thủ tướng tập trung mời gọi thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Thủ tướng đã đề cập đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. REE tin tưởng Chính phủ đang thúc đẩy Việt kiều tiếp tục là động lực chính cho phát triển kinh tế của Việt Nam. Những trở ngại hiện nay là thủ tục hành chính còn chậm chạp và hiệu quả còn thấp.
Về chỉ số VN30 hiện tại, chứng khoán trong rổ VN30 và VN100 này bao gồm cổ phiếu của 30 doanh nghiệp có vốn hóa và tính thanh khoản lớn nhất trên thị trường. Nếu chỉ xét về tiêu chí này thì phần lớn cổ phiếu từ các ngành hàng chưa hoàn toàn đại diện cho nền kinh tế. Nên chăng cần có các tiêu chí khác để doanh nghiệp từ các ngành nghề khác nhau được đặt trong rổ này sẽ đại diện cho nền kinh tế.
Về lãi suất ngân hàng,… làm sao lãi suất cho các doanh nghiệp về mức hợp lý hơn. Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục quan tâm hơn nữa, làm sao đưa lãi suất về một mặt bằng hợp lý để doanh nghiệp có thể sử dụng một phần của vốn ngân hàng bên cạnh vốn trái phiếu và cổ phiếu để có thể tiếp tục phát triển, đóng góp vào nền kinh tế...