14:30 12/08/2014

Chủ tịch VCCI băn khoăn giai đoạn “hậu WTO” của Việt Nam

Anh Minh

Sau giai đoạn hồ hởi ban đầu sau khi gia nhập WTO, Việt Nam hiện đang đối mặt với những trở ngại

Những lợi thế từ gia nhập WTO nói riêng và hội nhập nói chung, theo ông Lộc, “đã không được phát huy đầy đủ”.
Những lợi thế từ gia nhập WTO nói riêng và hội nhập nói chung, theo ông Lộc, “đã không được phát huy đầy đủ”.
Trong cuộc tọa đàm với ông Pascal Lamy, nguyên Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Hà Nội chiều 11/8, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng các thành tựu sau khi gia nhập WTO của Việt Nam là rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, sau giai đoạn hồ hởi ban đầu, Việt Nam hiện đang đối mặt với những trở ngại mới trong việc tận dụng các lợi thế mà WTO và các hiệp định thương mại khác đưa lại, ông Lộc nói.

Theo Chủ tịch VCCI, trong giai đoạn 2007-2008, nền kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến quan trọng nhờ vào hai nguyên nhân. Một mặt, những cải cách thể chế, pháp luật toàn diện mà Việt Nam thực hiện theo các cam kết WTO là tác nhân quan trọng nhất của những chuyển biến ở Việt Nam.

Mặt khác, sự hứng khởi của các nhà đầu tư cả trong nước lẫn nước ngoài cũng là yếu tố quan trọng đưa tới những chuyển biến này.

Tuy nhiên, sau đó sự hứng khởi đã lắng xuống, khi những cải cách thể chế mới dừng lại ở mức yêu cầu của WTO, mà chưa chú trọng sâu vào các nhu cầu nội địa. Công cuộc tái cấu trúc diễn ra rất chậm trễ, lại trùng vào giai đoạn kinh tế thế giới khó khăn, khủng hoảng.

Vì vậy, những lợi thế từ gia nhập WTO nói riêng và hội nhập nói chung, theo ông Lộc, “đã không được phát huy đầy đủ”.

Một ví dụ là cơ hội tăng trưởng không đạt được kỳ vọng, theo đó tăng trưởng GDP 5 năm 2007-2011 chỉ đạt 6,5%, dù vẫn là cao với thế giới nhưng rõ ràng là thấp hơn so với chính Việt Nam thời kỳ hội nhập hạn chế hơn trước đó, và thấp so với 7,8% của giai đoạn 2002-2006, thậm chí thấp so với 7% của giai đoạn 1996-2000.

Việt Nam cũng đối mặt tình trạng nông nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực, khi tăng trưởng bình quân ngành này trong giai đoạn 2007-2011 là 3,4%/năm, thấp hơn giai đoạn 5 năm trước 0,6 điểm %.

Cơ cấu xuất nhập khẩu có vấn đề và tăng trưởng đầu tư giảm, đóng góp vào GDP của đầu tư cũng giảm cũng là những vấn đề của Việt Nam hiện nay. Các doanh nghiệp dường như không tận dụng được cơ hội từ hội nhập để phát triển sản xuất kinh doanh và vì vậy việc mở rộng đầu tư, đầu tư mới của doanh nghiệp đã không đạt được tốc độ như trước đây.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng hy vọng rằng tình hình sẽ chuyển biến tích cực hơn, với việc chương trình cải cách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được phát động. Nghị quyết 15 của Chính phủ ban hành tháng 3/2014, đặt mục tiêu phải hoàn thành cổ phần hóa 432 doanh nghiệp Nhà nước. Nghị quyết 19 của Chính phủ thì yêu cầu đến năm 2015, các bộ, ngành của Việt Nam phải cải thiện mạnh mẽ thủ tục hành chính đạt mức trung bình của các nước ASEAN 6 cũng là những điểm nhấn đáng chú ý.

Trong khi đó, các chương trình sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư trình ra Quốc hội cũng đặt yêu cầu phải cải thiện được thứ hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu.

“Những nỗ lực cải cách theo các chuẩn mực quốc tế này sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội và mở ra từ WTO và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, ông nói.