06:59 17/11/2023

Chủ tịch VIAC: Phương thức PPP được coi là “ngôi sao hy vọng” của nền kinh tế Việt Nam

Vũ Khuê

Mỗi năm, dự kiến Việt Nam sẽ thiếu tới 15 tỷ USD tài trợ cho hạ tầng, trong đó tài chính và tài trợ của khu vực tư nhân sẽ có vai trò thiết yếu, khi mức nợ công của Việt Nam được thiết lập ở mức 60% GDP. Để mở rộng nguồn tài chính, phương thức PPP được coi là “ngôi sao hy vọng” của nền kinh tế Việt Nam...

Ước tính mỗi năm, Chính phủ Việt Nam chỉ có thể dành 15-18 tỷ USD (khoảng 7% GDP) cho chi tiêu cơ sở hạ tầng trong tổng nhu cầu đầu tư hàng năm từ 25-30 tỷ USD.
Ước tính mỗi năm, Chính phủ Việt Nam chỉ có thể dành 15-18 tỷ USD (khoảng 7% GDP) cho chi tiêu cơ sở hạ tầng trong tổng nhu cầu đầu tư hàng năm từ 25-30 tỷ USD.

Ngày 16/11, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức hội thảo “Công bố Báo cáo rà soát các mẫu hợp đồng hợp tác công – tư và Báo cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC, cho biết kinh tế toàn cầu hậu Covid-19 đang phải đối mặt với những thách thức lớn, gồm xung đột địa chính trị, áp lực lạm phát kéo dài, lan rộng khiến bối cảnh kinh tế chung đã, đang và sẽ còn nhiều khó khăn, có thể khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trong những năm tới.

Đây là giai đoạn khó khăn với nền kinh tế chung đặc biệt ở Việt Nam, với nhiều vấn đề trong nội tại nền kinh tế, năng lực cạnh tranh, thể chế. Đối với nhu cầu vốn cho việc phát triển hạ tầng, việc huy động vốn từ khu vực tư nhân đóng vai trò hết sức quan trọng, kỳ vọng cao hơn nếu có cơ chế phù hợp do Việt Nam đang thiếu nhu cầu vốn cho việc phát triển hạ tầng.

Báo cáo Viễn cảnh cơ sở hạ tầng toàn cầu năm 2017 cho thấy Việt Nam sẽ cần hơn 600 tỷ USD để đạt được các mục tiêu về cơ sở hạ tầng vào năm 2040. Trong khi đó, theo nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng (Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - VBF), ước tính mỗi năm, Chính phủ Việt Nam chỉ có thể dành 15-18 tỷ USD (khoảng 7% GDP) cho chi tiêu cơ sở hạ tầng trong tổng nhu cầu đầu tư hàng năm từ 25-30 tỷ USD, bao gồm cả ngành điện.

TS. Vũ Tiến Lộc: "Việc triển khai và thực hiện các dự án PPP trên thực tế vẫn còn tồn tại không ít các khó khăn, vướng mắc".
TS. Vũ Tiến Lộc: "Việc triển khai và thực hiện các dự án PPP trên thực tế vẫn còn tồn tại không ít các khó khăn, vướng mắc".

Do đó, mỗi năm, dự kiến Việt Nam sẽ thiếu tới 15 tỷ USD tài trợ cho hạ tầng, trong đó tài chính và tài trợ của khu vực tư nhân sẽ có vai trò thiết yếu, khi mức nợ công của Việt Nam được thiết lập ở mức 60% GDP.

Để mở rộng nguồn tài chính, phương thức PPP được coi là “ngôi sao hy vọng” của nền kinh tế Việt Nam, giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước. Nhưng để thực sự thu hút được nguồn lực từ khu vực tư nhân, cần phải xây dựng được niềm tin của nhà đầu tư vào phương thức này.

Đề cập đến khung khổ pháp lý cho PPP, ông Lộc cho rằng kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư vào năm 2020, tiếp theo đó là các Nghị định số 28 và 35 năm 2021, các quy định điều chỉnh hoạt động đầu tư PPP tại nhiều Luật và Nghị định được ban hành trước đây đã được đã nhất thể hóa, thể hiện sự thể chế hóa các định hướng và chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong hoạt động huy động nguồn lực tư nhân qua phương thức PPP.

Tuy nhiên, việc triển khai và thực hiện các dự án PPP trên thực tế vẫn còn tồn tại không ít các khó khăn, vướng mắc. Đầu tư theo phương thức PPP vẫn còn là một lĩnh vực mới ở nước ta và đang có xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây, nên mặc dù các quy định pháp luật trong lĩnh vực này liên tục được bổ sung, hoàn thiện nhưng vẫn chưa theo kịp với thực tiễn.

Hơn nữa, do thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể thi hành Luật PPP 2020 và thiếu các mẫu hợp đồng dự án PPP, khiến cho các bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị, triển khai dự án đầu tư PPP.

Đặc biệt, việc chưa ban hành và áp dụng mẫu hợp đồng nhằm thiết lập một mẫu tiêu chuẩn thống nhất cho các hợp đồng dự án PPP (một tài liệu trong bộ hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP) cũng gây khó khăn cho các cơ quan trong việc xây dựng các nguyên tắc hợp đồng minh bạch nhằm tạo sự công bằng trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Việc xây dựng và ban hành các mẫu hợp đồng dự án PPP, trong đó bao gồm: Mẫu Hợp đồng BOT (xây dựng, kinh doanh, vận hành), Hợp đồng BLT (Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao) và Hợp đồng O&M (kinh doanh- quản lý) có vai trò quan trọng trong việc thiết lập hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn thống nhất, đồng bộ cho các hợp đồng dự án PPP, góp phần đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh công bằng trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án PPP…

Song đến nay, mới chỉ có Mẫu Hợp đồng BOT được Bộ Giao thông và Vận tải ban hành, còn đối với mẫu Hợp đồng BLT và O&M hiện vẫn chưa thống nhất được về cơ quan đầu mối soạn thảo và thời điểm ban hành.

Với bối cảnh trên, trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực, tăng cường khả năng thích ứng và phát triển bền vững”, VIAC phối hợp với VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) đã tiến hành xây dựng báo cáo rà soát mẫu hợp đồng hợp tác công – tư cũng như vấn đề huy động các nguồn lực cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Báo cáo Rà soát các mẫu Hợp đồng BOT, BLT và O&M ở Việt Nam được thực hiện với mục đích rà soát, đánh giá hiện trạng pháp luật về PPP nói chung và các mẫu Hợp đồng BOT, BLT và O&M áp dụng trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thoát nước và xử lý chất thải nói riêng, có tham khảo kinh nghiệm pháp luật và thực tiễn triển khai hợp đồng dự án PPP tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, báo cáo huy động nguồn lực tài chính mới cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cũng được công bố. Báo cáo đưa ra hai phương thức huy động nguồn lực tài chính mới là đầu tư tài sản mới bằng nguồn thu từ các tài sản hạ tầng cũ (AR) và thu hút các nhà đầu tư tổ chức.

Báo cáo khuyến nghị, Chính phủ cần nâng cao hiệu quả và năng lực của khu vực công trong việc lập kế hoạch dự án, phân bổ nguồn lực và đấu thầu dự án. Đồng thời, cùng với việc củng cố thị trường vốn trong nước, Chính phủ cần cải thiện khuôn khổ thể chế, pháp lý và quy định để thúc đẩy các công cụ tài chính xanh.