Chủ tịch Vietcombank: Doanh nghiệp bất ngờ vì được tặng quà
Vietcombank là đơn vị tiên phong cắt giảm 0,5% lãi suất tiền vay, tác động ngay đối với 320 nghìn tỷ dư nợ, bị thiệt 250 tỷ đồng lợi nhuận trong 2 tháng
Chiều 18/11, tiếp xúc với phóng viên VnEconomy, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, sẽ giảm đồng loạt lãi suất tiền vay trên diện rộng 320 nghìn tỷ đồng dư nợ, kể từ 1/11 - 31/12/2019.
Chủ tịch Vietcombank nói, việc cắt giảm này, ngân hàng sẽ bị thiệt 250 tỷ đồng trong 2 tháng và nếu tính cả năm 2019 xét với toàn bộ số doanh nghiệp vay trong diện ưu tiên, ngân hàng thiệt trên 300 tỷ đồng.
Ông cho biết, cách đây mấy hôm, khi báo cáo trước Quốc Hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: đến 2020 sẽ phấn đấu giảm 0,5% lãi suất tiền vay cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.
Tiếp nhận tinh thần này, sau khi báo cáo với Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng quản trị Vietcombank đã họp và quyết định giảm 0,5% lãi suất đối với tất cả doanh nghiệp có quan hệ tiền vay tại ngân hàng, bao gồm cả vay ngắn hạn đến trung dài hạn, mặc dù phải đến 2020 mới phải thực hiện chủ trương đó.
Đây là đợt giảm diện rộng nhất từ trước tới nay; bởi trước đó, Vietcombank chỉ ưu tiên giảm với doanh nghiệp khởi nghiệp, công nghệ cao, các lĩnh vực ưu tiên khác theo định hướng của Chính phủ.
Ông có thể nói rõ mức độ hưởng lợi của bên vay sau khi ngân hàng triển khai giảm lãi suất là gì, thưa ông?
Thứ nhất, tất cả các doanh nghiệp có quan hệ tiền vay trong 2 tháng cuối 2019 đều được hưởng giảm 0,5% lãi suất.
Thứ hai, đối với các doanh nghiệp được thụ hưởng ưu tiên, sau khi được hưởng chính sách này (giảm 0,5%), họ được giảm tổng cộng 1,5% so với mức trần cho vay lĩnh vực ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước. Mức trần cho vay theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước là 6,5% nhưng sau khi hưởng cơ chế này chỉ còn 5%/năm.
Hôm nay là 18/11, ngân hàng sẽ công bố để toàn bộ hệ thống thực hiện cắt giảm ngay từ 1/11 và doanh nghiệp được hưởng từ 1/11 đến 31/12/2019. Khi giảm lãi suất như vậy, chỉ trong 2 tháng, chúng tôi hy sinh khoảng 250 tỷ đồng lợi nhuận. Nếu tính cả nhóm đối tượng doanh nghiệp ưu tiên đã vay ngân hàng từ đầu năm thì tính chung cả năm, ngân hàng bỏ ra trên 300 tỷ lợi nhuận hỗ trợ doanh nghiệp.
Thưa ông, tại sao với cá nhân vay ngân hàng lại không được đề cập trong lần cắt giảm lãi suất này?
Tinh thần chung là chỉ hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước; chúng tôi chưa có kế hoạch cắt giảm lãi suất cho vay với cá nhân. Thực tế cho thấy, tỷ trọng dư nợ cho vay của ngân hàng đối với doanh nghiệp lên tới trên 60%, nên cần hướng mục tiêu vào khu vực khách hàng này.
Đến thời điểm này, chưa có một ngân hàng nào cắt giảm lãi suất vay như Vietcombank. Kể cả doanh nghiệp cũng chưa biết và khi thông báo thì họ tỏ ra rất bất ngờ vì được tặng quà. Đặc biệt là với những doanh nghiệp có dư nợ càng lớn, càng được lợi.
Việc giảm lãi suất này có tác động như thế nào đối với kế hoạch lợi nhuận năm nay?
Chúng tôi giảm lãi suất như vậy là do tiết giảm các chi phí, nâng cao chất lượng tín dụng để giảm mức độ trích lập dự phòng, từ đó không làm ảnh hưởng đến kế hoạch lợi nhuận đã thông qua tại Đại hội đồng cổ đông. Thực tế, chi phí lớn nhất là trích lập dự phòng.
Về dư địa tín dụng, năm nay, chúng tôi được phân bổ tăng 15%, hiện mới chỉ tăng 10%, vẫn còn 5% trong 2 tháng cuối năm.
Để có thể bạo tay giảm lãi suất như vậy chính là nhờ năng lực tài chính của ngân hàng. Ví dụ, mức trích lập dự phòng rủi ro của Vietcombank trong năm nay thấp nhất trong số 4 ngân hàng thương mại Nhà nước; nên lợi nhuận hoàn toàn đáp ứng đủ kế hoạch. Khi có điều kiện thì điều đầu tiên là nghĩ đến đối tác đồng hành với mình.
Đến 2020, tuỳ thuộc diễn biến thị trường, Vietcombank sẽ có ứng xử phù hợp nhưng tinh thần chung là lãi suất cho vay luôn thấp nhất thị trường.
Theo ông, mặt bằng lãi suất vay của thị trường sẽ diễn biến như thế nào sau khi ngân hàng giảm lãi suất?
Sẽ chưa thể nói trước là thị trường sẽ chịu tác động lớn từ việc giảm lãi suất lần này của Vietcombank bởi vì việc cân đối đầu vào đầu ra ở mỗi ngân hàng là khác nhau. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có tác động đáng kể. Ở chỗ, khi Vietcombank giảm lãi suất thì thị trường sẽ nhận biết sức cạnh tranh chúng tôi cao hơn.
Có thể nào doanh nghiệp lấy tiền vay rẻ ở Vietcombank mang gửi ngân hàng khác có lãi suất cao hơn, thưa ông?
Những khoản vay tại Vietcombank không thể mang đi gửi đâu được bởi chúng tôi tra soát dò xét dòng tiền so với mục đích sử dụng rất chặt chẽ. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn có thể có những khoản tài chính và họ có thể mang gửi đâu đó; còn việc họ lập dự án, trong đó có cấu phần tiền vay ngân hàng là chuyện bình thường. Hai cái đó là khác nhau.
Đặc biệt, ngay trong hệ thống Vietcombank, không thể có chuyện vừa vay, vừa gửi và lãi suất tiền vay thấp hơn lãi suất tiền gửi.