10:03 25/11/2009

Chưa giao quyền thành lập đại học cho bộ trưởng

Nguyễn Lê

108 đại biểu không tán thành và 24 đại biểu không biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục

Chỉ có 62,07% đại biểu tán thành thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Chỉ có 62,07% đại biểu tán thành thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Sáng 25/11, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục với 306/438 đại biểu tán thành, bằng 62,07%, 108 đại biểu không tán thành và 24 đại biểu không biểu quyết.

 Đây là một dự án luật được thông qua với tỷ lệ thấp nhất so với các dự luật khác tại kỳ họp này.

Trước khi các vị đại biểu nhấn nút biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục và Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi đã trình bày báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật.

Thẩm quyền quyết định, thành lập, cho phép thành lập trường đại học là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong quá trình thảo luận dự thảo luật. Chủ nhiêm Thi cho biết, kết quả xin ý kiến có 121/235 đại biểu Quốc hội  đồng ý giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập trường đại học, 101/235 đại biểu không đồng ý và 12 đại biểu có ý kiến khác.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trước mắt cho giữ quy định về thẩm quyền thành lập trường đại học của Thủ tướng Chính phủ như Luật Giáo dục hiện hành. Song, tăng cường trách nhiệm thẩm định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện, sau đó tổng kết, đánh giá để có cơ sở lý luận, thực tiễn thuyết phục hơn và sẽ trình Quốc hội quyết định vào một dịp thích hợp khác.

Theo đó, nội dung này được quy định tại điều 51 như sau: "Thủ  tướng Chính phủ quy định cụ thể thủ tục thành lập, cho phép thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề theo thẩm quyền quy định cụ thể thủ tục thành lập, cho phép thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục, sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường ở các cấp học và trình độ đào tạo khác.”

Các nội dung khác được sửa đổi, bổ sung tại luật này bao gồm: thẩm quyền, trình tự thành lập hoặc cho phép thành lập; cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục; sáp nhập, chia tách, giải thể nhà trường; cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tiền lương, kiểm định chất lượng giáo dục...

Luật cho phép cá nhân được thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Bộ  trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; quy định điều kiện thành lập và giải thể, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.”