13:33 15/08/2009

Sửa Luật Giáo dục: Tăng thẩm quyền cho Bộ trưởng

Minh Thúy

Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục

Theo dự luật, sẽ phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi.
Theo dự luật, sẽ phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi.
Sáng 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Theo tờ trình của Chính phủ, 10 vấn đề liên quan đến 12 điều  trong tổng số 120 điều của Luật Giáo dục hiện hành sẽ được sửa đổi, bổ sung tại dự luật này.

Đẩy mạnh phân cấp

 Một trong 10 vấn đề đó là thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thẩm quyền cho phép thành lập trường đại học.

Về thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập trường đại học, theo Luật hiện hành, Thủ tướng chính phủ quyết định đối với trường đại học. Ban soạn thảo dự luật đề xuất bãi bỏ quy định này.

Và dự luật sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng chuyển thẩm quyền quyết định thành lập trường đại học công lập, cho phép thành lập trường đại học tư thục, giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học từ Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“ Việc giao thẩm quyền này xác định rõ hơn trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc quản lý Nhà nước về giáo dục nói chung và việc thành lập trường đại học, giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nói riêng”, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trình bày.

Đề xuất này không nhận được sự đồng tình của đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội – cơ quan thẩm tra.

Chủ nhiệm Đào Trọng Thi cho rằng, việc thành lập trường đại học liên quan đến chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo quốc gia, nhất là chủ trương xây dựng một số trường đại học trọng điểm đạt trình độ khu vực quốc tế. Do đó, thẩm quyền này phải do Thủ tướng Chính phủ thực hiện.

Cơ quan thẩm tra cũng lo ngại nếu phân cấp mà không có những biện pháp mạnh mẽ, thắt chặt các điều kiện thành lập trường thì e rằng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng phát triển ồ ạt các trường đại học không đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, phần thảo luận, đa số ý kiến lại nhất trí cao với đề xuất của Chính phủ. Nên đẩy mạnh phân cấp, tránh tình trạng cái gì cũng dồn lên Thủ tướng, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.

Vẫn “lọt” nhiều bức xúc

Bên cạnh tăng quyền cho Bộ trưởng, dự án luật tập trung sửa đổi bổ sung các vấn đề về phổ cập giáo dục; giáo trình giáo dục đại học và học nghề; thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ; đào tạo và cấp văn bằng trình độ tương đương thạc sĩ, tiến sĩ ở một số ngành chuyên môn đặc biệt; thành lập nhà trường; công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, tên gọi của nhà giáo giảng dạy trong trường cao đẳng nghề, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý giáo dục; miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm…

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, việc sửa đổi, bổ sung những nội dung này xuất phát từ những đòi hỏi khách quan và tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề thực sự bức xúc trong thực tiễn.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra và nhiều ý kiến của các vị ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc ban soạn thảo đã để lọt,  cần được đưa vào dự luật này.

Theo cơ quan thẩm tra, dự luật chưa tháo gỡ được một số vấn đề vướng mắc trong thực tiễn khi thực hiện Luật Giáo dục năm 2005. Hầu hết các nội dung Chính phủ trình tuy rất đáng được sửa đổi, bổ sung nhưng lại chưa thực sự cấp thiết.

Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đề nghị cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung 10 nội dung, gồm phân cấp quản lý giáo dục, hợp tác quốc tế về giáo dục, chuyển đổi các loại hình trường, cơ sở giáo dục đại học, kiểm định chất lượng giáo dục, học phí, phí dịch vụ...

Ủy ban này cũng đề nghị dự luật cần có phương án tốt nhất để giải quyết bức xúc những hạn chế, bất cập trong chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa – một trong những vấn đề hết sức quan trọng, được dư luận quan tâm.

Phần thảo luận, nhiều ý kiến cũng đề cập những vấn đề bức xúc khác rất cần được sửa đổi, bổ sung. Đó là cơ cấu trường đại học, chính sách giáo viên, tổ chức các kỳ thi…

Với những nội dung đã được sửa đổi, bổ sung tại dự luật, các đại biểu băn khoăn nhiều về điều kiện lập trường, thời gian đào tạo  tiến sĩ và vấn đề miễn học phí cho sinh viên sư phạm…