Chưa thể giảm phí cho trạm BOT Bình Định
Doanh thu thực tế qua các trạm BOT ở Bình Định hiện thấp hơn so với phương án tài chính dự kiến ban đầu. Nếu giảm phí , doanh nghiệp BOT ngấp nghé nguy cơ bị ngân hàng đưa vào nhóm nợ xấu
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định để trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14.
Trước đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã có kiến nghị Bộ chỉ đạo thực hiện nghiêm việc thu phí không dừng và chỉ đạo các nhà đầu tư có phương án giảm vé phí qua trạm thu phí BOT Bắc Bình Định và QL19 để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân giảm bớt chi phí trong điều kiện Covid-19 hiện nay.
PHÁT HUY TỐI ĐA HIỆU QUẢ THU PHÍ KHÔNG DỪNG
Trả lời về việc này, Bộ Giao thông vận tải cho biết, thời gian qua, Bộ đã hết sức nỗ lực triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng. Đến nay, tại tất cả các trạm thu phí trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng như các trạm thu phí trên toàn quốc đủ điều kiện đã được lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng đáp ứng tiến độ yêu cầu.
"Tuy nhiên, do đây là hình thức thu phí mới, công nghệ phức tạp, liên quan đến nhiều chủ thể, bao gồm nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT, ngân hàng cung cấp tín dụng, chủ các phương tiện tham gia giao thông, nên bước đầu trong quá trình vận hành không tránh khỏi các tồn tại, hạn chế", Bộ Giao thông vận tải chỉ rõ. Đó là xe qua trạm phải trả tiền mặt trong khi tài khoản giao thông vẫn trừ tiền, vẫn còn phương tiện chưa đủ điều kiện vẫn đi vào cửa dành riêng cho thu phí điện tử không dừng.
Thu phí không dừng là hình thức thu phí mới, công nghệ phức tạp, liên quan đến nhiều chủ thể, bao gồm nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT, ngân hàng cung cấp tín dụng, chủ các phương tiện tham gia giao thông
Để tiếp tục phát triển hệ thống thu phí điện tử không dừng cũng như phát huy tối đa hiệu quả hệ thống, Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ thu phí khắc phục các tồn tại hạn chế trong quá trình vận hành hệ thống. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng các điểm dịch vụ để dán thẻ cho các phương tiện. Đặc biệt, cải thiện các hình thức kết nối liên thông tài khoản ngân hàng và tài khoản giao thông để tạo sự thuận lợi cho người sử dụng, minh bạch tài chính và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.
CHIA SẺ KHÓ KHĂN VỚI DOANH NGHIỆP BOT
Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và đã tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó các nhà đầu tư bị ảnh hưởng trực tiếp do lưu lượng phương tiện thông qua trạm thu phí giảm dẫn đến doanh thu giảm, đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Bộ Giao thông vận tải cho biết đang phối hợp các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt.
Đối với chi phí của các phương tiện vận tải khi đi qua trạm thu phí hoàn vốn đầu tư dự án đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT, đây là mức giá sử dụng dịch vụ đường bộ được tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng dự án, đủ để các doanh nghiệp BOT hoàn trả phần vốn đã huy động đầu tư các dự án BOT đường bộ.
Mức giá sử dụng dịch vụ đường bộ được tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng dự án, đủ để các doanh nghiệp BOT hoàn trả phần vốn đã huy động đầu tư các dự án BOT đường bộ.
Các doanh nghiệp BOT đã gặp rất nhiều khó khăn khi phải giảm phí cho một số loại phương tiện và chưa được tăng phí như dự kiến trong hợp đồng dự án theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/2016. Hiện nay, các ngân hàng đang yêu cầu doanh nghiệp BOT huy động vốn bổ sung cho phần doanh thu thiếu hụt để tránh nguy cơ phải tái cơ cấu thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ.
“Các doanh nghiệp BOT đang gặp rất nhiều khó khăn, nay thêm dịch Covid-19, lượng xe giảm dẫn đến càng khó khăn hơn. Bộ Giao thông vận tải đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri tỉnh Bình Định và các chủ phương tiện, các doanh nghiệp vận tải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp BOT”, Bộ Giao thông vận tải nêu.
Trước đây, Quốc lộ 1 qua Bình Định nhiều lần hư hỏng rất nặng, sửa chữa không chất lượng nên sửa xong lại hỏng, hay vị trí đặt trạm chưa phù hợp, khiến người dân bức xúc. Tỉnh liên tục đề xuất Bộ xem xét giảm giá cước qua trạm BOT Bắc Bình Định và BOT quốc lộ 19. Dư luận địa phương còn bất bình khi cho rằng việc quản lý nguồn thu tại các trạm thu phí chưa chặt chẽ, minh bạch...