09:14 27/11/2014

Chưa thể giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô

Nguyễn Lê

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem ôtô ở Việt Nam vẫn là "mặt hàng cần thiết phải có sự điều tiết cao"

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay số lượng ôtô ở Việt Nam tăng nhanh, trong khi hạ tầng giao thông ở các khu đô thị chưa đáp ứng được. Mặt khác, việc sử dụng ôtô vẫn tập trung vào đối tượng có thu nhập cao trong xã hội, chủ yếu ở khu vực thành thị. <br>
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay số lượng ôtô ở Việt Nam tăng nhanh, trong khi hạ tầng giao thông ở các khu đô thị chưa đáp ứng được. Mặt khác, việc sử dụng ôtô vẫn tập trung vào đối tượng có thu nhập cao trong xã hội, chủ yếu ở khu vực thành thị. <br>
Giữ nguyên mức tăng thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá, rượu, bia như phương án Chính phủ trình, không giảm thuế suất với ôtô.

Đó là những nội dung đáng chú ý tại nghị trường chiều 26/11, khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nới lộ trình tăng thuế với rượu bia


Trước đó, trong quá trình thảo luận, nhiều vị đại biểu đề nghị quy định rượu từ 20 độ trở lên áp dụng thuế suất 70% thay vì 65% theo đề xuất của Chính phủ, và rượu dưới 20 độ áp dụng thuế suất 40% thay vì 35% theo đề xuất.

Một số ý kiến đề nghị tăng thuế suất đối với bia lên 70% (Chính phủ đề xuất 65%). Có ý kiến đề nghị cần có lộ trình hợp lý hơn để giảm áp lực và tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia tăng sản xuất, phát triển kinh doanh.

Dẫn báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc tăng thuế suất  đối với sản phẩm rượu, bia như dự thảo luật sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Để đảm bảo thực hiện chính sách nhất quán, ổn định sản xuất trong nước, cần thiết phải có lộ trình và mức tăng thuế suất hợp lý.

Cơ quan tiếp thu chỉnh lý dự án luật đề nghị giữ mức tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia như phương án Chính phủ trình song điều chỉnh lộ trình thực hiện đối với bia bắt đầu từ ngày 1/1/2016 thay vì từ ngày 1/7/2015.

Dự thảo luật cũng bổ sung lộ trình thực hiện đối với rượu. Cụ thể, đối với rượu trên 20 độ, áp dụng thuế suất 55% từ ngày 1/1/2016, 60% từ ngày 1/1/2017 và 65% từ ngày 1/1/2018, thay vì tăng thuế suất từ 50% lên 65% ngay từ ngày 1/7/2015.

Đối với rượu dưới 20 độ, áp dụng thuế suất 30% từ ngày 1/1/2016 và 35% từ ngày 1/1/2018 thay vì tăng thuế suất từ 25% lên 35% từ ngày 1/7/2015.

Thuế suất thuốc lá lên 70% từ 1/1/2016


Với mặt hàng thuốc lá, Chính phủ đề xuất phương án từ ngày 1/1/2016 tăng từ 65% lên 70%, từ ngày 1/1/2019 tăng từ 70% lên 75%.

Riêng nhóm "thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá", từ ngày 1/1/2016 đến hết ngày 31/12/2018 thuế suất là 70% và từ ngày 1/1/2019 sẽ là 75%.

Nhiều ý kiến đề nghị đẩy nhanh lộ trình và tăng thuế suất đối với thuốc lá mức cao hơn so với phương án Chính phủ trình, cụ thể đề nghị mức tăng từ 85 - 90% hoặc 95%; hoặc tăng lên 85% năm 2015, 105% năm 2018 và 125% năm 2020; có ý kiến đề nghị mỗi năm thuế suất tăng 10% đến khi đạt mức 145%, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay.

Đề nghị Quốc hội cho giữ lộ trình và mức tăng thuế suất đối với thuốc lá như dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước phải trích nộp một tỷ lệ từ 1-2% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt vào quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Đồng thời các doanh nghiệp này phải in hình cảnh báo trên vỏ bao và ban hành các quy định liên quan đến hạn chế các điểm hút thuốc,...

Trong khi đó, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn ngày càng gia tăng, sản lượng thuốc lá lậu hiện nay chiếm khoảng 20% thị phần thuốc lá Việt Nam. Giá bán của nhiều loại thuốc lá nhập lậu thấp hơn nhiều so với thuốc lá cùng loại sản xuất trong nước.

Do đó, nếu thực hiện lộ trình quá nhanh và tăng thuế suất cao, trong khi các biện pháp đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá chưa hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Không giảm thuế ôtô

Đồng tình tăng thuế với thuốc lá, rượu bia, song có ý kiến cho rằng, thuế suất đối với ôtô hiện ở mức cao ảnh hưởng đến người tiêu dùng và công nghiệp sản xuất ôtô.

Một số vị cũng đề nghị giảm thuế đối với ôtô chạy điện để khuyến khích tiêu dùng mặt hàng này.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay số lượng ôtô ở Việt Nam tăng nhanh, trong khi hạ tầng giao thông ở các khu đô thị chưa đáp ứng được. Mặt khác, việc sử dụng ôtô vẫn tập trung vào đối tượng có thu nhập cao trong xã hội, chủ yếu ở khu vực thành thị.

Do vậy, đây vẫn là mặt hàng cần thiết phải có sự điều tiết cao nhằm hạn chế tình trạng quá tải giao thông hiện nay, phù hợp với thông lệ các nước ASEAN.

Báo cáo giải trình nêu rõ, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành đã có quy định áp dụng thuế suất ưu đãi đối với ôtô chạy bằng điện, loại phổ thông chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống áp dụng thuế suất 25%, bằng một nửa mức thuế suất áp dụng cho loại chạy bằng xăng (45%, 50% và 60% tùy theo dung tích xi lanh).

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép giữ như luật hiện hành.