10:16 25/08/2008

“Chưa xác định ai là đối tác chiến lược của VMS-Mobifone”

Thanh Hải

Ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nói về tiến trình cổ phần hóa của VMS-Mobifone

"Tại thời điểm này, chưa thể khẳng định ai là đối tác chiến lược của VMS-Mobifone" - Ảnh: VNN.
"Tại thời điểm này, chưa thể khẳng định ai là đối tác chiến lược của VMS-Mobifone" - Ảnh: VNN.
Ông Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nói về tiến trình cổ phần hóa của VMS-Mobifone.

VMS-Mobifone luôn “lỗi hẹn” với tiến trình cổ phần hóa, ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao?

Đúng là các bước triển khai cổ phần hóa VMS-Mobifone có chậm so với kế hoạch.

Nguyên nhân do trước đây VMS-Mobifone có hợp tác với Comvik (Thụy Điển) dưới dạng hợp đồng hợp tác kinh doanh, do vậy để cổ phần hóa được cần phải kết thúc sự hợp tác này, quá trình thanh toán xác định giá trị mất quá nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, cũng do yếu tố chủ quan của Bộ, Tập đoàn VNPT và VMS-Mobifone. Lúc đầu Bộ giao cho VNPT và VMS-Mobifone triển khai, nhưng do VMS-Mobifone là một doanh nghiệp viễn thông đầu tiên tiến hành cổ phần hóa nên quá trình triển khai gặp nhiều lúng túng khiến VMS-Mobifone bị chậm.

Cụ thể, đâu là những khúc mắc nảy sinh trong quá trình thanh lý hợp đồng với Comvik?

Thực ra khúc mắc không phải là lớn, chủ yếu là hai bên phải rà soát lại tất cả các vấn đề đã triển khai trong hợp đồng cam kết. Từ đó đưa ra bản tài chính minh bạch cuối cùng trình lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nơi đăng ký kinh doanh để phê chuẩn. Đến nay, Comvik và VMS-Mobifone đã thanh toán xong hợp đồng BCC.

Có gần 10 ứng cử viên tham gia thầu tư vấn cổ phần hóa VMS-Mobifone. Ông có thể cho biết vì sao Credit Suisse được lựa chọn?

Chúng tôi thực hiện việc đấu thầu rất minh bạch và đúng luật với 2 vòng, và Credit Suisse được lựa chọn do đã đáp ứng được tối đa các điều kiện đặt ra trong quá trình tư vấn cổ phần hóa VMS-Mobifone, với mức giá là 50.000 USD. Quá trình tư vấn này sẽ được hoàn tất sau 3 tháng kể từ ngày ký hợp đồng.

Theo cam kết, Credit Suisse sẽ có 4 nhiệm vụ chính: giúp VMS-Mobifone xác định giá trị doanh nghiệp, xây dựng lộ trình các biện pháp để tiến hành cổ phần hóa, giúp và khuyến nghị về lộ trình phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) VMS-Mobifone, đặt ra những tiêu chí cụ thể trong việc lựa chọn cổ đông chiến lược.

Dự kiến cổ đông chiến lược sẽ nắm bao nhiêu phần trăm cổ phần của VMS-Mobifone?
 
Điều này sẽ tùy thuộc vào đề án tư vấn của Credit Suisse, dựa trên cơ sở đó Bộ sẽ xem xét và báo cáo với Chính phủ. Theo cam kết gia nhập WTO thì cổ đông chiến lược có thể nắm giữ tối đa là 30%.

Xin ông cho biết, đã có bao nhiêu nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ ý định sẽ là cổ đông chiến lược của VMS-Mobifone?

Chúng tôi chưa xem xét các điều kiện cụ thể để xác định cổ đông chiến lược cho VMS-Mobifone, vì hiện tư vấn đang tiến hành thực hiện các công việc chuẩn bị cho cổ phần hóa. Thời gian qua đã có khoảng 5-7 tập đoàn viễn thông lớn trên thế giới đến thăm dò và ngỏ ý muốn tham gia làm cổ đông chiến lược của VMS-Mobifone sau khi tiến trình cổ phần hóa hoàn tất, như Vodafone, France Telecom, Telenor, Orange, Comvik... và một số nhà cung cấp di động khác. Tất cả họ đều là những công ty viễn thông hàng đầu thế giới cả về mạng lưới và công nghệ.

Có thông tin cho rằng việc Credit Suisse thắng thầu tư vấn sẽ cho kết quả nhà đầu tư chiến lược là Ericsson của VMS-Mobifone. Ông có nghĩ vậy không?

Có thể nói, xã hội rất quan tâm đến cổ phần hóa của VMS-Mobifone và có nhiều ý kiến, có thể có một số bình luận đúng nhưng cũng có một số bình luận không đúng. Hiện chúng tôi đang xây dựng hồ sơ và các tiêu chí đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Chúng tôi rất hoan ngênh các đối tác kết hợp với nhau để tham gia vào đấu thầu làm cổ đông chiến lược của VMS-Mobifone, nếu như những đối tác này hợp tác tốt thì đó sẽ là điều kiện tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tại thời điểm này chưa thể khẳng định ai là đối tác chiến lược của VMS-Mobifone.

Một số IPO các doanh nghiệp Nhà nước lớn đã từng thất bại thời gian qua, ông có nghĩ điều này dễ lặp lại với trường hợp của VMS-Mobifone không?

Theo lộ trình đề ra việc tư vấn cổ phần hóa VMS-Mobifone sẽ phải kết thúc trong vòng 3 tháng, nếu không nhà tư vấn sẽ bị phạt. Sau đó, VNPT sẽ báo cáo lên Bộ để xem xét và báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ. Nếu đảm bảo được điều này, đầu năm 2009 sẽ tiến hành IPO VMS-Mobifone. Chúng tôi sẽ có những phân tích thật cụ thể tình hình thị trường tại thời điểm có đề án.

Nhưng tôi tin IPO VMS-Mobifone sẽ thuận lợi hơn. Điều quan trọng nhất của quá trình cổ phần hóa là nâng cao được năng lực của doanh nghiệp đồng thời cũng nâng cao được năng lực trong lĩnh vực thông tin di động ở Việt Nam.