Chuẩn bị vào mùa cao điểm cuối năm, lãi suất liên ngân hàng nhích tăng
Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng bắt đầu tăng từ tuần trước và kéo dài đến phiên giao dịch đầu tuần này...
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng tiếp tục ghi nhận mức tăng tương đối mạnh trong những ngày cuối tháng 11 và đạt 10,18 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2020.
Như vậy, chỉ trong 1 tuần cuối tháng 11, các ngân hàng thương đã cho vay thêm khoảng 61.000 tỷ đồng, gần tương đương với mức cấp tín dụng trong tháng 10 và là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế sau khi nới lỏng giãn cách.
Cộng thêm diễn biến Ngân hàng Nhà nước mới đây đã nâng trần tín dụng tại một số ngân hàng thương mại, Công ty Chứng khoán SSI dự báo: “Tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ đạt khoảng 13% và phù hợp với quan điểm từ phía nhà điều hành”.
Tại một khía cạnh khác, thông thường, cuối năm luôn là thời điểm nhu cầu chi trả thanh toán của người dân tăng cao. Trong khi, do tỷ giá USD/VND tăng cao, kênh mua bán ngoại tệ không thể bơm thêm tiền Đồng mới, càng khiến thanh khoản hệ thống chịu thêm áp lực.
Theo đó, chỉ báo nhạy nhất với thanh khoản hệ thống là lãi suất liên ngân hàng bắt đầu nhích tăng. Trong tuần vừa qua, lãi suất VND liên ngân hàng tăng 0,05-0,06 điểm phần trăm so với cuối tuần liền trước.
Thậm chí, đà tăng còn tiếp diễn trong phiên giao dịch hôm qua (13/12). Cụ thể, tăng 0,01-0,04 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 1 tuần và 1 tháng. Các mức lãi suất giao dịch ở: qua đêm 0,68%; 1 tuần 0,80%; 2 tuần 0,89%; 1 tháng 1,24%.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn bắt đầu. Thời điểm chính thức cao điểm thường diễn ra vào cận Tết Âm lịch. Lúc đó, lãi suất VND liên luôn biến động tăng mạnh, khiến nhà điều hành phải bơm những khoản tiền lớn để “cấp cứu” tạm thời.
Còn thời điểm này, như trên, lãi suất VND mới chỉ nhích tăng, chưa đáng lo. Và kênh hỗ trợ ở nghiệp vụ thị trường mở cũng chưa phải dùng tời, dù Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 5.000 tỷ đồng/ mỗi phiên.
Hiện tại, để chủ động đề phòng rủi ro thanh khoản, nhiều ngân hàng thương mại đã bắt đầu triển khai hàng loạt chương trình hút tiền gửi thông qua việc nâng biểu lãi suất tiết kiệm. Đồng thời, có những phần quà tri ân cho khách hàng gửi tiền.
Cũng do thanh khoản bắt đầu gặp khó, giá trị giao dịch trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp tuần vừa qua giảm tới 66%, xuống mức 23.600 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 14 tuần qua.
Lợi tức chốt tuần ở mức: 1 năm (0,52%, tăng 0,03 điểm phần trăm); 3 năm (0,68%; không đổi); 5 năm (0,79%, tăng 0,01 điểm phần trăm); 10 năm (2,09%, giảm 0,01 điểm phần trăm); 15 năm (2,35%; giảm 0,01 điểm phần trăm); 20 năm (2,77%, giảm 0,02 điểm phần trăm); 30 năm (2,96%, không đổi).