Thống đốc lý giải chênh lệch lãi suất cho vay của công ty tài chính và ngân hàng
Mặc dù có sự chênh lệch lãi suất cho vay lớn nhưng Thống đốc khẳng định, việc ra đời và tồn tại của các công ty tài chính tiêu dùng là phù hợp với nhu cầu thực tiễn...
Trong văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đối với hoạt động ngân hàng tại phiếu chất vấn ngày 18/10/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã lý giải nguyên nhân dẫn đến mức lãi suất tại công ty tài chính cao hơn tại các ngân hàng thương mại.
Theo Thống đốc, cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính khác biệt so với hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại về đối tượng khách hàng, lãi suất, sản phẩm cho vay, kênh phân phối và quản trị rủi ro...
Cụ thể, tại quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, công ty tài chính không được huy động tiền gửi của cá nhân, nguồn vốn hoạt động chủ yếu là vốn điều lệ, huy động trên thị trường tiền tệ, thị trường vốn.
Trong khi đó, đối tượng khách hàng của công ty tài chính là các khách hàng có thu nhập trung bình hoặc thấp, không ổn định, hiểu biết về tài chính hạn chế, có nhu cầu vay với giá trị nhỏ, thời gian ngắn, mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống sinh hoạt hàng ngày, không có tài sản bảo đảm, rủi ro cao; quy trình, thủ tục cho vay đơn giản, thời gian giải ngân nhanh.
Đồng thời, việc cho vay được thực hiện thông qua mở điểm giới thiệu dịch vụ tại nơi cung ứng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng để giới thiệu các sản phẩm cho vay tiêu dùng, thu thập thông tin, nhu cầu vay vốn của khách hàng nên cần đội ngũ nhân viên, cộng tác viên lớn, điều này dẫn đến chi phí thực hiện cho vay, quản lý khoản vay cao.
"Với đặc thù trong hoạt động, mức lãi suất của các sản phẩm cho vay của công ty tài chính thường cao hơn lãi suất của các ngân hàng thương mại", Thống đốc nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thống đốc cũng khẳng định, việc ra đời và tồn tại của các công ty tài chính tiêu dùng là phù hợp với nhu cầu thực tiễn, tạo điều kiện cho đối tượng khách hàng không đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ cho vay của ngân hàng thương mại có cơ hội tiếp cận các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống, kích thích và thúc đẩy tiêu dùng của dân cư.
Đặc biệt, hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính cũng góp phần mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi ở các địa bàn này.
Tuy nhiên, Thống đốc lưu ý, vấn đề đặt ra ở đây là cần có giải pháp quản lý để bảo đảm hoạt động của các công ty tài chính tuân thủ đúng các quy định pháp luật, mở rộng tín dụng tiêu dùng hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Hiện tại, thông qua giám sát an toàn vi mô, Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh; trong đó, quy định rõ trách nhiệm của công ty tài chính, đảm bảo công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng.
Để ổn định lãi suất thị trường, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng, bao gồm cả công ty tài chính cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng, công ty tài chính đã thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.
Đồng thời, khuyến nghị công ty tài chính rà soát, xem xét giảm lãi suất các khoản vay cho mục đích tiêu dùng phù hợp với điều kiện cụ thể của công ty tài chính, khách hàng vay, giúp khách hàng tiếp cận vốn tốt hơn, góp phần hỗ trợ khách hàng trên cơ sở hai bên cùng có lợi, hướng đến quan hệ kinh doanh bền vững.
"Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động của các công ty tài chính, nhất là các công ty tài chính tiêu dùng; đồng thời, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ để góp phần hạn chế tín dụng đen, tăng khả năng tiếp cận nguồn tín dụng hợp pháp", Thống đốc chia sẻ.
Hiện nay, có một số cá nhân, doanh nghiệp lập website, tạo ứng dụng cho vay có tên gây hiểu nhầm doanh nghiệp đó là công ty tài chính được cấp phép hoạt động.
Ngân hàng Nhà nước cũng nhận được đề nghị phối hợp cung cấp thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với các vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những công ty này.
Để bảo vệ quyền lợi của người dân nói chung và các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép nói riêng, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố chủ động báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố rà soát và yêu cầu các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức khác đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ được thực hiện hoạt động ngân hàng khi được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, đảm bảo tuân thủ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng; đồng thời, yêu cầu không được sử dụng các cụm từ, thuật ngữ để quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ là hoạt động ngân hàng khi chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.